Ban Bí thư sáng nay tiếp tục tổ chức hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết hội nghị lần thứ 5 khóa XIII.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã truyền đạt chuyên đề về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.
Tổ chức cơ sở đảng ở đâu bị kỷ luật, phải thay cấp ủy
Bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều chủ trương quan trọng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hoá, tổ chức thực hiện.
Công tác xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh được đẩy mạnh; tổ chức cơ sở đảng tiếp tục được củng cố, kiện toàn, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, gắn với xây dựng hệ thống chính trị.
Bà Mai nêu, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cấp ủy viên, bí thư cấp ủy cơ sở được quan tâm. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tinh thần tự phê bình và phê bình, chất lượng sinh hoạt, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quản lý đảng viên, đánh giá, xếp loại, kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật… được nâng lên.
Công tác phát triển đảng viên được chú trọng, chất lượng đội ngũ đảng viên chuyển biến tích cực, trình độ cao hơn. Phần lớn nêu cao tinh thần trách nhiệm, có ý thức rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, tự phê bình và phê bình, tiên phong, gương mẫu, xây dựng mối quan hệ mật thiết với nhân dân.
Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, những kết quả đạt được nêu trên có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Đồng thời nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, phát huy tốt vai trò lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh…
Tuy nhiên, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng nêu, nhiệm kỳ 2016-2020, có 664 tổ chức cơ sở đảng bị thi hành kỷ luật (khiển trách 503 tổ chức, cảnh cáo 161 tổ chức), tăng 114 tổ chức so với nhiệm kỳ 2010-2015, trung bình thi hành kỷ luật hơn 100 tổ chức (khoảng 0,2%).
“Tuy nói 0,2% là thấp trong hơn 50.000 tổ chức cơ sở đảng nhưng không thể xem thường. Mỗi nơi, tổ chức cơ sở đảng bị kỷ luật thì ở đó lòng tin của nhân dân bị giảm sút. Đề nghị anh Trần Cẩm Tú (Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương) phối hợp, ở đâu, tổ chức cơ sở đảng bị kỷ luật phải thay cấp ủy, nếu để như thế sẽ không có được lòng tin bởi bộ phận này nằm sát cơ sở, với dân.
Không thể để cán bộ bị kỷ luật ngồi đó mãi để ảnh hưởng lòng tin của dân với đảng, trong khi hàng chục ngàn tổ chức cơ sở đảng làm tốt”, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đề nghị.
Vi phạm chủ yếu là vi phạm nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước; quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết nội bộ; công tác cán bộ; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giải quyết các khiếu nại, tố cáo... Năm 2021, cấp uỷ các cấp đã thi hành kỷ luật 223 tổ chức đảng (khiển trách 159 tổ chức; cảnh cáo 64 tổ chức).
Từ số liệu này, bà Mai đặt vấn đề, vì sao trong dịch bệnh kỷ luật nhiều hơn so với bình thường, trong khi những năm trước mỗi năm có khoảng hơn 100 tổ chức đảng bị thi hành kỷ luật.
Về đội ngũ đảng viên, theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, một bộ phận đảng viên có năng lực, trình độ, trách nhiệm chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; phai nhạt lý tưởng, thiếu bản lĩnh chính trị, đấu tranh tự phê bình và phê bình yếu; ý chí phấn đấu giảm sút; chưa gương mẫu, sống thực dụng; suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, vi phạm nguyên tắc, kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật của nhà nước.
Người vào đảng phải có động cơ trong sáng
Nhận thức về Đảng, động cơ phấn đấu vào Đảng của không ít đảng viên chưa đúng, không trong sáng.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phân tích: “Ngay từ lúc vào đảng mà động cơ của anh không đúng, không trong sáng thì khi vào đảng, cả cuộc đời hoạt động không thể tin tưởng anh sẽ trong sáng được. Chỗ này phải xem xét kỹ, động cơ người vào đảng phải trong sáng. Tôi nói không biết có chủ quan không nhưng một người vào đảng không trong sáng thì cả cuộc đời đi theo đảng cũng như thế. Còn ông nào đứng trong tập thể tốt có thể thay đổi. Bước vào đảng với động cơ trong sáng thì mới hy vọng cả cuộc đời người ta đi theo đảng mới trong sáng, đúng đắn.
Đảng mong muốn một người đi với đảng suốt đời, một người được đề bạt, bổ nhiệm thì phải tiếp tục phát triển. Rất tiếc có một bộ phận giữa đường gãy cánh, gãy cánh nặng chứ không phải nhẹ. Đó là điều rất buồn”.
Nêu kinh nghiệm từ Trung Quốc trong xây dựng đảng chú trọng bồi dưỡng nhân tài, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho biết, làm sao nhân tài phải nhận thức, có lý tưởng cách mạng khi bước chân vào đội ngũ của Đảng.
Ban Tổ chức Trung ương được giao nhiệm vụ và sẽ cố gắng, nỗ lực trình quy định về khuyến khích bồi dưỡng, sử dụng, bố trí nhân tài.
Dẫn chứng khi về trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam dự kết nạp đảng của 2 đoàn viên học lớp 12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nói “cảm thấy mừng và có nhiều sự hy vọng”. Đây là 2 em học sinh giỏi Toán, Lý nhiều năm liền và thi quốc tế đạt thành tích tốt, theo bà Mai, “những học sinh này bước chân vào đảng, đảng yên tâm”.
Bà đề nghị quan tâm tới những trường hợp này, khi học đến lớp 12 đủ 18 tuổi hoặc năm đầu đầu Đại học, theo điều lệ đảng học sinh, sinh viên nào tốt thì khẩn trương vận động, rèn luyện đưa vào đảng.
Một số tổ chức, cơ sở đảng chưa thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ. Nhắc đến việc kỷ luật một số tổ chức đảng vừa qua, lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương nhận định, những tổ chức này đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ.
“Dùng ý chí của người đứng đầu áp đặt chủ quan, không tôn trọng dân chủ nhưng ngược lại có một số nơi thả nổi, người đứng đầu không chịu trách nhiệm, sợ trách nhiệm. Cả hai việc này đều không tốt cho đảng, vì vậy, nguyên tắc tập trung dân chủ phải được tiếp tục làm rõ và phải được cụ thể hóa để dễ thực hiện, dễ chấp hành”, bà Mai nêu.
Chất lượng sinh hoạt, tinh thần phê và tự phê bình, công tác đánh giá xếp loại còn hạn chế, chưa thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của đảng trong việc giải quyết những khó khăn, bức xúc của nhân dân.
Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, trước vấn đề này Trung ương đã có thêm Quy định 11 về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân. Tuy nhiên, khi triển khai vẫn còn khó khăn, trước tình trạng khiếu kiện của nhân dân, một số cấp ủy địa phương vẫn còn thái độ chưa đầy đủ trách nhiệm, thậm chí thờ ơ.