- Hiệu trưởng Trường THPT M.V. Lômônôxốp Nguyễn Quang Tùng cho biết yêu cầu học trò không tô son môi đến trường "chủ yếu mang tính chất đánh động để trò ý thức tự bảo vệ mình, tập trung vào việc học".
Sáng 23/9, trao đổi với VietNamNet, Hiệu trưởng Trường THPT M.V. Lômônôxốp Nguyễn Quang Tùng cho biết yêu cầu học trò không tô son môi đến trường "chủ yếu mang tính chất đánh động để trò ý thức tự bảo vệ mình, tập trung vào việc học".
Trường THPT M.V Lô-mô-nô-xốp, Hà Nội. Ảnh: Văn Chung). |
Cho rằng cách viết của văn bản đưa ra có thể hơi cứng nhắc nhưng theo ông Tùng khẳng định: "Không và chưa bao giờ có chuyện giáo viên, nhà trường không cho học sinh vào trường, vào lớp vì tô son môi hay thầy cô đi kiểm tra túi, cặp xem trò có mang soi môi đến lớp".
"Việc có học sinh tô son môi quá đậm, lòe loẹt đến trường là vấn đề của nhiều trường học hiện nay. Vừa qua phụ huynh đã có nguyện vọng này nên trường muốn có động thái đánh động các em. Nếu phát hiện em nào tô son môi quá đậm thì nhắc nhở lấy giấy lau đi. Trong quy định của trường cũng nhấn mạnh đến việc giáo viên chủ nhiệm và học sinh cùng trao đổi để hiểu về việc làm này. Thầy cô không vì chuyện này mà nặng lời với các em" - ông Tùng cho biết.
Vị hiệu trưởng cũng chia sẻ: "Trường không cấm các em trang điểm nhẹ, dưỡng môi khi đến lớp và không phải vì chuyện này mà đánh giá đạo đức của các em. Vào các dịp cuối tuần, ngoại khóa, dạ hội học sinh trong trường vẫn được tô son đậm, ăn mặc các trang phục khá đẹp".
Vừa qua nhà trường đã có buổi đối thoại với học sinh ở một lớp 11 và một lớp 12 - hai lớp tập trung đông học sinh nữ và "các em đã rất vui vẻ, chia sẻ với nhà trường".
Trong tuần học này, nhà trường sẽ mời một học sinh cũ của trường hiện là giám đốc một công ty mỹ phẩm về nói chuyện, định hướng cho các em học sinh trang điểm sao cho nhẹ nhàng, không độc hại và phù hợp với môi trường giáo dục.
Ông Tùng cũng thẳng thắn: "Hướng đi của trường là giáo dục toàn diện cho học sinh. Nếu cách thức thực hiện chưa hợp lý trường sẽ có sự điều chỉnh. Nhà trường cũng cảm ơn dư luận xã hội đã có những phản biện để nhà trường làm tốt hơn công tác giáo dục học sinh".
• Văn Chung