Thành lập năm 1991, Trường Nguyễn Siêu là 1 trong 4 trường dân lập đầu tiên của Hà Nội.

Phát biểu tại buổi lễ, NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh, Chủ tịch Hội đồng Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu nhớ lại những ngày đầu khó khăn với mô hình trường dân lập: “Trước đây, ai cũng nghĩ không vào được công lập thì mới phải sang dân lập. Định kiến ấy ăn sâu lắm”.

NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh, Chủ tịch Hội đồng Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) phát biểu tại buổi lễ.

Ông Vĩnh, khi đó là hiệu trưởng của trường, trăn trở phải phấn đấu làm thế nào để xóa bỏ định kiến đó.

Những ngày đầu, chất lượng đầu vào học sinh trường rất thấp. Xác định, muốn dạy những học sinh này giỏi lên thì phải có thầy giỏi. 

Vì vậy, những năm đầu, khi số lượng giáo viên cơ hữu của trường rất ít, thầy Vĩnh đã không ngại mời giáo viên trường ngoài như Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, THPT Chu Văn An,... về dạy.

Ông Vĩnh kể, những ngày đầu, học phí thu được ít nên số thu được chỉ để trong một hộp sắt nhỏ. Có những lần kiểm tiền, tiền thu học phí không đủ để mà trả lương cho cán bộ, giáo viên. Nhà trường phải đi vay nợ để trang trải, vượt qua.

Bên cạnh đó, nhà trường đề ra tiêu chuẩn lựa chọn học sinh khi đó là phải chăm ngoan. “Lấy đạo đức là hàng đầu. Học lực các em yếu đến đâu thì yếu, tôi vẫn nhận”, ông Vĩnh kể và cho rằng cũng vì thế mà nét văn hóa và uy tín của trường ngày càng tốt hơn.

 Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Trường Nguyễn Siêu.

Với những thành tựu xuất sắc trong sự nghiệp giáo dục, Trường Nguyễn Siêu đã được Nhà nước và Bộ GD-ĐT trao tặng nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý như: Huân chương Lao động hạng Ba năm 2010; Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2014.

Năm học 2022-2023, trường có 406 cán bộ, giáo viên, nhân viên (trong đó có 60 giáo viên quốc tế) và 2.633 học sinh.

Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Trường Nguyễn Siêu.

Trong buổi làm việc với nhà trường sau đó, ông Sơn cho hay, các trường ngoài công lập có rất nhiều ưu thế để triển khai chương trình phổ thông mới. “Mỗi nhóm có thuận lợi khác nhau, nhưng tôi nhìn thấy khối ngoài công lập đang có nhiều ưu thế hơn để triển khai chương trình mới và bắt nhịp với những điểm mới có phần thuận hơn. Các trường công lập, đặc biệt ở những tỉnh vùng khó khăn thì câu chuyện lớn nhất nằm ở trang thiết bị dạy học và đội ngũ giáo viên”, ông Sơn chia sẻ. 

Ông Sơn cũng hy vọng nhà trường tiếp tục tận dụng thế mạnh ở sự đồng thuận, chia sẻ và đồng hành của các bậc phụ huynh trong quá trình đổi mới giáo dục. "Phụ huynh đồng hành thì giá trị gia tăng của sự đổi mới sẽ trở nên mạnh mẽ hơn", ông Sơn nói.