Thông điệp của nhiều bài báo là phải có sự can thiệp của nhà nước để cứu vớt các tộc người. Nếu không họ sẽ ở bên bờ vực của sự diệt vong (!).

LTS: Chuyện một gameshow truyền hình gần đây đưa hình ảnh phản cảm về trang phục truyền thống của một dân tộc ở vùng cao đã làm dấy lên tranh luận nhiều chiều về tình trạng thiếu hụt kiến thức cơ bản về văn hóa các dân tộc VN. Tuần Việt Nam đã nhận được bài viết của một TS chuyên ngành Nhân học - Văn hóa bàn về vai trò của truyền thông trong vấn đề này. Bài viết lý giải vì sao thông tin về sinh hoạt văn hóa, lối sống của các tộc người thường đến với công chúng chưa đầy đủ, thậm chí lệch lạc. Xin giới thiệu tuyến bài tới độc giả như góc nhìn tham chiếu để bạn đọc cùng tranh luận. 

Định kiến

Khi nghiên cứu vấn đề này,  chúng tôi đã nhận ra trong 373/500 bài báo viết về dân tộc thiểu số được khảo sát có tới 284 bài viết (gần 66%) sử dụng các thuật ngữ ngụ ý tiêu cực.

Nội dung chủ yếu trong các bài viết này là mô tả và phê phán tình trạng "lạc hậu" của các tập tục, niềm tin tôn giáo, lối sống và hoạt động kinh tế của các tộc người thiểu số. Hình ảnh tiêu biểu mà các bài viết mang đến cho người đọc là tình trạng tồn tại phổ biến của những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, thói quen lười biếng và ỷ lại vào nhà nước, lối nghĩ bảo thủ . v.v...

Thông điệp mà các bài báo nêu ra việc cần thiết phải có sự can thiệp của nhà nước để cứu vớt các tộc người này, nếu không họ sẽ ở bờ vực của diệt vong (!). Khoảng 34% các bài viết sử dụng ngôn từ có ngụ ý tích cực nhưng nội dung chủ yếu là để ngợi ca những đổi thay trong quan niệm và lối sống của các cộng đồng tộc người theo đường lối. Như vậy, khái niệm tích cực ở đây chỉ có ý nghĩa tương đối vì nó được diễn giải từ quan điểm của nhà nước thay vì của chính người dân.

Xem xét các ngôn từ "tích cực" hay "tiêu cực" trong bối cảnh cụ thể của các bài báo, chúng ta có thể hiểu được những biểu hiện, đặc điểm và mức độ định kiến. Các khái niệm và thuật ngữ có ngụ ý tiêu cực hay tích cực đóng vai trò quan trọng tạo ra chân dung của các tộc người thiểu số. 

{keywords}

Những đứa trẻ ở "quê hương A Phủ" Hồng Ngài  (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La). Ảnh: Hoàng Hường

Hệ quả của định kiến

Mỗi nền văn hóa và cộng đồng tộc người đều có một hệ thống cấu trúc xã hội riêng. Tất cả  tạo nên một hệ giá trị và một nội lực riêng để từng cộng đồng đó tồn tại, thích ứng và phát triển.

Các giá trị và động lực phát triển của các cộng đồng tộc người luôn được biểu hiện rất sinh động, phong phú. Tuy nhiên, vấn đề là tại sao truyền thông lại thường lờ đi những tầng sâu văn hóa vốn làm nên sức sống của các tộc người để chỉ nhìn thấy, mô tả và cung cấp những thông tin hời hợt?

... Một thống kê  gần đây cho thấy, đa phần các thông tin đó đểu phản ánh "cái nhìn từ bên ngoài", với tư cách là một người quan sát, và vì vậy, họ thường lý giải vấn đề của các tộc người thiểu số bằng các trải nghiệm riêng mà họ có được từ nền văn hóa của chính mình.

Để khắc phục tình trạng phiến diện này, các nhà nhân học thường tham gia vào đời sống của các cộng đồng bản địa mà họ nghiên cứu để nhìn văn hóa từ quan điểm của chính người bản địa chứ không phải từ cách nhìn áp đặt từ bên ngoài. Những người làm truyền thông chắc chắn không có nhiều thời gian để làm như vậy, nhưng họ vẫn có thể thấu hiểu vấn đề từ bên trong bằng cách cố gắng đặt mình vào trong bối cảnh xã hội cụ thể mà họ đang nói tới thay vì chỉ giải thích hiện tượng từ quan điểm chủ quan của mình.

Nhà báo Lang Quốc Khánh, một người Thái ở Nghệ An đề xuất rằng viết về đồng bào dân tộc, cần phải hiểu đúng văn hóa của họ, và muốn làm được như vậy, nhà báo phải tuân thủ hai nguyên tắc cơ bản: (1) Phải tôn trọng bản sắc văn hóa của tộc người; (2) Phải tư duy theo lối tư duy của tộc người. Hai nguyên tắc này thể hiện đạo đức nghề nghiệp và năng lực chuyên môn của nhà báo.[[i]]

Một vấn đề có ảnh hưởng đến loại hình thông tin và cách đưa tin của truyền thông là đối tượng độc giả mà họ đang hướng tới. Dường như, đối tượng mà truyền thông nhắm vào chủ yếu là  nhóm dân tộc đa số, những người có nhu cầu tìm hiểu về tình hình chính trị - xã hội và các nền văn hóa của các tộc người khác với văn hóa của họ.[[ii]]

Là người làm nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy cho đến nay chưa có những điều tra xem đồng bào các dân tộc thiểu số đọc các thông tin này không và phản hồi ra sao với những thông tin chưa chính xác. 

Về hiệu ứng của cách truyền thông này, ông Cư Hòa Vần, Nguyên Chủ tịch Hội đồng dân tộc của QH từng cho rằng những thông tin có tính áp đặt như vậy rất tai hại vì:

"Nó tác động sai vào suy nghĩ, nhận thức của chúng ta. Thực ra người dân tộc thiểu số có nhiều tập quán, phong tục rất tốt đẹp. Nhưng có thời ta không hiểu, cho là lãng phí, mất trật tự và cấm. Trong lao động sản xuất, mình cứ nghĩ đồng bào là lạc hậu, phải cầm tay chỉ việc. Nhưng thực ra phải nói đồng bào có rất nhiều kinh nghiệm quý. Vì ở hoàn cảnh, điều kiện hiểm trở như thế mà người ta vẫn làm ăn được, như trên núi đá Mèo Vạc, bảo người ta lạc hậu, nếu ta vào đó có khi chết đói trước".

Còn nữa

Nguyễn Văn Chính

*Tác giả là Tiến sĩ chuyên ngành Nhân học Văn hoá - Xã hội tại Đại học Amsterdam, Hà Lan. Hiện ông là Phó GĐ Trung tâm Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương và Các vấn đề quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Bài viết được trích từ công trình nghiên cứu "Định kiến tộc người". Tiêu đề do Tuần Việt Nam đặt. 


[[i]] Lang Quốc Khánh (2009), Viết về đồng bào dân tộc cần hiểu đúng văn hóa. ICT News, 20/01/2009.

[[ii]] Theo TTXVN, cơ quan này có tới 4/6 ấn phẩm dành phục vụ riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó ấn Bản tin ảnh Dân tộc thiểu số & miền núi được phát hành miễn phí trên 5.000 xã, 400 huyện và gần 50.000 thôn, bản của 52 tỉnh có miền núi trong cả nước, số lượng phát hành mỗi kỳ là 55.000 bản.

Tin bài cùng tác giả:

Bài 1: Có thật Hà Nội khác hẳn các vùng miền

Bài 2: Hào hoa Hà thành phai nhạt vì người nhập cư

Bài 3: Hà Nội như một 'Paris của Việt Nam'

Bài 4: Hà Nội "chuồng cọp", biệt thự và 'xóm liều'

Bài 5: Hà Nội vẫn chỉ là 'phía bên kia của làng xã'