Ngày 23/12/2015, Vietnam Report đã công bố Báo cáo ngành ngân hàng năm 2015, với chủ đề “Uy tín truyền thông và biến động giá cổ phiếu – Mối quan hệ thuận chiều qua trường hợp ngành Ngân hàng”.

Nghiên cứu được tiến hành dựa trên mô hình phân tích lượng hóa nội dung truyền thông nhằm đánh giá hình ảnh, uy tín của các ngân hàng dựa trên học thuyết Agenda Setting về sự ảnh hưởng, tác động của thông tin truyền thông đến vị trí, hình ảnh của ngân hàng, được 2 giáo sư Maxwell McCombs và Donald L. Shaw chính thức công bố vào năm 1968, và được Vietnam Report phối hợp cùng các đối tác hiện thực hóa và áp dụng.

Dựa trên phương pháp nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu của Vietnam Report đã lựa chọn và tiến hành mã hóa theo ngành (Branch coding) những bài báo viết về 31 NHTM được đăng tải trên các chuyên mục Đầu tư, Tài chính, Chứng khoán, Doanh nghiệp v.v.  của các báo như: Thời báo Kinh tế Việt Nam, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Café F, Đầu tư , Đầu tư tài chính .. từ tháng 7/2014 đến tháng 6/2015 dựa trên 12 tiêu chí cụ thể. Việc lựa chọn đầu báo để tiến hành mã hóa phân tích là sự lựa chọn ngẫu nhiên theo phân nhóm chủng loại báo chí từ tập hợp các đầu báo có các chuyên mục Kinh tế - Tài chính tại Việt Nam (không có hàm ý rằng những đầu báo được lựa chọn là có uy tín cao hơn các đầu báo còn lại). Với tổng số 5.768 bản ghi (tương ứng 5.768 coding units) về hoạt động, kết quả kinh doanh, thị trường cho tới hình ảnh và uy tín của lãnh đạo các NH đã đánh giá được mức độ ảnh hưởng, lượng thông tin tích cực của các NH này trên truyền thông, cũng như tổng quan niềm tin của công chúng đối với các NH. Bên cạnh đó cũng đưa ra cảnh báo về những nguy cơ tiềm ẩn về hình ảnh, những điểm yếu cần phải cải thiện, và những chiến lược để đạt được các mục tiêu truyền thông.

Một số kết quả đáng chú ý trong báo cáo:

1. Vietcombank xuất sắc vươn lên vị trí dẫn đầu Bảng xếp hạng uy tín truyền thông ngành NH

Xét theo kết quả tính toán cuối cùng, Vietcombank đã xuất sắc vươn lên vị trí dẫn đầu Bảng xếp hạng uy tín truyền thông ngành NH năm 2015. Trải qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển, Vietcombank đã có những đóng góp quan trọng không chỉ cho sự ổn định và phát triển của kinh tế đất nước mà còn gia tăng giá trị cho cộng đồng và xã hội, giữ vững vị thế dẫn đầu trong hệ thống các tổ chức tín dụng tại Việt Nam. Trong năm 2014, các chỉ tiêu kinh doanh trọng yếu của NH đều đã được hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Huy động vốn tăng trưởng mạnh; cơ cấu nguồn vốn chuyển dịch theo đúng định hướng. Huy động vốn từ nền kinh tế tăng 25,94% so với năm 2013. Dư nợ tín dụng tăng 17,68% so với năm 2013. Nợ xấu tại thời điểm 31/12/2014 là 7.407 tỷ đồng, ở mức 2,29%, giảm 0,4% so với tỷ lệ của năm 2013. Hiệu suất sinh lời của tổng tài sản bình quân (ROA) và hiệu suất sinh lời của vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) đạt tương ứng là 0,9% và 10,5%. Với những kết quả đã đạt được và kinh nghiệm lâu năm trong hệ thống ngân hàng cũng như tiềm lực tài chính vững mạnh, Vietcombank hứa hẹn sẽ có những bứt phá ngoạn mục hơn trong thời gian tới.

{keywords}

Hình 1: Điểm số uy tín trên truyền thông của Top 10 NH từ tháng 7/2014 đến tháng 6/2015. Nguồn: CSDL 5.768 bản ghi về các NHTM tại Việt Nam từ tháng 7/2014 đến tháng 6/2015

Lần lượt những vị trí trong Top 05 năm nay thuộc về Vietcombank, Vietinbank, Sacombank, TP Bank và VIB. Đây đều là những NH hoạt động có uy tín và gặt hái được nhiều thành công nhất định trong suốt giai đoạn vừa qua. So với Top 10 uy tín truyền thông ngành NH năm trước, Top 10 năm nay có sự xuất hiện của một số gương mặt mới đó là VIB, Maritimebank, và PVComBank.

2. Uy tín ngành ngân hàng – bức tranh đẹp với nhiều thông tin tích cực

Về tỷ suất đánh giá Tích cực so với Tiêu cực trong tổng số bản ghi về các NH theo tháng, nhìn tổng thể đây là một bức tranh đẹp khi số lượng những tin tức tích cực luôn lớn hơn so với những tin tức tiêu cực và khoảng cách giữa hai đường tích cực và tiêu cực cũng có xu hướng mở rộng ra.

{keywords}

Hình 2: Tỷ suất đánh giá Tích cực so với Tiêu cực trong tổng số bản ghi về các NH theo tháng. (ĐV: %). Nguồn: CSDL 5.768 bản ghi về các NHTM tại Việt Nam từ tháng 7/2014 đến tháng 6/2015

Giai đoạn Tháng 9, Tháng 10 năm 2014, và Tháng 2 năm 2015 là khoảng thời gian ngành NH đón nhận nhiều tin tức xấu khi khoảng cách giữa những đánh giá Tích cực và Tiêu cực bị thu hẹp hơn so với những khoảng thời gian khác. Những luồng thông tin tiêu cực chủ yếu xuất phát từ KQ HĐKD không mấy khả quan của một số NHTM, doanh thu, lợi nhuận giảm, dư nợ tín dụng giảm, nợ xấu và trích lập dự phòng còn cao; những vấn đề liên quan đến những sai phạm trong hoạt động cho vay, quản lý của các NH; v.v.

Giai đoạn từ Tháng 3 đến Tháng 6 năm 2015 là giai đoạn ngành NH đón nhiều tin vui hơn cả. Đây là thời điểm các NH liên tục công bố những thông tin tài chính khởi sắc, doanh thu tăng trưởng, nợ xấu giảm, công tác quản lý và nhân sự ngày càng hiệu quả. Ngoài ra những thông tin liên quan đến công tác tái cơ cấu ngành NH, những thương vụ sáp nhập “đôi bên cùng có lợi” cũng là những điểm sáng mang đến nhiều đánh giá tích cực cho ngành, làm nới rộng khoảng cách giữa hai đường Tích cực và Tiêu cực.

3. Ngân hàng và chiến lược đa dạng hóa thông tin trên truyền thông

Trong top 05 chủ đề thông tin liên quan đến các NH xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông thì những thông tin về Tài chính và KQKD của các NH vẫn luôn là chủ đề được nhắc đến nhiều hơn cả bởi những con số vẫn luôn là bằng chứng đanh thép nhất khẳng định hiệu quả hoạt động của bất kỳ nhà băng nào.

{keywords}

 Hình 3: Top 05 chủ đề được nhắc đến nhiều nhất của các NH trên truyền thông. (ĐV: %). Nguồn: CSDL 5.768 bản ghi về các NHTM tại Việt Nam từ tháng 7/2014 đến tháng 6/2015

Ngoài ra, cuộc chạy đua sản phẩm giữa các NHTM với hàng loạt những gói vay, các chương trình khuyến mại, giảm giá với lãi suất ưu đãi tích hợp nhiều ứng dụng di động, internet nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả cho khách hàng đã khiến cho chủ đề về sản phẩm và marketing trở thành chủ đề phổ biến thứ 2 của các NH trên mặt báo. Bên cạnh đó, chứng khoán và những thương vụ hợp tác, sáp nhập là 2 chủ đề có mức độ phổ biến tương đương nhau. Vấn đề nhân sự cũng trở thành 1 trong 5 chủ đề được nhắc đến nhiều trong giai đoạn nghiên cứu từ tháng 7/2014 đến tháng 6/2015 bởi hàng loạt những thương vụ mua bán, sáp nhập được thực hiện, cũng như công tác tái cơ cấu ngành NH được các nhà băng triển khai quyết liệt hơn. Những thay đổi trong bộ máy lãnh đạo nòng cốt của các NH là những chủ đề tin tức rất có sức hút đối với cộng đồng, bên cạnh đó việc những thông tin tuyển dụng, lương thưởng của nhân viên ngành NH trong giai đoạn vừa qua cũng nhận được những sự quan tâm nhất định.

4. Triển vọng phát triển của ngân hàng trên truyền thông

Những nguồn thông tin về triển vọng phát triển của NH trong tương lai bao gồm cả ngắn hạn và dài hạn, những chiến lược phát triển, những danh mục đầu tư, và những đối tác tiềm năng để mở rộng mối quan hệ hợp tác và phát triển cũng được đánh giá là một phần quan trọng ảnh hưởng đến hình ảnh của NH không chỉ ở thời điểm hiện tại mà còn trong khoảng thời gian sắp tới. Sự kết hợp giữa các luồng thông tin bao gồm những tin tức trong quá khứ, hiện tại và tương lai sẽ vẽ ra một bức tranh tổng quát nhất về chặng đường phát triển của NH cũng như tái hiện sắc nét nhất hình ảnh của các NH trên truyền thông.

{keywords}

Hình 4: Tỷ lệ thông tin về triển vọng của các NH trên truyền thông. (ĐV: %). Nguồn: CSDL 5.768 bản ghi về các NHTM tại Việt Nam từ tháng 7/2014 đến tháng 6/2015

Theo như kinh nghiệm của Thế giới, tỷ lệ 25% sẽ là ngưỡng lý tưởng của tỷ lệ thông tin về triển vọng các NH trên truyền thông. Xét theo điều kiện đó kết hợp với kết quả nghiên cứu, chưa có nhà băng nào chạm được ngưỡng 25%, tuy nhiên những NH như NCB, OCB và VIB cũng đang dần đạt đến ngưỡng hiệu quả theo tiêu chuẩn Quốc tế. Với số lượng 26 trên tổng số 31 NH có những thông tin đề cập đến triển vọng phát triển trong tương lai, đây được coi là một kết quả khả quan, dấu hiệu tích cực cho sự phát triển cả về mặt hoạt động cũng như hình ảnh của ngành NH.

5. Mối quan hệ thuận chiều giữa uy tín truyền thông và biến động giá cổ phiếu

Ngày nay, danh tiếng của công ty được xem như một trong những yếu tố quyết định hình thành nên rủi ro và kỳ vọng. Các nhà đầu tư cho rằng, các cơ hội đầu tư tốt sẽ đến từ một công ty tốt, tức là công ty có uy tín trên thị trường. Hơn thế nữa, danh tiếng của DN đồng thời cũng truyền tải những thông tin quan trọng về tiềm năng tăng trưởng, phát triển trong dài hạn, ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của nó trong việc lựa chọn đầu tư của các cá nhân, tổ chức. Biến động giá cổ phiếu được xem như một dấu hiệu thể hiện rõ nét tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư đối với giá trị của DN đó.

{keywords}

Hình 5: Biến động giá cổ phiếu của Top 3 NH uy tín truyền thông 2015 giai đoạn T7/2014 – T6/2015. (Đơn vị: nghìn VND). Nguồn: Dữ liệu do Nhóm nghiên cứu Vietnam Report tổng hợp

Nhìn vào biểu đồ trên có thể thấy, Top 3 NH uy tín nhất trên truyền thông năm nay đều có giá cổ phiếu biến động theo xu hướng tăng. Điều đó cho thấy trong suốt khoảng thời gian 12 tháng vừa qua, các NH này không có những thông tin quá xấu nào ảnh hưởng đến uy tín của mình trong mắt các cổ đông và nhà đầu tư, bởi lẽ, nếu có những thông tin mang tính chất nhạy cảm tiêu cực thì giá cổ phiếu của 3 nhà băng này chắc chắn sẽ biến động mạnh theo chiều hướng đi xuống. Trong thực tế, thị trường chứng khoán là nơi cực kỳ nhạy bén đối với những luồng tin tức liên quan đến các DN niêm yết. Chính vì thế giá cổ phiếu được xem là thước đo tương đối chính xác mức độ uy tín, và tin cậy của  DN. Ngược lại, danh tiếng của DN vì thế ảnh hưởng rất lớn đến biến động giá cổ phiếu của chính DN đó.

Đối với Vietcombank, là NH uy tín dẫn đầu trong Bảng xếp hạng uy tín truyền thông năm nay, giá cổ phiếu của nhà băng này có biến động tăng trưởng rõ nét nhất. Trên thị trường chứng khoán với sự biến động được tính theo từng giây, giữ được sự ổn định của giá cổ phiếu đã là một điều khó khăn, vì vậy sự tăng trưởng mạnh của giá cổ phiếu được coi là thành công rất lớn của NH, đòi hỏi NH không chỉ có được kết quả kinh doanh ổn định mà tin tức trên truyền thông về NH phải tương đối tốt, đặc biệt uy tín phải được đánh giá cao. Tương tự đối với 2 mã chứng khoán của 2 nhà băng Vietinbank và Sacombank, có thể thấy rất rõ xu hướng ổn định giá của 2 cổ phiếu NH này. Đây cũng là 2 NH lớn hoạt động hiệu quả và khẳng định được uy tín lâu năm của mình.

6. Một số khuyến nghị nhằm cải thiện uy tín NH trên truyền thông

Đầu tiên, các NH cần hiểu được tầm quan trọng của việc minh bạch hóa những thông tin về tất cả các hoạt động của mình chứ không chỉ đơn thuần là những thông tin về tài chính. Sự minh bạch này chính là động lực thúc đẩy các NH hoạt động tốt hơn, có hiệu quả hơn nếu không muốn những thông tin xấu bị lan truyền rộng rãi. Sự minh bạch thông tin cũng bao gồm cả sự chủ động của các NH trong việc cung cấp thông tin truyền thông tới báo chí và các cơ quan ngôn luận khác. Được các kênh thông tin quan tâm và đưa bài là một dấu hiệu tích cực cho thấy mức độ ảnh hưởng của NH, tuy nhiên, các NH cần chủ động cung cấp những thông tin một cách kịp thời, chính xác nhất, tránh tình trạng để các nguồn tin không chính thống đưa những thông tin sai lệch ảnh hưởng xấu tới uy tín NH cũng như niềm tin của cộng đồng đối với NH.

Yếu tố thứ hai cũng rất quan trọng góp phần tạo nên kết quả tốt nhất cho NH trong quá trình truyền thông của họ chính là sự lắng nghe. Truyền thông, về cơ bản đó chính là quá trình tương tác giữa NH và cộng đồng. Những ý kiến, đánh giá của cộng đồng chính là thước đo xác thực nhất về uy tín của NH. Mức độ tin tưởng của cộng đồng sẽ giúp NH nhận biết được vị trí của mình đang ở đâu, thế mạnh của mình là gì và điểm yếu cần phải khắc phục, từ đó sẽ có những bước đi, định hướng phát triển đúng đắn nhằm đạt được hiệu quả cao nhất trong việc xây dựng uy tín truyền thông.

Bên cạnh đó việc đa dạng nhóm chủ đề thông tin xuất hiện trên truyền thông của NH cũng là một trong những yếu tố mà các NH cần quan tâm. Sự đa dạng giúp NH có thể đem tới cộng đồng những hình ảnh mới mẻ hơn về tổ chức và hoạt động của mình cũng như phân tán được sự quan tâm của họ. Hơn thế nữa, các tổ chức ngày nay đều định hướng phát triển theo mô hình bền vững, điều đó đồng nghĩa với việc không chỉ tốt về mặt tài chính mà những hoạt động thể hiện trách nhiệm của NH đối với môi trường, cộng đồng, những mối quan hệ với đối tác và khách hàng cũng được đặt lên hàng ưu tiên. Chính vì thế việc phân bổ và đa dạng hóa những chủ đề thông tin trên truyền thông là điều mà các NH nên và cần phải làm để tăng uy tín truyền thông của mình. 

Những lưu ý khi sử dụng thông tin trong Báo cáo ngành Ngân hàng:

Vietnam Report đã lựa chọn và tiến hành mã hóa theo ngành (Branch coding) những bài báo viết về 31 NHTM được đăng tải trên các chuyên mục Đầu tư, Tài chính, Chứng khoán, DN v.v. của các báo Thời báo Kinh tế Việt Nam, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Café F, Đầu tư, Đầu tư tài chính ...  từ tháng 7/2014 đến tháng 6/2015 dựa trên 12 tiêu chí cụ thể. Việc lựa chọn đầu báo để tiến hành mã hóa phân tích là sự lựa chọn ngẫu nhiên theo phân nhóm chủng loại báo chí từ tập hợp các đầu báo có các chuyên mục kinh tế - tài chính tại Việt Nam (không có hàm ý rằng những đầu báo được lựa chọn là có uy tín cao hơn các đầu báo còn lại).

Các thông tin được lựa chọn để mã hóa (coding) dựa trên 02 nguyên tắc cơ bản: Tên ngân hàng xuất hiện ngay trên headline của bài báo, hoặc tin tức về ngân hàng được đề cập tối thiểu chiếm 05 dòng trong bài báo, đây được gọi là ngưỡng nhận thức- khi thông tin được đánh giá là có giá trị phân tích. Các cấp bậc dùng trong đánh giá về ngân hàng bao gồm: 0: Trung lập; 1: Tích cực; 2: Khá tích cực; 3: Trung bình; 4: Khá tiêu cực; 5: Tiêu cực. Tuy nhiên, thống kê lại, nhóm nghiên cứu đưa ra 3 cấp bậc để đánh giá cuối cùng, bao gồm: Trung lập (gồm 0 và 3), tích cực (1 và 2), và tiêu cực (4 và 5).

Cần lưu ý rằng kinh nghiệm quốc tế cho thấy nội dung của các bài báo và phân tích truyền thông trong một thời điểm nhất định về một vấn đề kinh tế - xã hội nhất định không phải luôn luôn chuẩn xác và toàn diện so với thực tiễn vốn rất đa dạng và luôn biến đổi.  Tuy nhiên, kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, cho dù có độ chuẩn xác và toàn diện tới đâu, nội dung truyền thông luôn tác động rất lớn tới công chúng. Người đọc nắm bắt và đánh giá tình hình thực tiễn chủ yếu qua các nội dung truyền tải trên truyền thông. Chính vì vậy, việc nghiên cứu nội dung truyền thông và uy tín trên truyền thông là cần thiết để giúp các bên có liên quan có những điều chỉnh phù hợp.

Báo cáo này được xem như tài liệu tham khảo cho các ngân hàng, doanh nghiệp và đối tác trong quản lý hoạt động truyền thông, nhưng không có giá trị như một sản phẩm phục vụ hoạt động đầu tư và không dùng cho bất cứ chiến lược kinh doanh nào, cũng như không nên được sử dụng nhằm mục đích phân loại, đánh giá các ngân hàng. Những nhận định trong báo cáo này mang tính tổng quát và không nên xem như nhận định cá nhân, vì tài liệu này được chuẩn bị không dựa vào mục đích, tình trạng tài chính hay nhu cầu của bất cứ nhà đầu tư cụ thể nào. Do đó, các bên có liên quan nên cân nhắc kỹ tính phù hợp của các thông tin trên trước khi sử dụng chúng để đưa ra quyết định đầu tư của mình, và hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc sử dụng các thông tin đó.

Vietnam Report