Hiện tượng Sơn La

Báo cáo kết quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp vùng Trung du miền núi Bắc Bộ (TDMNBB) đến năm 2020 và mục tiêu giai đoạn 2021-2025 của Bộ NN-PTNT cho thấy, cơ cấu cây trồng tại khu vực này được chuyển dịch, phát triển theo hướng hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn. từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả đã sang nuôi trồng thủy sản, trồng cây hàng năm, lâu năm, cây dược liệu,... cho giá trị kinh tế cao hơn.

Tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 50,4% lên 53,5% năm 2019. Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tăng 1,73 lần, đáp ứng khoảng 75-80% nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu.

Tương tự, ngành chăn nuôi mặc dù gặp nhiều khó khăn song vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực, như tổng đàn trâu đạt 1,33 triệu con (chiếm 55,7% cả nước); đàn bò 1,08 triệu con (chiếm 17,8% cả nước); đàn lợn khoảng 5,1 triệu con; đàn gia cầm đạt 120 triệu con.

Đáng chú ý, phương thức chăn nuôi chuyển từ nhỏ lẻ, tự phát sang công nghiệp, bán công nghiệp quy mô lớn; chăn nuôi nông hộ an toàn dịch bệnh và bền vững. Còn nuôi trồng thủy sản ở khu vực này tăng trưởng cao nhất cả nước.

{keywords}
Sơn La hiện đang là vựa cây ăn quả lớn thứ hai ở nước ta

Bên cạnh đó, các tỉnh khu vực này luôn quan tâm phát triển công nghiệp chế biến theo hướng chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao. Tại vùng đã đầu tư và đưa vào hoạt động một số nhà máy chế biến lớn, như nhà máy chế biến rau quả, chè, sữa, gỗ và lâm sản, tinh bột sắn,...

Tại Hội nghị thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp các tỉnh vùng TBMNPB sáng 30/9 tại Sơn La, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, 14 tỉnh ở vùng này có ý nghĩa vô cùng quan trọng về kinh tế, an ninh, quốc phòng. Đây còn là vùng quan trọng về an ninh năng lượng, là vùng liên quan đến an ninh nguồn nước, bởi toàn bộ tuyến hệ thống lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình đều lệ thuộc vào hệ thống lưu vực ở đây.

Do đó, trong tái cơ cấu cần định rõ hướng đi để khai thác tối đa tiềm năng. Đó là kinh tế rừng, lâm nghiệp; sản phẩm Ocop có lợi thế; phát triển du lịch gắn với bản sắc dân tộc, nếu làm tốt sẽ biến một vùng vốn chưa giàu thành vùng từng bước giàu có, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nói tới điển hình tái cơ cấu thành công, đặc biệt là trong chuyển đổi cây trồng ở Sơn La, Bộ trưởng gọi đây là "hiện tượng Sơn La". Ông lý giải, Sơn La từ một tỉnh đi bán sắn, bán ngô nhưng chỉ sau mấy năm đã trở thành trung tâm chế biến, sản xuất rau quả lớn nhất  Tây Bắc.

“Cứ đà này, một thời gian ngắn nữa, Sơn La có thể xuất khẩu 1 tỷ USD mỗi năm, trở thành tỉnh giàu có, nông dân giàu có", ông kỳ vọng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cũng thừa nhận, chỉ sau vài năm thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp, Sơn La đã trở thành tỉnh có diện tích trồng cây ăn quả đứng thứ hai cả nước, đạt 75.000ha. Có thể ví Sơn La giờ không khác miệt vườn ở miền Bắc.

Lãnh đạo tỉnh nhiệt tình, doanh nghiệp khó từ chối

Báo cáo của Bộ NN-PTNT nêu rõ, mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của vùng TDMNPB đạt trung bình khoảng 3,5%/năm; Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt khoảng 20%; Tỷ lệ che phủ rừng toàn vùng đạt khoảng 54,2%;

Trong vùng có 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 30% đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 96%.

{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường mong muốn 14 tỉnh khu vực TDMNPB cũng trở thành hiện tượng như Sơn La trong tái cơ cấu nông nghiệp

Thế nhưng, muốn đạt được mục tiêu này, 14 tỉnh thuộc khu vực TDMNPB khuyến khích đầu tư vào chế biến, bảo quản nông sản. Song song đó, cần xây dựng các vùng chuyên canh có quy mô sản xuất hàng hóa lớn để đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, hỗ trợ cơ giới hóa, áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, gắn vùng nguyên liệu với các cụm công nghiệp, dịch vụ khép kín từ sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ.

Tập trung chỉ đạo sản xuất theo hình thức hợp tác liên kết, quy mô lớn theo chuỗi giá trị giữa nông dân, doanh nghiệp và các đối tác kinh tế khác; tiếp tục xây dựng các mô hình HTX, tổ hợp tác chuyên ngành phù hợp với cây con, ngành nghề, sản phẩm nông nghiệp chủ lực; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời đẩy mạnh xúc tiếp thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu

Bên cạnh đó, phải phát triển nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng để không những mở rộng đầu ra của sản phẩm, mà còn bảo tồn được các giá trị văn hóa gốc của nông thôn hoặc giá trị về thương hiệu hàng hóa đặc thù.

Riêng về vấn đề mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến nông sản, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ ngay về cách làm của tỉnh Sơn La.

"Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Sơn La đã đến nhờ tôi mời gọi hộ mấy tập đoàn lớn đầu tư vào tỉnh, bởi đồng chí Bí thư nói mấy ông đó lớn, khó mời lắm. Bí thư tâm huyết, tha thiết mời gọi như thế, doanh nghiệp từ chối sao được. Tôi đã giới thiệu ngay để đồng chí Bí thư gặp doanh nghiệp và mời gọi đầu tư vào tỉnh", Bộ trưởng kể lại.

Theo Bộ trưởng, nếu ở góc độ địa phương trong tái cơ cấu nông nghiệp có "hiện tượng Sơn La", thì ở góc độ doanh nghiệp có "hiện tượng Đồng Giao". Bởi, hiếm có doanh nghiệp nào mỗi năm xây dựng được một nhà máy chế biến nông sản. Ông mong từ hiện tượng Sơn La, hiện tượng Đồng Giao sẽ trở thành hiện tượng cho cả 14 tỉnh toàn vùng TDMNPB.

Tâm An