Đồng Tâm và những vụ việc tương tự cho chúng ta thấy nhiều vấn đề rất lớn của quốc gia, trong đó có việc xây dựng một thể chế dung hợp, nơi mà không một ai, không một quyền lợi, lợi ích nào bị đứng bên lề quá trình phát triển chung; một thể chế đồng tâm, khi các bên có liên quan đều hướng đến đạt được điểm dung hòa tối ưu.

Xem lại Kỳ 1: Chuyện Đồng Tâm: Khi lãnh đạo lắng nghe và đến với dân

Không ai phải đứng bên lề

Theo nhiều tài liệu khác nhau, cả của cơ quan nhà nước, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế, hay cá nhân chuyên gia về lĩnh vực đất đai đều chung nhận định, ở một số địa phương, đây đó vẫn còn chuyện người dân không được hỏi ý kiến, đứng ngoài trong quá trình ra quyết sách  của chính quyền nơi đó, khiến cho những ý kiến, quan điểm, khúc mắc không được lắng nghe, giải đáp ngay từ đầu. Không những thế, trong quá trình ban hành chính sách, thực thi chính sách, giải quyết khiếu nại,  người nông dân nhìn thấy trong mảnh đất còn có những giá trị tinh thần, tình cảm, hoặc kinh tế mà không được nhà nước thừa nhận và đền bù.

Hơn nữa, pháp luật đất đai, có nơi vẫn còn tập trung nhiều vào tạo cơ chế thuận lợi để thu xếp đất đai cho phát triển, nghiêng về lợi ích nhà đầu tư, nhưng chưa đủ quan tâm tới mặt bền vững xã hội cho những cộng đồng và người sử dụng đất bị thiệt hại; những hỗ trợ cho những người sử dụng đất bị ảnh hưởng nhằm khôi phục chỗ ở, sinh kế và công việc vẫn chưa thỏa đáng. Giá đất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định để tính giá trị bồi thường và tái định cư thường thấp hơn nhiều so với giá thị trường; Đặc biệt, ở một số địa phương có những cơ quan, có những quan chức nắm quyền rất lớn trong phân bổ nguồn lực đất đai. Dẫn đến những chuyện quan liêu hay tư lợi trong mối liên kết với các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, ở những nơi có tranh chấp liên quan đến đất đai, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp ở các địa phương ở những nơi đó vẫn chưa thực hiện nghiêm túc việc đối thoại thường xuyên, chưa lắng nghe hết tiếng nói của dân. Về phía người dân thì cũng không hài lòng với cơ chế giải quyết khiếu nại. 

Trong khi tòa án ở các nước đang phát triển như Việt Nam vẫn chưa có đủ năng lực, sự linh hoạt để xử lý những phức tạp của tranh chấp đất đai thường có tính động cao, liên tục diễn biến theo thời gian, hiếm khi được giải quyết dứt điểm trong một lần duy nhất.

Còn theo các khảo sát khác nhau, ví dụ như PAPI, người dân cũng rất ít đến với cơ quan dân cử khi có chuyện khó khăn xảy ra với họ. Điều này ngược với con số chín mươi mấy phần trăm cử tri đi bỏ phiếu, cho thấy sự tham gia, dự phần vào việc chọn lựa người lo việc làng, việc nước còn có tính hình thức, thiếu thực chất.

Tất cả những điều nói trên dẫn đến hệ quả, chưa không tạo được sự đồng thuận về chia sẻ lợi ích giữa các bên liên quan tới chuyển dịch đất đai, cho nên bức xúc tích tụ.

{keywords}
Sự việc ở Đồng Tâm cho thấy nhiều vấn đề lớn. Ảnh: Vietnamnet

Thể chế dung hợp

Trong cuốn Tại sao các quốc gia thất bại?, Daron Acemoglu và James Robinson là những giáo sư kinh tế hàng đầu thế giới đã đưa ra khái niệm hệ thống các thiết chế dung hợp (inclusive institutions) đối lập với khai thác, chiếm đoạt (extractive institutions). Một hệ thống quản trị dung hợp hoạt động trên nền tảng thượng tôn pháp luật, bảo đảm an toàn cho tài sản của người dân, tạo ra một sân chơi công bằng cho các hoạt động của thị trường tự do.

Đặc biệt, hệ thống đó cho phép công dân tham gia rộng rãi, dự phần vào các quy trình chính trị, ràng buộc và kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua các cơ chế giải trình. Nếu quyền lực chính trị có sự tham gia rộng rãi của quần chúng thì thể chế chính trị và kinh tế có thể mang lại sự thịnh vượng và phúc lợi cho đông đảo quần chúng.

Như một báo cáo nghiên cứu so sánh về đất đai của UNDP đề xuất, các thiết chế quản lý nhà nước như pháp luật, trình tự thủ tục và cơ quan quản lý cần tương tác với, chứ không phải loại trừ, các thiết chế phi nhà nước trong quản lý đất đai. Những điều được đề cập trên đây như tham vấn nhân dân, thu hút sự tham gia, cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả chính là những kênh để dung nạp, hòa hợp quan điểm, nguyện vọng của những người dân vào quá trình ban hành, thực thi chính sách, bảo đảm để người dân không bị đẩy ra ngoài rìa quá trình đó.

Nhìn từ góc độ này thì pháp luật có vai trò như “một hình thức của hòa giải xã hội, một điểm hội tụ của kiến tạo xã hội”. Chính quyền từ nhân dân mà ra, không có nhân dân thì sự tồn tại của chính quyền không còn ý nghĩa. Khi chính quyền dung hợp ý nguyện, quan điểm của nhân dân trong quá trình ra quyết sách, mẹ Nhân dân sẽ dung nạp đứa con chính quyền.

Nguyễn Đức Lam

Người dân và đất đai

1) Theo báo cáo Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2016, chỉ có 13,6% số người được hỏi trả lời họ được biết đến kế hoạch sử dụng đất tại địa phương. Trong số đó, chỉ có 4,2% có cơ hội góp ý kiến. Trong số những người cho biết họ bị thu hồi đất năm 2016, vẫn có gần 22% cho biết họ không được thông báo về mục đích sử dụng đất theo quy hoạch mới. Chỉ có 46% số người được hỏi trên phạm vi toàn quốc cho rằng không cần phải ‘lót tay’ nhưng vẫn làm xong giấy CNQSD đất (tỉ lệ thấp nhất trong sáu năm qua).

Còn theo kết quả khảo sát ý kiến của 600 người bị thu hồi đất do Ngân hàng thế giới tiến hành năm 2011, có trên 40% cho biết đã được góp ý, trên 34% chỉ được thông báo về phương án và trên 24% nói là không được biết gì về phương án. Các ý kiến đóng góp về giá đất được chấp nhận và điều chỉnh ở mức 16%, về tài sản gắn liền với đất chỉ được chấp nhận ở mức 3%.

2) Theo báo cáo nghiên cứu nói trên của Ngân hàng thế giới, trong số gần 200 người được hỏi, chỉ có 1% số người hài lòng và 7,7% có ý kiến là chấp nhận được, còn lại hầu hết đều cho rằng không hài lòng và rất không hài lòng về quá trình và kết quả giải quyết khiếu nại về đất đai. Theo 309 người có ý kiến về các khó khăn gặp phải, khó khăn nhất là mất nhiều thời gian chờ đợi giải quyết (37,5%), sau đó là tình trạng phải đi lại nhiều và gây ra tốn kém (26,2%); thủ tục phức tạp (12,3%) và không được hướng dẫn cụ thể (12,0%). Những ý kiến cho rằng không gặp khó khăn chỉ chiếm 7,1% (với 22 người trả lời).