Theo chuyên gia cần quy định chặt chẽ không thiết kế quán karaoke dạng nhà ống và không cho chuyển đổi công năng nhà ở dạng ống sang quán karaoke.
Vụ cháy lớn đã xảy ra tại quán karaoke An Phú, trên đường Trần Quang Diệu, phường An Phú (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) tối 6/9 khiến 32 người tử vong đang khiến dư luận bàng hoàng.
Thông tin về vụ cháy trong buổi họp báo sáng nay (8/9), ông Nguyễn Thanh Tâm - Chủ tịch UBND TP Thuận An cho biết, cơ sở kinh doanh karaoke An Phú là hộ kinh doanh cá thể. Tổng diện tích sàn 1.500 m2, xây dựng bê tông cốt thép. Cơ sở này được thiết kế, xây dựng gồm có 3 tầng với khoảng 30 phòng hát.
Cơ sở hoạt động từ năm 2016 đến nay và có đăng ký chứng nhận hộ kinh doanh, đủ điều kiện về an ninh, trật tự, chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy, giấy phép kinh doanh karaoke, biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở vào các năm 2019, 2021, 2022.
Đây không phải lần đầu xảy ra cháy, nổ tại cơ sở kinh doanh, dịch vụ karaoke dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Cách đây một tháng, quán karaoke trên đường Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) xảy ra hỏa hoạn, khiến ba chiến sỹ cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) hy sinh trong lúc dập lửa.
Vào năm 2016, vụ cháy quán karaoke trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) khiến 13 người tử vong.
Theo lực lượng cảnh sát PCCC, phần lớn các cơ sở kinh doanh quán karaoke thường xây kín để tránh tiếng ồn, mặt trước của tòa nhà hầu như bị che chắn bởi các biển quảng cáo, điều kiện thông gió gần như không có. Khi xảy ra cháy nổ sẽ gây ra hiện tượng tụ khói, gây khó khăn cho việc cứu hộ cứu nạn và chữa cháy.
Ngoài ra, các quán karaoke thường sử dụng các vật liệu trang trí nội thất, cách âm dễ cháy như: mút, xốp, cao su, phông rèm… Khi có cháy, lửa bốc lớn, cháy lan rất nhanh, tòa nhà nhiều khói độc. Trong trường hợp này, nếu không phát hiện sớm và thoát nhanh ra nơi an toàn sẽ nhiễm độc khói gây tử vong.
Cùng với đó, nhiều cơ sở thay đổi công năng sử dụng của tòa nhà ở thành quán karaoke nhưng lại không chú ý đến các điều kiện đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy như không đảm bảo lối thoát nạn, không trang bị phương tiện, thiết bị báo cháy và chữa cháy…
Trao đổi với PV VietNamNet về vấn đề này, ông Lê Văn Thịnh, nguyên Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng 1, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, không phải chỉ riêng quán karaoke mà ngay cả nhà ở với thiết kế nhà ống đều tiềm ẩn nguy cơ rất lớn, dạng nhà ống về PCCC có thể nói là kém nhất hạn chế thoát nạn.
Theo chuyên gia một trong những “yếu huyệt” khi xảy ra hoả hoạn là ban công bị rào kín đặc biệt nhà ống, tập thể thường lắp chuồng cọp kiên cố để tránh trộm cắp, mở rộng diện tích sinh hoạt.
“Về mặt kiến trúc tất cả các mặt tiền đều phải là mặt thoáng. Theo tôi cần đề nghị tất cả nhà ống dứt khoát phải có ban công. Ban công có nghĩa là 3 mặt hở còn lô gia là chỉ có 1 mặt hở. Chung cư hiện nay phần lớn chỉ là lô gia nhưng đã là nhà ống thì dứt khoát về mặt kiến trúc yêu cầu phải có ban công. Và phải nói rõ cụ thể trên tất cả thành vách ban công không được bao che bằng vách kính. Tương tự như vậy ở các quán karaoke mặt đứng không được bao che không được có biển quảng cáo đèn led…” – ông Thịnh nói.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần xem lại yêu cầu và quy chuẩn phòng cháy chữa cháy đối với cơ sở karaoke không thể cứ mãi cảnh báo mỗi khi xảy ra sự cố.
Theo vị nguyên Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng 1, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cần phải có những quy định chặt chẽ không thiết kế quán quán karaoke dạng nhà ống và không cho chuyển đổi công năng nhà ở dạng ống sang quán karaoke.
Bên cạnh đó, ông Thịnh nhận định điều rất quan trọng là ý thức của các gia đình phải tự bảo vệ chính mình.
“Theo tôi bây giờ cần đưa vào luật “ép” tất cả nhà ở cho dù nhà ở riêng lẻ cũng phải có hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động như chung cư. Đối với nhà ở kiêm cửa hàng thì hệ thống báo cháy tự động càng cần thiết. Trong các quy định hiện nay nếu chưa nói rõ cụ thể vấn đề cháy nổ cho nhà dân về vấn đề này thì cần xem xét” – ông Thịnh nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Thịnh cũng lưu ý đối với nhà ống mặt đứng phải có ban công và lô gia, không được bao che kín kể cả biển quảng cáo. Phải có thang bộ ngoài thang máy. Tầng thượng phải có sân trời thoáng, không để cây cảnh và bao kín. Bố trí lối thoát nạn sang hàng xóm hai bên và phía sau.
Theo chuyên gia trong quá trình lắp đặt hệ thống điện nên sử dụng cáp điện khi cháy không sinh ra khói độc. Phải tách hệ dây có tiết diện đủ để đáp ứng hệ thống chiếu sáng, động lực và đun nấu. Cùng với đó, thực hiện bảo trì định kỳ hệ thống điện và báo cháy, chữa cháy.
Công an TP.HCM phát hiện nhiều nơi cải tạo nhà ở kinh doanh karaoke
Trong những ngày qua, lực lượng PCCC ở các quận, huyện của TP.HCM tăng cường kiểm tra, xử lý những điểm kinh doanh karaoke, vũ trường trên địa bàn. Hầu hết đều phát hiện sai phạm về PCCC, như: Chủ yếu cải tạo nhà ở thành tụ điểm kinh doanh, vi phạm về lắp đặt hệ thống điện, lối thoát hiểm chưa đủ tiêu chuẩn, hoạt động khi chưa có thẩm duyệt về PCCC cửa cơ quan chức năng chuyên ngành… Những cơ sở này đều bị phạt hành chính và quan trọng là tạm đình chỉ hoạt động.
Theo đại diện Phòng cảnh sát PCCC và CNCH, Công an TP.HCM, từ 17/8/2022 Công an TP.HCM đã ban hành kế hoạch về việc kiểm tra an toàn PCCC và CNCH tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar… Ngay sau đó, Công an 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức đã tiến hành kiểm tra toàn diện những cơ sở kinh doanh này.
Qua đó, lực lượng chức năng đã kiểm tra 50% trên tổng số 414 cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường trên địa bàn, phát hiện nhiều vi phạm về PCCC. Cơ quan chức năng đã xử lý 90 cơ sở vi phạm, với tổng số tiền xử phạt hành chính lên đến 300 triệu đồng; nhiều cơ sở bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động.
Cơ sở kinh doanh karaoke bắt buộc phải có 4 thiết bị phòng cháy chữa cháyThông tư 147/2020/TT-BCA (gọi tắt là Thông tư 147) quy định biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy chữ cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC &CNCH) đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 20/2/2021.