Các nhà lãnh đạo sẽ cùng nhau đề ra các biện pháp, sáng kiến cụ thể, thúc đẩy hơn nữa hợp tác phòng chống dịch bệnh đồng thời bảo đảm sự phát triển năng động, bền vững của khu vực về dài hạn.
Sự kiện này là nỗ lực kết nối khu vực mang tính chủ động, tích cực thúc đẩy đoàn kết, thống nhất của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.
Hôm qua, trước thềm hội nghị này, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài viết rất đáng chú ý "Hợp tác ASEAN đẩy lùi COVID-19: Đoàn kết là sức mạnh!"
Trong bài viết, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đưa ra 5 giải pháp, trong đó có tới 3 giải pháp là về thúc đẩy kinh tế, chống suy thoái. Người viết bài xin trích dẫn:
Thứ nhất, chống dịch cần đi đôi với chống suy thoái kinh tế và bất ổn xã hội. Trong đó, người dân cần được đặt vào vị trí trung tâm; không để một quốc gia nào đơn lẻ trong cuộc chiến chống dịch và không một người dân nào bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về ứng phó dịch Covid-19 bằng hình thức họp trực tuyến. |
Thứ hai, xây dựng chiến lược về kết thúc dịch ở từng quốc gia và có sự phối hợp ở cấp độ khu vực, nhằm vừa nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, vừa sớm đưa đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia trở lại quỹ đạo bình thường, ổn định.
Thứ ba, cùng nhau chia sẻ và kiên trì thực hiện các giá trị chung về tự do thương mại, tạo thuận lợi cho đầu tư, không để các chuỗi cung ứng bị đứt quãng; sớm bình thường hóa các hoạt động giao thương và lưu chuyển xuyên biên giới khi đã kiểm soát được dịch… nhằm tận dụng mọi động lực để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bao trùm và bền vững trong toàn khu vực.
Phó thủ tướng viết: “ASEAN không phải là một ốc đảo tự thân. Sức khỏe người dân và sức khỏe của nền kinh tế ASEAN gắn chặt với khu vực Đông Á và toàn cầu”.
Trong vai trò chủ tịch Asean, những thông điệp trên của Việt Nam là rất thực tế và quan trọng trong khu vực trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đã tự cách ly, cắt hầu hết đường bay để chống dịch, làm gián đoạn đến dòng chảy thương mại, đầu tư trong khu vực cũng như trên thế giới.
Thông điệp về chống suy thoái, duy trì tự do thương mại và tạo thuận lợi cho đầu tư đó là rất cần thiết cho ngay cả Việt Nam trong bối cảnh có nhiều tỉnh vẫn còn thực hiện chính sách “cách ly riêng” như Bình Định, Bắc Ninh, Lào Cai, Sơn La, Quảng Nam, Đà Nẵng, Hải Phòng…
Ngày 11/4, UBND TP Hải Phòng ban hành văn bản hỏa tốc về việc tạm dừng cấp Giấy xác nhận và kiểm soát phương tiện vận tải hàng hóa ra vào thành phố, đồng thời, tạm dừng kiểm soát tại các chốt ra vào thành phố sau khi hàng trăm doanh nghiệp vận tải tụ tập giữa mùa dịch COVID-19 để xin "giấy thông hành" cho xe vận tải hàng hóa tại Hải Phòng.
Đây là động thái chữa cháy sau khi địa phương này liên tục ra các văn bản hạn chế xe ra vào thành phố, nơi có cảng biển lớn nhất miền Bắc. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một trong các biện pháp cực đoan được dỡ bỏ sau khi địa phương này gặp phản ứng của trung ương.
Hải Phòng là một thành phố trực thuộc trung ương, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có vị trí chiến lược, hội tụ các yếu tố thuận lợi cho hoạt động sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và logistics.
Thành phố đã ban hành một loạt các văn bản tổ chức triển khai, đặc biệt tập trung vào các giải pháp tăng cường công tác kiểm soát lái xe vận tải hàng hóa ra vào. Những yêu cầu này, dù cũng giúp ích cho công tác chống dịch, nhưng lại gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, doanh nghiệp logistics vận chuyển hàng hóa đến và rời Hải Phòng, ảnh hưởng đến hoạt động lưu thông vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất và xuất nhập khẩu tại cảng Hải Phòng - cảng lớn nhất khu vực phía Bắc Việt Nam.
Hôm qua, ngày 13/4, Bộ Công Thương đã có văn bản số đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng triển khai các công tác chống dịch mà vẫn đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp xuất nhập khẩu và dịch vụ logistics phục vụ công tác vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu lưu thông tại cảng Hải Phòng.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề nghị thành phố xem xét, rà soát các loại thuế, phí, có các giải pháp hỗ trợ giảm chi phí vận tải như phí cầu đường, bến bãi, phí lưu giữ phương tiện, phí cơ sở hạ tầng... thực hiện hình thức thu phí thuận lợi, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu và doanh nghiệp logistics.
Bộ cũng đề nghị Hải Phòng phối hợp chặt chẽ và thông tin kịp thời cho Bộ về công tác triển khai ứng phó với dịch bệnh của thành phố có khả năng gây tác động đến hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu hàng hóa.
Dịch Covid-19 tác động toàn diện ở tất cả các mặt từ y tế, thương mại, giao thông, du lịch, giáo dục, an sinh xã hội, Chính phủ và các bộ, ngành đang nỗ lực hết sức tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, trước mắt là cần duy trì hoạt động của các doanh nghiệp để các doanh nghiệp có thể trả lương cho người lao động, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực và vật lực để khôi phục sản xuất với năng suất cao nhất ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát trên thế giới.
Vậy thì lý do gì một số địa phương vẫn phát lệnh cấm xây dựng, hạn chế xe lưu thông… gây ách tắc cho sản xuất?
Ngay cả trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, các bộ, ngành trung ương đang nỗ lực hết sức để tháo gõ khó khăn. Ví dụ, Trung Quốc có chủ trương siết chặt hơn hoạt động thông quan do lo ngại về dịch bệnh lây lan trở lại qua các khu vực biên giới. Trước hoàn cảnh đó, Bộ Công Thương đang tiếp tục tập trung xử lý nhằm khơi thông tối đa các kênh giao thương qua tuyến biên giới giữa 2 nước. Dự kiến trong tuần tới Bộ trưởng Công Thương sẽ cùng trao đổi với Đại sứ Trung Quốc và sẽ lên tuyến biên giới để khảo sát thực tế để có biện pháp tháo gỡ.
Vậy mà nhiều địa phương vẫn duy trì phương án “cách ly” 14 ngày với người dân từ “vùng dịch” về và nhiều chính sách riêng khác là trái với nỗ lực của trung ương, làm tê liệt hoạt động của doanh nghiệp.
Tới đây, một số chuyến bay sẽ được nối lại, nhưng ai sẽ vào Đà Nẵng, Quảng Nam nếu họ bị “cách ly” 14 ngày?
Doanh nghiệp và người dân đang vô vàn khó khăn khi các thị trường đóng cửa, đang vật lột để tồn tại, giữ việc làm cho người lao động. Vậy các tỉnh đó có cùng đồng hành với Chính phủ và doanh nghiệp?
Tư Giang, Trần Hảo
Trông chờ mốc 'cách ly' 15/4
- Hai hôm cuối tuần vừa rồi, tôi nhận được nhiều câu hỏi từ bạn bè và độc giả tập trung vào một điểm: liệu “cách ly toàn xã hội” sẽ được chấm dứt hay nối dài sau ngày 15/4 tới?