Một bức ảnh cảm động sau trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cho thấy bé gái bị mắc kẹt dưới đống đổ nát cùng với em trai của mình. Trong khi chờ đợi được giải cứu, bé đặt tay lên đầu em trai để che chở. Hai chị em mắc kẹt dưới đống đổ nát của tòa nhà bị sập trong hơn 17 giờ.
Trận động đất 7,8 độ Richter ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria hôm 6/2 và hàng chục dư chấn vài tiếng sau đó đã khiến hơn 7.700 người tử vong và hàng nghìn người mắc kẹt.
Khi các đội cứu hộ chạy đua với thời gian để cứu những người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát, bức ảnh trên đã được lan truyền trên mạng xã hội. Đại diện Liên Hợp Quốc, Mohamad Safa, người chia sẻ khoảnh khắc đó, cho biết: “Bé gái 7 tuổi đã đặt tay lên đầu em trai để bảo vệ khi cả hai ở dưới đống đổ nát suốt 17 giờ. Hai bé đã ra ngoài an toàn”.
Cư dân mạng gửi nhiều lời chúc tới hai đứa trẻ: "Điều kỳ diệu đã xảy ra. Thật là một người chị tuyệt vời. Hy vọng cho tất cả những người vẫn bị mắc kẹt. Chúng tôi bày tỏ sự tôn trọng với tất cả những người cứu hộ đã làm việc không mệt mỏi", một người chia sẻ.
Một người có thể sống dưới đống đổ nát bao lâu?
Hàng nghìn người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau trận động đất làm sập hàng nghìn tòa nhà. "Chúng tôi có thể nghe thấy giọng nói của người nhà, họ đang kêu cứu", AP dẫn lời Ali Silo, sống ở thị trấn Nurdagi, Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, thời tiết lạnh giá đang ảnh hưởng đến các hoạt động tìm kiếm. Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ, Suleyman Soylu, cảnh báo, 48 giờ tới rất quan trọng để tìm kiếm những người còn sống khi nhiệt độ gần chạm ngưỡng đóng băng.
Các chuyên gia nhận định một người có thể sống sót dưới đống đổ nát nhiều nhất là một tuần trong những điều kiện khả quan nhất. Các yếu tố như nhiệt độ, lượng không khí để thở cũng quyết định khả năng sống sót.
"Thức ăn không phải là vấn đề lớn, vì con người có thể tồn tại trong nhiều tuần mà không ăn. Tuy nhiên, hầu hết chỉ có thể sống vài ngày nếu không có nước", Tiến sĩ Richard Moon, chuyên gia về sinh tồn của Đại học Duke (Mỹ), giải thích.
Năm 1995, một cửa hàng bách hóa của Hàn Quốc bị sập khiến 502 người thiệt mạng. Một người tên Choi Myong Sok được đưa ra khỏi đống đổ nát sau 10 ngày. Sok đã uống nước mưa và ăn bìa các tông. Người này thậm chí còn chơi đồ chơi của trẻ em để giữ vững tinh thần.
Nhiệt độ cũng là một yếu tố quyết định một người sống sót hay không. Nếu nhiệt độ tại nơi đổ nát khiến cơ thể mất nước nhanh hơn, cơ hội vượt qua của người mắc kẹt sẽ thấp hơn.
Ngoài ra, nạn nhân có thể phải chịu áp lực của đống đổ nát. Chân tay và các bộ phận khác của cơ thể dễ bị đè nén, gây sưng cơ hoặc rối loạn thần kinh, dẫn đến một số tổn thương về thể chất và nội tạng.