Trong quá khứ, các tổng thống và chính trị gia Mỹ phải dựa vào những cuộc họp trực tiếp hoặc phương tiện truyền thông để đưa thông điệp của mình đến với công chúng.
Tuy nhiên, điều này lại tỏ ra không cần thiết với Tổng thống đương nhiệm Donald Trump. Chiến dịch bầu cử tổng thống vừa rồi là một ví dụ khi ông chủ yếu dựa vào mạng xã hội Twitter như một phương tiện truyền thông chính của mình.
Để thành công trong việc lôi kéo sự ủng hộ của đám đông, các tweet (dòng trạng thái) của Tổng thống Trump có chiến lược rất chi tiết. Nội dung những trạng thái của ông thường đề cập đến những vấn đề cụ thể, các tình huống mà người đọc cảm thấy bị xúc phạm, khó chịu hoặc tình trạng "đau buồn" của ông hiện tại. Ngoài ra, ông còn sử dụng một số từ rất nhiều lần, đôi khi viết hoa để nhấn mạnh vấn đề, hoặc những từ ngữ thiên về cảm xúc.
Khi nhìn vào trang Twitter cá nhân của Tổng thống Trump hiện tại, có thể thấy các tweet mới nhất của ông đều có các cụm từ như "keep America SAFE" (giữ cho nước Mỹ an toàn), "Witch Hunt" (săn phù thuỷ), "FAKE NEWS" (tin giả), "WIN"(chiến thắng), "Nice!" (tốt đẹp), "Why?" (tại sao).
Các nhà tâm lý học tại đại học New York phát hiện ra những dòng tweet có ngôn ngữ mang cả 2 yếu tố đạo đức và cảm xúc - thuộc một lĩnh vực gọi là "tâm lý đạo đức" (moral psychology) - sẽ có nhiều khả năng được chia sẻ bởi những người dùng khác có cùng quan điểm chính trị.
Nội dung này nằm trong nghiên cứu của nhóm mang tên "Cảm xúc hình thành sự khuếch tán nội dung đạo đức trong mạng xã hội" được đăng trên tạp chí Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (PNAS).
Nhóm nghiên cứu đã thực hiện phân tích 563.312 dòng tweet từ nhiều người dùng có liên quan đến các vấn đề công cộng gây tranh cãi như kiểm soát vũ khí, biến đổi khí hậu và hôn nhân đồng tính, đồng thời đánh giá tỷ lệ thành công của mỗi tweet bằng số lần retweet (chia sẻ) nhận được.
Họ phát hiện ngôn ngữ thiên về cảm xúc và đạo đức làm tăng đáng kể lượng chia sẻ đối với những người cùng hệ tư tưởng, dù họ thuộc trường phái tự do hay bảo thủ. Ngoài ra, những tweet này cũng ít chịu sự phản đối từ nhóm người dùng có quan điểm khác.
Bên cạnh đó, những tweet sử dụng ngôn ngữ để truyền đạt tình yêu hay sự tức giận được chia sẻ nhiều hơn các tweet truyền đạt nỗi buồn hoặc sự ghê tởm.
Trong khi nhiều nhà phê bình chính trị và xã hội cho rằng tweet của Tổng thống Trump "thô lỗ và hung hăng", đi ngược lại với sự bình tĩnh, đứng đắn thường thấy ở các chính trị gia, các tweet này lại được nhiều người biết tới hơn.
Theo các nhà nghiên cứu, lý do đơn giản là bởi nó thể hiện được các cảm xúc thiên về đạo đức, gây ảnh hưởng tích cực đến người đọc và khiến họ chia sẻ nó cho những người khác cùng biết.
Cuối cùng, nhóm nghiên cứu kết luận: "Kết quả nghiên cứu của chúng tôi làm nổi bật tầm quan trọng của cảm xúc trong việc truyền tải thông điệp, đồng thời cho thấy được hiệu quả khi sử dụng mạng xã hội để nghiên cứu về đạo đức. Ngoài ra, những phát hiện này còn cung cấp cái nhìn rõ hơn về cách mà chúng ta tiếp cận với những thông điệp đạo đức hay chính trị ngày nay".
Theo Zing