Đây là một trong những phát hiện của nhóm nghiên cứu Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam - PAPI 2018 khi thực hiện khảo sát cho chỉ số nội dung mới “Quản trị điện tử”.
Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu PAPI 2018 với chỉ số nội dung mới - Quản trị điện tử, số người sử dụng Cổng TTĐT và một cửa điện tử của chính quyền thấp hơn nhiều so tỷ lệ người dùng Internet tại Việt Nam (Ảnh minh họa: Internet) |
“Đo” đánh giá của người dân về 2 khía cạnh của Chính phủ điện tử
Là 1 trong 2 chỉ số mới trong 8 chỉ số nội dung của PAPI 2018, chỉ số “Quản trị điện tử” nhằm mục đích đánh giá hiệu quả cung cấp thông tin về chính sách và quy trình thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), dịch vụ công qua nền tảng CNTT của các cấp chính quyền. Phát triển Chính phủ điện từ đã được xác định là một mục tiêu phát triển của quốc gia sau 10 năm Chính phủ đầu tư và phát triển nền tảng CNTT cho hệ thống các cơ quan nhà nước.
Với sự gia tăng nhanh chóng số người dùng Internet ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu cho rằng, đây là cơ hội lớn để chính quyền các cấp và người dân tăng cường tương tác trực tuyến, cải thiện hiệu quả hoạt động công vụ, tăng cường công khai minh bạch, giảm bớt chi phí, kể cả chi phí không chính thức.
Cũng theo nhóm nghiên cứu, chỉ số nội dung mới “Quản trị điện tử” cho biết đánh giá của người dân về 2 khía cạnh mang tính tương tác của Chính phủ điện tử, đó là mức độ sẵn có và sử dụng dịch vụ công trực tuyến do chính quyền cung cấp.
Kết quả khảo sát cho thấy, mức điểm các tỉnh/thành phố đạt được năm 2018 rất thấp, dao động trong khoảng từ 1,93 đến 4,24 điểm (trên thang điểm từ 1 đến 10). Ở chỉ số nội dung này, xu hướng tập trung theo vùng khá rõ nét: các địa phương đạt điểm cao hơn có xu hướng hội tụ ở phía Bắc, đặc biệt là ở nội dung thành phần “Sử dụng Cổng thông tin điện tử (TTĐT) của chính quyền địa phương”.
Ở cấp độ nội dung thành phần, khoảng cách về điểm giữa điểm cao nhất và điểm thấp nhất cấp tỉnh rất nhỏ. Có thể nói, các địa phương không cách biệt nhiều về hiệu quả quản trị điện tử ở những chỉ tiêu PAPI đo lường.
Trong số các thành phố, Đà Nẵng và TP.HCM là 2 địa phương trong nhóm dẫn đầu. Đà Nẵng đạt điểm cao nhất ở cả 2 nội dung thành phần, với số điểm 0,77 ở nội dung thành phần “Sử dụng Cổng TTĐT của chính quyền địa phương”, và 3,47 ở nội dung thành phần “Tiếp cận và sử dụng Internet tại địa phương”.
“Điểm cụ thể ở từng chỉ tiêu thuộc chỉ số nội dung này có tác dụng cung cấp một số dữ liệu cơ sở phục vụ đo lường hiệu quả thực hiện quản trị điện tử có sự tham gia của người dân ở cấp tỉnh theo yêu cầu của chính sách và thực tiễn về việc phát triển và ứng dụng Chính phủ điện tử ở mọi cấp, mọi ngành”, nhóm nghiên cứu cho hay.
Số người dùng Internet tại nhà ở Việt Nam tăng mạnh trong 3 năm qua
Bên cạnh đó, từ chỉ số mới “Quản trị điện tử” của PAPI 2018, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số phát hiện đáng chú ý, giúp cung cấp dữ liệu cơ sở ban đầu để các cấp chính quyền xem xét điều kiện khả thể cho việc phát triển Chính phủ điện tử tại địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền chủ động tương tác với người dân qua nền tảng Internet trong cả 3 khâu xây dựng, thực thi và giám sát thực thi chính sách.
Đánh giá về xu thế sử dụng Internet liên quan tới quản trị điện tử, nhóm nghiên cứu PAPI 2018 cho biết, mặc dù “Quản trị điện tử” là chỉ số mới, song nghiên cứu đã đưa các tiêu chí đo lường số người dùng Internet, số hộ gia đình có Internet tại nhà từ năm 2016-2018. Theo khảo sát, số người trả lời cho biết họ đang sử dụng Internet tăng mạnh.
Cụ thể, năm 2018, có tới 53% số người được hỏi cho biết họ có Internet tại nhà, tăng hơn 15% so với tỷ lệ năm 2017. Bên cạnh đó, 38% số người được hỏi cho biết kênh thông tin thời sự chính của họ là qua Internet, tăng từ 28% năm 2017.
“Kết quả khảo sát này cho thấy việc sử dụng Internet ở Việt Nam ngày càng phổ biến, và do vậy nhu cầu tham gia quản trị điện tử của xã hội sẽ ngày càng lớn”, nhóm nghiên cứu nhận định.
Tỷ lệ người dùng Cổng thông tin điện tử thấp hơn nhiều tỷ lệ người dùng Internet
Mặc dù vậy, khảo sát cũng chỉ ra rằng, các Cổng thông tin điện tử vẫn chưa được sử dụng ở mức tương xứng với tốc độc gia tăng số lượng người dùng Internet. Trên thực tế, Nhà nước đã và đang đầu tư lớn cho phát triển hạ tầng CNTT trong khu vực công. Tỷ lệ người sử dụng Cổng TTĐT của chính quyền khi thực hiện các TTHC như: chứng thực, xác nhận, xin cấp phép xây dựng, xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... còn rất thấp, cho dù tỷ lệ người sử dụng tăng nhẹ trong năm 2018. Nói cách khác số người sử dụng Cổng TTĐT và một cửa điện tử của chính quyền thấp hơn nhiều so tỷ lệ người dùng Internet tại Việt Nam.
“Các cấp chính quyền cần tăng cường giao dịch điện tử, đảm bảo liên thông giữa các ngành và địa phương trên môi trường trực tuyến nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng dịch vụ công trực tuyến ngày càng cao của người dân”, nhóm nghiên cứu khuyến nghị.
Nhóm nghiên cứu nhận định: những phát hiện ban đầu ở chỉ số này cho thấy còn có một khoảng cách lớn giữa kỳ vọng và những gì đang sẵn có để người dân và chính quyền tăng cường tương tác trực tuyến, nhất là khi số người sử dụng Internet ở Việt Nam đang tăng nhanh.
“Điểm của cả 2 nội dung thành phần của Chỉ số “Quản trị điện tử” năm 2018 ở mức rất khiêm tốn, cho thấy các cấp chính quyền cần cải thiện và tăng cường phổ biến Cổng TTĐT tới người dân để họ biết đến và sử dụng Cổng TTĐT và các dịch vụ công trực tuyến nhiều hơn. Để người dân sử dụng Cổng TTĐT nhiều hơn, các cấp chính quyền cần đổi mới giao diện để Cổng TTĐT và dịch vụ công trực tuyến thân thiện với người dùng, từ đó người dân biết tới sự tồn tại của chúng và sử dụng thường xuyên hơn”, nhóm nghiên cứu nêu quan điểm.