Vingroup hỗ trợ mạnh, cho vay 2 tỷ USD
Theo báo cáo tài chính riêng quý II/2024 của Vingroup (VIC), tới cuối tháng 6, tập đoàn này có dư nợ cho vay với hãng xe điện VinFast (VFS) hơn 52.200 tỷ đồng (tương đương hơn 2 tỷ USD), trong đó có gần 44.826 tỷ đồng các khoản vay ngắn hạn và gần 7.429 tỷ đồng vay dài hạn.
Các khoản cho VinFast vay chiếm hơn 77% tổng các khoản Vingroup cho các công ty con vay. Lãi suất Vingroup cho VinFast vay là 11-12%/năm, tương đương lãi suất cho các công ty con khác vay.
Về đầu tư, tính tới cuối quý II, Vingroup đã rót hơn 65.700 tỷ đồng (tương đương gần 2,6 tỷ USD) vào VinFast, trong tổng cộng hơn 175.900 tỷ đồng (gần 6,7 tỷ USD) đầu tư vào các công ty con.
Các khoản cho VinFast vay nằm trong chiến lược giúp hãng xe điện Việt Nam đẩy mạnh mở rộng hoạt động sản xuất và bán hàng trên phạm vi toàn cầu, tại Việt Nam, Đông Nam Á và cả ở Mỹ, châu Âu.
Song song với việc nâng cao chất lượng, khuyến khích khách hàng sử dụng xe điện với chi phí hợp lý, thúc đẩy giao thông xanh, VinFast cũng đang đầu tư cho công nghệ pin, công nghệ điều khiển, nâng cao độ an toàn, giảm giá thành và hướng tới lợi nhuận thông qua bán hàng với số lượng lớn, hàng trăm nghìn xe/năm.
VinFast đã khởi công xây dựng nhà máy ở North Carolina (Mỹ), Ấn Độ và Indonesia. Trong 6 tháng đầu năm, VinFast đã có mặt tại các thị trường là Indonesia, Thái Lan và gần nhất hồi đầu tháng 7 khai trương 3 cửa hàng đại lý đầu tiên tại thị trường Philippines.
Cùng với định hướng trở thành tập đoàn công nghệ - công nghiệp - dịch vụ vào năm 2028, mảng sản xuất ngày càng chiếm vị trí quan trọng. Trong nửa đầu năm, mảng sản xuất và các dịch vụ liên quan (chủ yếu là xe điện) của Vingroup tiếp tục là trụ cột đứng thứ hai, với doanh thu gần 14.200 tỷ đồng.
Doanh thu về kinh doanh chuyển nhượng bất động sản trong 6 tháng vẫn đứng đầu với hơn 27.100 tỷ đồng. Cho thuê bất động sản đạt hơn 2.400 tỷ đồng, du lịch vui chơi hơn 3.900 tỷ đồng, y tế hơn 2.000 tỷ đồng, giáo dục hơn 2.800 tỷ đồng…
Tổng cộng, trong 6 tháng, Vingroup ghi nhận tổng doanh thu hơn 65.000 tỷ đồng.
Về lợi nhuận, do mảng sản xuất (xe điện) vẫn lỗ lớn nên dù có doanh thu từ hoạt động tài chính tăng hơn gấp đôi (từ hơn 14.200 tỷ đồng nửa đầu năm 2023 lên hơn 30.100 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024) nhưng lãi ròng hợp nhất của Vingroup chỉ đạt hơn 2.000 tỷ đồng.
Các mảng kinh doanh đang đưa về doanh thu ra sao cho Vingroup?
Trong mảng sản xuất (xe điện), Vingroup báo lỗ trước thuế gần 18.900 tỷ đồng. Trong khi đó, mảng kinh doanh chuyển nhượng bất động sản lãi gần 9.700 tỷ đồng. Cho thuê bất động sản lãi hơn 1.500 tỷ đồng. Du lịch vui chơi và y tế lỗ tổng cộng hơn 1.800 tỷ đồng…
Trong năm 2023, VinFast lỗ ròng gần 18,3 nghìn tỷ đồng (so với gần khoản lỗ gần 18,9 nghìn tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024). Trong năm 2022, VinFast lỗ 33,5 nghìn tỷ đồng.
Gần đây, các hãng xe điện đẩy mạnh mở rộng sản xuất cũng như bán hàng tại nhiều nước trên thế giới để chiếm lĩnh thị trường trong giai đoạn đầu phát triển, cũng như để tránh các loại thuế đã và có thể các nước sẽ đánh vào mặt hàng này.
Vào đầu tháng 7, ông lớn xe điện Trung Quốc BYD khai trương nhà máy đầu tiên tại Đông Nam Á, tại Rayong, phía nam của Bangkok với công suất 150.000 xe/năm. Trong nội khu Đông Nam Á, thuế nhập khẩu ô tô là 0%.
Ủy ban châu Âu (EC) và Mỹ gần đây tăng thuế đối với xe điện của Trung Quốc (gấp hơn 2 và hơn 4 lần) nhưng BYD cũng đã/đang xây nhà máy ở Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan, Brazil và Hungary để thâm nhập vào nhiều thị trường trên thế giới.
Các hãng xe điện Trung Quốc và Tesla của Mỹ cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu xe điện giá rẻ.
Thị trường Việt Nam có quy mô 100 triệu dân dường như vẫn khá nhỏ bé. Niềm tin vào xe điện đang khả quan. Việc mở rộng sản xuất và bán hàng ở các thị trường quốc tế khác có thể là lựa chọn bắt buộc. Hồi giữa tháng 7, VinFast chính thức động thổ nhà máy xe điện tại Indonesia, quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á, với vốn đầu tư 200 triệu USD, công suất dự kiến đạt 50.000 xe/năm.
Trước đó, tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng khẳng định VinFast là sứ mệnh, tương lai của Vingroup và "sẽ không bao giờ buông". Còn trong cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg TV hồi giữa tháng 6, tỷ phú này cho biết sẽ hỗ trợ tài chính cho VinFast "đến khi hết tiền thì thôi”.
Ông Vượng cũng tự tin có thể lèo lái đưa VinFast vượt qua những khó khăn, bất chấp việc Toyota hay Volkswagen đang gặp khó trên toàn cầu.
Theo chuyên gia của Bloomberg, VinFast cần xây dựng thương hiệu và cạnh tranh với các đối thủ lớn và cần nhiều thời gian lẫn tiền đầu tư.
Tại ĐHCĐ 2024, ông Vượng cho biết, cá nhân ông sẽ tiếp tục thu xếp tài sản tài trợ cho VinFast 1 tỷ USD nữa và muốn dồn toàn lực để xây dựng thương hiệu này.
Ông chủ VinFast thừa nhận rằng, làm xe điện rất nhiều khó khăn, nhưng thời điểm khó khăn nhất đã qua và thị trường đã phục hồi trở lại. Ông tin rằng, xe điện là xu thế bền vững không đảo ngược.
Về trạm sạc, ông Vượng cho biết sẽ bỏ 10.000 tỷ đồng trong 3 năm tới để xây dựng trạm sạc cho dù đa phần người tiêu dùng đều đi dưới 100km/ngày và hoàn toàn có thể sạc ở nhà. Tỷ phú giàu nhất Việt Nam tin rằng, VinFast dự kiến sẽ có thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ dần (EBITDA) dương vào năm 2026.
Bloomberg tính toán, đến giữa tháng 6, ông Phạm Nhật Vượng sở hữu khối tài sản khoảng 5,3 tỷ USD. Còn theo Forbes, tính tới ngày 20/7, ông Vượng có khối tài sản là 4,1 tỷ USD.