“Việc tuyên truyền tin tức sai lệch đang khơi gợi sự sợ hãi. Đối phương đang tìm cách làm mất uy tín của Ukraine trong mắt nhiều quốc gia phương Tây với những cáo buộc về ‘các chợ đen vũ khí’, từ đó khiến việc hỗ trợ quân sự bị ngưng trệ”, hãng tin RT dẫn bài viết của Cố vấn Tổng thống Ukraine, ông Mikhail Podolyak trên Twitter hôm 8/8.

Cố vấn Tổng thống Ukraine, ông Mikhail Podolyak. Ảnh: President.gov.ua

Theo RT, bản báo cáo được trang CBS News của Mỹ công bố hôm 7/8 cho thấy, dù Washington và các quốc gia đồng minh đã gửi nhiều lô vũ khí viện trợ tới Ukraine nhưng chỉ có 30% trong số đó tới được tiền tuyến, nơi các lực lượng vũ trang Kiev đang giao tranh với quân đội Nga.

“Tất cả các vũ khí và khí tài viện trợ đều đi qua biên giới Ukraine-Ba Lan, rồi một chuyện gì đó đã xảy ra và khiến chỉ 30% số vũ khí đó đến được đích cuối cùng, tức tới tay binh sĩ Ukraine. Việc trang bị vũ khí cho binh sĩ Ukraine liên quan đến việc điều hướng một mạng lưới phức tạp gồm các quan chức quyền lực, những nhà tài phiệt cùng một số nhân vật chính trị”, bản báo cáo của CBS News trích lời ông Jonas Ohman, người sáng lập một tổ chức cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine có trụ sở ở Lithuania, nói.

Khí tài Nga có chứa nhiều linh kiện từ phương Tây

Hãng tin Al Jazeera dẫn báo cáo được Viện Nghiên cứu quân chủng liên hợp Hoàng gia Anh (RUSI) công bố hôm 8/8 cho thấy, có ít nhất 450 linh kiện điện tử có nguồn gốc nước ngoài được thu thập từ xác vũ khí của Nga tham chiến ở Ukraine. Điều này chứng tỏ rằng Moscow đã thâu tóm được công nghệ quan trọng từ nhiều tập đoàn ở Mỹ, châu Âu và châu Á trong một khoảng thời gian dài trước khi cuộc xung đột nổ ra. 

“Kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, các lực lượng vũ trang Kiev đã thu được nhiều vũ khí Nga hư hại một phần và bị bỏ lại trên chiến trường. Khi tháo dỡ để phân tích, nhiều khí tài trong số đó có chứa linh kiện điện tử từ phương Tây. Khoảng 2/3 số linh kiện tới từ các công ty điện tử có trụ sở ở Mỹ, số còn lại đến từ các tập đoàn ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Thụy Sĩ, Hà Lan và Anh”, bản báo cáo của RUSI nêu rõ. 

“Chẳng hạn tên lửa hành trình 9M727 của Nga, một trong những vũ khí tiên tiến có thể bay ở tầm thấp để tránh sự theo dõi và phát hiện của radar phòng không, chứa đến 31 linh kiện điện tử nước ngoài. Một trường hợp khác như tên lửa hành trình Kh-101, loại vũ khí được Nga sử dụng để tấn công nhiều thành phố ở Ukraine, có chứa các linh kiện được sản xuất bởi hai tập đoàn Intel và Xilinx”, bản báo cáo viết thêm.

Theo Al Jazeera, khi các tập đoàn sản xuất linh kiện điện tử trên được giới truyền thông đặt câu hỏi vì sao sản phẩm của họ lại được tìm thấy trong những khí tài quân sự Nga, thì những công ty này tuyên bố rằng các linh kiện trên vốn được thiết kế cho nhiều sản phẩm thương mại. “Chúng tôi không ủng hộ hay chấp nhận các sản phẩm mình làm ra được sử dụng trong những hành động vi phạm quyền con người”, phát ngôn viên Tập đoàn Intel nói.

Mỹ thừa nhận gửi tên lửa chống bức xạ tốc độ cao cho UkraineLầu Năm Góc lần đầu tiên thừa nhận đã gửi tên lửa chống bức xạ tốc độ cao AGM-88 (HARM) cho Ukraine để nhắm mục tiêu vào các hệ thống radar phòng không của Nga.