Khi xung đột ở Ukraine trở thành một cuộc chiến tiêu hao, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo phương Tây "không nên đánh giá thấp" lợi thế hỏa lực của Nga. Theo ông, phương Tây đang đẩy mạnh sản xuất đạn dược, nhưng lại không thể xác định được mục tiêu cuối cùng ở Ukraine.
Chia sẻ với CNN tại Hội nghị An ninh Munich vào cuối tuần trước, ông Stoltenberg nói rằng cho đến nay, Nga có thể đưa được nhiều đạn dược và nhân lực đến tiền tuyến hơn so với Ukraine. Ông nhấn mạnh mức tiêu thụ đạn dược của Ukraine hiện “cao hơn tổng sản lượng của NATO”, và tình trạng này “không thể tiếp diễn”.
Mặc dù Ukraine đã nhận được số vũ khí phương Tây viện trợ lên tới hàng chục triệu USD như gần 1,5 triệu quả đạn pháo từ Mỹ, nhưng Nga vẫn nắm lợi thế về hỏa lực kể từ khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022.
Phía Ukraine được cho đang bắn từ 5.000 - 6.000 quả đạn pháo mỗi ngày. Trong khi, số đạn pháo Nga sử dụng được ước tính dao động từ 5.000 - 60.000 mỗi ngày.
Cũng theo ông Stoltenberg, kể từ mùa thu năm ngoái, cuộc xung đột ở Ukraine đã “chuyển thành một cuộc chiến tiêu hao”, và nhấn mạnh “cuộc chiến tiêu hao là cuộc chiến về hậu cần về cách mỗi bên tìm phương thức đưa mọi thứ họ cần, từ vật liệu, phụ tùng, đạn dược, nhiên liệu… đến tiền tuyến”.
Ukraine thúc giục Đức ‘vượt lằn ranh đỏ’
Hôm 23/2, Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine và từng là Đại sứ Ukraine tại Đức Andrey Melnik nói rằng, Berlin nên vượt qua “những lằn ranh đỏ tự vạch ra” để cung cấp “tất cả vũ khí hiện có” cho Kiev.
Nói với hãng thông tấn DPA của Đức, ông Melnik ca ngợi Berlin đã đưa ra quyết định "phá vỡ điều cấm kỵ", và cam kết hỗ trợ Kiev ngay từ đầu trong cuộc xung đột với Nga. Tuy nhiên, ông Melnik lại cho rằng cam kết này đã thực sự biến thành một “đường ngoằn ngoèo”, khi chính Berlin lại dựng lên vô số chướng ngại vật trên con đường cung cấp vũ khí cho Ukraine.
“Do đó, chúng tôi những người Ukraine kêu gọi Thủ tướng Đức vượt qua mọi lằn ranh đỏ tự vạch ra, và cung cấp cho các lực lượng vũ trang Ukraine tất cả hệ thống vũ khí hiện có”, ông Melnik cho biết thêm, Kiev mong đợi những quyết định “dũng cảm” hơn từ liên minh cầm quyền tại Đức.
Ông Melnik còn gợi ý các loại vũ khí mới mà Đức có thể chuyển giao cho Ukraine là chiến đấu cơ, tàu chiến và tàu ngầm.