Theo Kyiv Independent, trong ngày 28/1, Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng Vũ trang Ukraine thông báo, quân đội nước này đã đẩy lùi 13 cuộc tập kích ở Donetsk và Luhansk trong vòng 24 giờ qua.

Binh lính Ukraine ở Bakhmut. Ảnh: Reuters

"Tại Luhansk, chúng ta đã ngăn chặn cuộc tập kích ở gần Bilohorivka. Tại Donetsk, các nỗ lực tiến công của đối phương ở Rozdolivka, Krasna Gora, Bakhmut, Ivanivske, Klishchiivka, Druzhba, Vodyane, Maryinka, Pobyeda, Vuhledar và Prechistivka đều bị đẩy lùi", thông báo của Ukraine cho biết.

Cũng trong thông báo này, phía Ukraine đã bác bỏ thông tin Nga giành quyền kiểm soát thị trấn Vuhledar ở Donetsk. Theo Bộ chỉ huy quân sự miền Đông Ukraine, các cuộc giao tranh ác liệt vẫn đang nổ ra xung quanh Vuhledar, nhưng lực lượng Nga không đạt được bước tiến đáng kể nào.

Pháp để ngỏ khả năng gửi tiêm kích cho Ukraine

The The Drive, trong ngày 27/1 (giờ địa phương), ông Thomas Gassilloud - Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Pháp tiết lộ, chính phủ nước này đang xem xét việc gửi tiêm kích tới Ukraine.

Tiêm kích Dassault Rafale của Pháp. Ảnh: DA

"Chúng tôi đang nghiên cứu kỹ việc chuyển giao máy bay chiến đấu cho Ukraine, mọi khả năng vẫn đang được xem xét", ông Gassilloud nói.

Theo thông tin của tờ Daily Telegraph, vấn đề lớn nhất của việc chuyển giao tiêm kích cho Ukraine là đào tạo phi công và bảo dưỡng. Một quan chức quốc phòng Pháp cho biết, các tiêm kích như Rafale cần 10 kỹ thuật viên để đảm bảo hoạt động. Cũng theo quan chức này, Đan Mạch và một quốc gia Đông Âu khác cũng đang xem xét việc gửi máy bay chiến đấu cho Kiev.

Triều Tiên lên án Mỹ vì gửi xe tăng cho Ukraine

Theo Yonhap, trong ngày 27/1, bà Kim Yo-jong (em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un) đã lên án Mỹ vì gửi xe tăng chiến đấu tới Ukraine. Bà Kim khẳng định, sự can thiệp của Mỹ sẽ khiến "toàn bộ châu Âu đối diện với nguy cơ xung đột".

Bà Kim Yo-jong - em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh: AP

"Tôi bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về việc Mỹ muốn leo thang căng thẳng thông qua việc cung cấp xe tăng cho Ukraine. Bằng cách phớt lờ những lo ngại về an ninh của Nga, Washington và các đồng minh đang phá hoại hòa bình thế giới và an ninh khu vực", bà Kim nói.

Bình luận của Triều Tiên được đưa ra sau khi Mỹ thông báo sẽ cung cấp cho Ukraine 31 xe tăng chiến đấu chủ lực M1A1 Abrams.

Brazil từ chối bán đạn pháo cho xe tăng Đức tham gia cuộc xung đột Ukraine

Theo RT, trong ngày 27/1 (giờ địa phương), Tổng thống Brazil Lula da Silva đã từ chối thương vụ bán đạn pháo xe tăng cho Đức để sử dụng ở Ukraine. Ông Lula khẳng định, Brazil sẽ giữ vị thế trung lập trong cuộc xung đột.

Tổng thống Brazil Lula da Silva. Ảnh: AP

Truyền thông Brazil cho biết, Đức đã đề nghị quốc gia Nam Mỹ cung cấp đạn pháo cho các xe tăng Leopard, giá trị của thương vụ này rơi vào khoảng 5 triệu USD. Tổng thống Lula ban đầu muốn Berlin cam kết sẽ không sử dụng số đạn pháo này ở Ukraine, nhưng cuối cùng vẫn từ chối vụ mua bán.

"Tổng thống không muốn làm xấu đi mối quan hệ với Nga vì một món lợi nhỏ", một quan chức Brazil tiết lộ.