Tuần đáng nhớ, vàng tăng thêm gần 2 triệu đồng

Chốt phiên giao dịch cuối tuần qua, giá vàng trong nước đã chính thức vượt ngưỡng 46 triệu đồng/lượng, mức cao nhất trong vòng 8 năm. Tính tới cuối ngày 21/2, giá vàng SJC được niêm yết ở mức: 45,6 triệu đồng/lượng (giá doanh nghiệp mua vào) và 46,05 triệu đồng/lượng (giá bán ra).

Như vậy, chỉ trong 1 tuần, giá vàng đã tăng gần 2 triệu đồng/lượng, lần lượt xuyên thủng 2 ngưỡng quan trọng 45 và 46 triệu đồng/lượng. Còn tính từ đầu năm tới nay, vàng đã tăng 3,3 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước tăng vọt lên đỉnh cao trong nhiều năm không phải lực cầu cao trong nước mà chủ yếu do giá vàng thế giới tăng mạnh. Giá vàng thế giới đã tăng vọt gần 100 USD/ounce trong vòng 2 tuần qua lên mức cao kỷ lục trong vòng 7 năm, từ mức dưới 1.550 USD/ounce lên 1.643 USD/ounce như hiện tại.

{keywords}
Vượt 46 triệu đồng/lượng, vàng được dự báo tăng tiếp, lên kỷ lục.

Với mức giá thế giới như hiện tại, giá vàng hôm nay cao hơn 28,1% (360 USD/ounce) so với đầu năm 2019. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 45,5 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn 400 ngàn đồng so với vàng trong nước.

Trên thị trường trong phiên cuối tuần 21/2 giao dịch vàng có dấu hiệu gia tăng, với tỷ lệ mua bán tại BTMC là 55% khách mua vào và 45% khách bán ra. Tuy nhiên, nhìn chung không có sự đột biến như các đợt sốt vàng trong nhiều năm trước đó.

Nhu cầu mua vàng tích trữ có nhưng khá thấp, trong khi tình trạng đầu cơ trên thị trường vàng cũng đã bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chặn đứng trong nhiều năm qua, từ lâu các ngân hàng cũng không còn huy động và cho vay vàng, muốn gửi phải mất phí.

Giá vàng tăng quá nhanh cũng khiến nhiều người có ý định mua vào chùn tay, thậm chí nhiều người tính tới chuyện bán vàng để chốt lời.

Theo Bảo Tín Minh Châu, giá vàng thế giới tiếp tục lập đỉnh cao  nhất trong 7 năm do dòng tiền vẫn dồn dập tìm đến các loại tài sản có độ an toàn cao, trong đó có vàng và đồng USD, bất chấp Trung Quốc hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng kinh tế và chứng khoán.

{keywords}
Biến động giá vàng thế giới trong 1 tháng qua.

Theo các chuyên gia từ BTMC, vàng tăng giá chủ yếu do giới đầu tư lo ngại các nước sẽ đối mặt với một triển vọng kinh tế tiêu cực do tác động của dịch coronavirus. Biến động trái chiều của các thị trường chứng khoán các nước cũng góp phần khiến vàng có được vị thế tốt hơn.

Trong tuần qua, thế giới chứng kiến tình hình dịch bệnh Covid-19 trở nên phức tạp hơn với sự xuất hiện các ổ dịch mới tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý và số lượng nước có người nhiễm coronavirus cũng như thiệt mạng vì loại virus này vẫn đang tăng lên.

Trong khi Ý và Iran có thêm ca tử vong thì Hàn Quốc đã ly hơn 9.000 thành viên giáo phái Shincheonji sau khi ghi ngày 22/2 có thêm 87 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca lên  433 ca. Toàn cầu hiện đã có hơn 77.900 ca nhiễm, hơn 2.360 ca tử vong.

Dịch bệnh có tác động mạnh tới tâm lý các NĐT trên toàn cầu, khiến chứng khoán Mỹ đang thời rực rỡ cũng quay đầu giảm nhiều phiên liên tục, đánh mất nhiều thành quả trước đó. Nhiều doanh nghiệp hàng đầu như Apple dự báo sụt giảm doanh thu. Samsung cũng đã phải cho một nhà máy ở Hàn Quốc đóng cửa do có nhân viên nhiễm Covid-19. Còn TGĐ WHO bày tỏ sự lo ngại những ca "không rõ ràng" và cơ hội kiềm chế Covid-19 đang khép lại.

{keywords}
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, lo ngại cánh cửa cơ hội để ngăn dịch COVID-19 lây lan rộng hơn ra phạm vi quốc tế đang dần khép lại.

Dự báo phá đỉnh lịch sử, lập kỷ lục mới trong 2020

Mặc dù đã tăng rất mạnh trong hơn 1 năm qua và đã tăng 8% kể từ đầu năm tới nay nhưng giá vàng thế giới vẫn được dự báo sẽ còn tăng mạnh, thậm chí sẽ vượt đỉnh lịch sử năm 2011 và chạm ngưỡng 2.000 USD/ounce do đã phá các ngưỡng cản quan trọng và giá vàng đang ở một "giai đoạn đột phá".

Trên Kitco, chuyên gia phân tích Edward Meir đến từ ED&F Man Capital Markets cho rằng, theo phân tích kỹ thuật, xu hướng đi lên khá mạnh do vàng đã vượt đỉnh cao cũ ghi nhận hồi đầu tháng 1: ở mức 1.613 USD. Các quỹ cũng bắt đầu tăng vị thế và xu hướng mua vào vẫn đang tiếp tuc.

Theo Edward Meir, mục tiêu tiếp theo sẽ là 1.700 USD “trong ngắn hạn”.

Trong khi đó, Ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ cảnh báo các NĐT về một khả năng TTCK sẽ điều chỉnh giảm 10%. Nếu đúng, đây là một mức giảm rất lớn và là một yếu tố hỗ trợ tích cực cho vàng và mặt hàng này còn tăng cao hơn nhiều nữa. Goldman Sachs cho rằng giá vàng sẽ có thể chạm mức 1.850 USD/ounce trong tương lai gần nếu dịch Covid- 19 không thể được kiểm soát trong quý 2/2020.

{keywords}
Giá vàng thế giới năm 2020 được dự báo có thể lập kỷ lục mới.

Trong khi đó, trên Kitco, Richard Baker, biên tập viên của Báo Eureka cho rằng, vàng có thể "sẽ tăng một cách liền mạch lên đến 1.800 USD/ounce" vì "chúng tôi vẫn chưa thấy điều tồi tệ nhất từ virus Covid-19.

Trong một khảo sát đầu năm, các chuyên gia phân tích trên Kitco News cũng bày tỏ lạc quan về giá vàng trong năm 2020, cho rằng mặt hàng kim loại quý sẽ tăng thêm 25%, vọt lên mức 2.000 USD/ounce trong một năm “rối loạn và bất ổn”. Thậm chí trong dài hạn, vàng có thể lên tới 5.000 USD/ounce (tương đương khoảng 140 triệu đồng/lượng) trong một thập kỷ tới.

Nhiều dự báo vàng còn tăng giá được đưa ra trong bối cảnh thế giới không chỉ bất ổn địa chính trị mà còn đang rơi vào một cuộc đua nới lỏng chính sách tiền tệ mới và dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 diễn biến khó lường, bùng phát thêm nhiều ổ dịch ở nhiều nước và các chuyên gia vẫn chưa thực sự hiểu hết được các con đường lây nhiễm và nguy cơ của dịch lần này.

Những số liệu kinh tế cho thấy, kinh tê Trung Quốc cũng như thế giới sẽ đối mặt với một năm rất khó khăn. Sản lượng tiêu thụ ô tô tại Trung Quốc đã giảm 92% trong tháng 2, trong khi lĩnh vực chế tạo và dịch vụ của Mỹ đã chững lại, với chỉ số các nhà quản lý mua hàng (PMI) giảm xuống 49,4 điểm trong tháng 2, thấp nhất trong 7 năm qua và thấp hơn nhiều so với mức dự đoán 53 điểm của các chuyên. Còn ngành dịch vụ, chiếm gần 2/3 nền kinh tế Mỹ đang suy thoái lần đầu tiên để từ năm 2016.

Trên Reuters, IHS Market cho rằng các chỉ số PMI sụt giảm là do dịch Covid-19, thể hiện ở nhu cầu suy giảm ở khắp các ngành như hoạt động đi lại và du lịch, cũng như sự suy yếu của xuất khẩu và những gián đoạn trong chuỗi cung ứng.

Vàng không chỉ được dự báo tăng bởi nỗ lo Covid-19 cũng như chứng khoán thế giới suy giảm mà còn do một cuộc chạy đua giảm lãi suất đang bắt đầu.

Nỗi lo suy giảm tăng trưởng kinh tế vì Covid-19 đã khiến các nước trên thế giới đồng loạt có những động thái và kế hoạch ứng phó, nới lỏng chính sách tiền tệ, bơm tiền vào để kích thích tăng trưởng.

Trung Quốc đã chính thức cắt giảm lãi suất sau khi đã có một loạt các động thái bơm tiền và nhiều nước khác cũng đã có hành động tương tự, kích hoạt một xu hướng mới trên phạm vi toàn cầu.

Ngày 17/2, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã quyết định giảm lãi suất 10 điểm cơ bản từ mức 3,25% xuống còn 3,15%/năm. Hôm 9/2, Ngân hàng Trung ương Philippines Bangko Sentral ng Pilipinas (BSP) đã giảm lãi suất cơ bản đồng peso 25 điểm cơ bản xuống còn 3,75%/năm. Trước đó hôm 5/2, Ngân hàng Trung ương Thái Lan cũng đã hạ lãi suất xuống chỉ còn 1% vực dậy kinh tế phụ thuộc lớn vào ngành du lịch.

Với Mỹ, trong biên bản cuộc họp gần nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự đoán kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức vừa phải, song bày tỏ lo ngại về những nguy cơ kinh tế từ dịch Covid-19.

V. Minh