- Việc Trung Quốc âm mưu vẽ một "đường lưỡi bò liền nét" cùng kế hoạch thiết lập một “eo chiến lược” ở Biển Đông trong thời gian qua cho thấy họ đang tìm cách đẩy mạnh tham vọng kiểm soát không chỉ các đảo, mà toàn bộ vùng biển, vùng trời, và tuyến đường vận tải qua khu vực Biển Đông.
Thông tin một số nhà khoa học Trung Quốc vẽ lại “đường lưỡi bò” bằng cách nối liền mạch 9 nét đứt thành một đường ranh giới mới đang làm nóng dư luận.
Thực ra đây là một bước chiến lược tiếp theo của tham vọng độc chiếm Biển Đông mà Trung Quốc đeo bám từ lâu.
Còn nhớ, tại một cuộc họp của Ủy ban Hải dương học Liên Chính phủ (IOC) của UNESCO vào tháng 7 năm 1987. Nhận thấy việc thiếu các trạm quan trắc thời tiết trên Biển Đông, IOC xem xét việc chỉ định một quốc gia trong khu vực để xây dựng một trạm tại Trường Sa. Trung Quốc xung phong, và họ chọn Đá Chữ Thập.
Bắc Kinh có lẽ đã rất biết ơn UNESCO. Sau 30 năm, trong khi các trạm thời tiết rơi vào quên lãng, Đá Chữ Thập đã biến đổi từ một rạn san hô chìm để trở thành hòn đảo lớn nhất Biển Đông, lớn gấp ba lần đảo Ba Bình, hòn đảo tự nhiên lớn nhất trên quần đảo Trường Sa. Cùng với Đá Xu-bi và Đá Vành Khăn, hai đảo nhân tạo khác, đường băng trên Đá Chữ Thập dài hơn 3000m, có thể sử dụng cho các máy bay ném bom tầm xa, máy bay vận tải và máy bay phản lực, hoặc hầu hết các loại máy bay mà Trung Quốc sở hữu. Lưu ý rằng, đường băng lớn nhất của Malaysia trên Đá Chim én (Swallow Reef) cũng chỉ dài hơn 1.300m, và sân bay lớn nhất của Việt Nam trên đảo Trường Sa Lớn có đường băng khoảng 1200m.
Trên ba hòn đảo nhân tạo này không chỉ là đường băng. Đây là một khu phức hợp gồm nhiều nhà máy xi măng, các tòa nhà hỗ trợ, bến cảng, cầu tàu, súng phòng không và các cơ sở hạ tầng quân sự khác. Điều này nhằm phục vụ cho hai mục đích chính: đầu tiên là trung tâm hậu cần cho lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc khi tuần tra hoặc xung đột vũ trang, và thứ hai, là điểm kiểm soát cho các hoạt động cải tạo khác trên quần đảo Trường Sa.
Ngoài ra, với chi phí xây dựng khổng lồ (riêng cho Đá Chữ Thập ước tính đã lên đến 12 tỷ USD), cùng với cơ sở hạ tầng quân sự và khả năng triển khai các nhà máy điện hạt nhân nổi, Bắc Kinh dường như có ý đồ thiết lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) để bảo vệ quyền lợi của họ ở Biển Đông. Ngay cả khi không chính thức tuyên bố, việc yêu cầu máy bay và tàu thuyền nước ngoài “khai báo” khi đi qua khu vực này thực tế đã là một ADIZ. Đầu năm 2016, Bắc Kinh thực hiện đến 46 chuyến bay trái phép vào Vùng Thông tin bay Hồ Chí Minh (FIR) của Việt Nam mà không khai báo, hành động dường như để “dò đường” về phản ứng của các bên.
Từ đó đến nay, Bắc Kinh tập trung chủ yếu vào các hoạt động ngoại giao, đặc biệt là trong những thiện chí “bất ngờ” của họ về đàm phán xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) hay những hợp tác song phương với các nước trong khu vực thông qua chương trình Một Vành đai, Một Con đường (BRI). Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn tuyên bố sẽ không “quân sự hoá” các đảo nhân tạo trong năm 2015. Những hành động này, tuy vậy, chỉ là chót lưỡi đầu môi để “ẩn mình chờ thời”.
Tháng 4 vừa qua, Bắc Kinh tổ chức diễn tập quân sự lớn chưa từng có ở biển Đông với 48 tàu chiến, và 76 máy bay các loại, cùng hơn 10 nghìn lính.
Đến đầu tháng 5, Trung Quốc lắp đặt dàn tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và tên lửa đất đối không HQ-9B trái phép trên ba cụm đá trên. Bắc Kinh cũng đã nhiều lần đưa máy bay quân sự đến và đi từ những hòn đảo nhân tạo này, và nhiều khả năng sẽ đồn trú máy bay quân sự ở đó vĩnh viễn. Hệ thống thông tin tình báo, gồm radar và các thiết bị gây nhiễu vừa mới được lắp đặt, cũng sẽ khiến Bắc Kinh có lợi thế về thông tin tác chiến.
Những hành động khiêu khích liên tiếp này cho thấy bất chấp những thủ thuật ngoại giao, Trung Quốc ngày càng tỏ rõ âm mưu dùng sức mạnh quân sự để gây sức ép với các bên tranh chấp chủ quyền, cũng như tạo dựng “thế đã rồi” ở trên biển. Với những khoản đầu tư khổng lồ và quyết tâm chính trị bất chấp chi phí, Bắc Kinh đã trở thành lực lượng quân sự mạnh nhất trên biển Đông, và khiến mọi quốc gia trong vùng tranh chấp đều nằm trong tầm đạn của họ, dẫu RAND, một cơ quan nghiên cứu chính sách của Mỹ, tin rằng những hòn đảo nhân tạo dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công phủ đầu hoặc thậm chí là các cơn bão nhiệt đới.
Cùng với việc xây dựng đảo Phú Lâm trái phép trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nghiên cứu của Trường Hải chiến Hải quân Hoa Kỳ (US Naval War College) cho rằng Trung Quốc đã thiết lập một “eo chiến lược” ở phía tây và đông Viển Đông, tiến tới kiểm soát không chỉ các đảo, mà toàn bộ vùng biển, vùng trời, và tuyến đường vận tải qua khu vực.
“Quân sự hoá” không đồng nghĩa với việc tấn công các quốc gia khác, tuy nhiên, dường như Trung Quốc muốn sử dụng vũ lực để ép buộc những bên tranh chấp nhượng bộ trước các đòi hỏi ngang ngược của mình. Trong tranh chấp chủ quyền khi các bên không thể tìm được tiếng nói chung, sức mạnh quân sự là chìa khoá duy nhất. Ví dụ gần đây nhất có lẽ là cuộc chiến Falklands giữa Argentina và Anh năm 1982. Ngay tại Biển Đông, cũng nhờ ưu thế quân sự mà Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough vào năm 2012 từ Philippines.
Vào năm 1988, Trung Quốc bắt đầu tham vọng độc chiếm Biển Đông bằng cách đồn trú trên Đá Chữ Thập, một năm sau lời đề nghị xây trạm khí tượng của UNESCO. Đây là kế hoạch tính toán trước của Bắc Kinh, bởi sau đó, Trung Quốc hèn hạ thảm sát 64 lính hải quân Việt Nam trên Gạc Ma khi muốn mở rộng vùng xâm lấn sang các nơi khác.
Sau 30 năm, Đá Chữ Thập và giờ đây là âm mưu vẽ lại đường lưỡi bò tại Biển Đông với việc nối liền 9 đoạn lại một lần nữa đánh dấu bước ngoặt mới về chủ nghĩa bá quyền của Trung Quốc: về cơ bản, họ đã hoàn thành quá trình quân sự hoá Biển Đông. Điều cần thiết với các quốc gia Đông Nam Á hiện nay, bao gồm Việt Nam, có lẽ là một chiến lược mới để thích ứng với viễn cảnh đầy thách thức trước mặt.
Khắc Giang
“Đường lưỡi bò liền nét”- tình tiết mới về tham vọng cũ của Trung Quốc
Mặc dù Trung Quốc với sức mạnh của mình, mưu toan “đổi trắng thay đen”, nhưng điều này không thể làm được trong thế giới hiện đại.
Trung Quốc ngày càng hung hăng tại Biển Đông
Những hành động hung hăng của TQ gần đây cho thấy tình trạng tương đối yên tĩnh trên Biển Đông trong vòng gần hai năm qua dường như đã kết thúc.
Lợi thế địa quân sự độc nhất vô nhị của Cam Ranh
“Cam Ranh không chỉ bảo vệ biển đảo mà còn là căn cứ bảo vệ phía Nam của đất nước, án ngữ bảo vệ Tây Nguyên vô cùng quan trọng”.
Không có “gậy thần” nhưng VN có Cam Ranh
Việt Nam có thể sử dụng không cảng và hải cảng chiến lược, như Cam Ranh, làm kho dự trữ và nơi cung cấp hậu cần... cho tuyến hàng hải từ Biển Đông sang Ấn Độ Dương và ngược lại.
Ai hưởng lợi sau quyết định mới về đường lưỡi bò
Với bước tiến đầy lạc quan trong vụ khởi kiện của Philippines, các bên tranh chấp ở Biển Đông hoàn toàn có quyền hi vọng về việc giải quyết căng thẳng Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Kiện đường lưỡi bò: 2015 sẽ có bước ngoặt lớn?
5 sự kiện được dự báo làm thay đổi diện mạo Đông Nam Á năm 2015, trong đó có Phán quyết cho vụ kiện của Philippines.
Phía sau đường 'lưỡi bò' hoang đường
Một nhà nghiên cứu nguyên là một vị tướng làm tùy viên quốc phòng Pháp tại TQ trong thời gian dài, đã phân tích về đường lưỡi bò 10 đoạn mới đây của TQ.
Sự tích “đường lưỡi bò” hoang đường của TQ
Nhiều học giả TQ đã công bố tư liệu về nguồn gốc “đường lưỡi bò” với lời can gián “Đừng làm trò cười cho thiên hạ”.
'Hãy mừng vì Trung Quốc không làm rõ đường lưỡi bò'!
TS Wu Shicun đã “huỵch toẹt” rằng nếu làm rõ ý nghĩa của đường chữ U, Chính phủ Trung Quốc sẽ phải lấy lại tất cả các đảo hiện đang do nước khác “chiếm giữ” bởi đường chữ U là đường chủ quyền.