- Câu chuyện vi phạm bản quyền Cô Ba Sài Gòn bằng hành vi livestream (quay và phát trực tiếp) bộ phim từ rạp chiếu phim Lotte ở Vũng Tàu đang làm nóng dư luận. Phía chủ sở hữu trí tuệ đã làm đơn yêu cầu công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vào cuộc. Vi phạm sở hữu trí tuệ không phải câu chuyện mới, có cả một rừng luật về vấn đề này, nhưng cần phải thực thi làm sao để người ta thấy sợ mà không dám vi phạm.
Ba bộ luật quy định, chế tài khó
Trước hết, chúng ta có thể quan sát thấy hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ diễn ra rộng rãi tại Việt Nam, bất kể luật pháp có quy định về việc này từ bộ luật Hình sự (BLHS), đến bộ luật Dân sự (BLDS) và Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT).
Trong lĩnh vực phim ảnh, việc vi phạm trước đây phần lớn được gắn với cụm từ "bản cam" – tức bản phim được quay trộm lại từ màn chiếu trong rạp, rồi bị phát tán trên các trang tải phim hay xem phim trên mạng. Một cách khác nữa của vi phạm bản quyền là bản phim được sao chép lại từ đĩa DVD được lưu hành hợp pháp (ví dụ các chương trình ca nhạc Thúy Nga Paris) hay đĩa nội bộ (ví dụ bản phim Bụi đời Chợ Lớn bị rò rỉ từ một đĩa DVD nội bộ, dù phim không được phát hành) rồi bị phát tán trên các kênh khác nhau của internet.
Gần đây, với sự lan tỏa mạnh mẽ của mạng xã hội và cải tiến công nghệ, các hành vi vi phạm có thể diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Trường hợp livestream (quay và phát trực tiếp) bộ phim Cô Ba Sài Gòn, trước đó xảy ra với Em chưa 18 là ví dụ mới nhất về biến tướng của hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, xét dưới góc độ luật pháp, điều này có dễ dàng xử lý không?
Áo dài là điểm nhấn trong câu chuyện "Cô Ba Sài Gòn" |
Theo bà Phan Cẩm Tú, luật sư - chuyên gia tư vấn về sở hữu trí tuệ (Hà Nội), trước đây hành vi quay phim trong rạp chiếu rồi phát tán chưa bị xử lý theo luật hình sự. Đánh giá hành vi livestream của Nguyễn Văn T. (Vũng Tàu) trong vụ Cô Ba Sài Gòn, bà cho rằng việc chủ thể vi phạm bị bắt quả tang, khai nhận hành vi và hành vi vi phạm thực sự gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu quyền là các căn cứ để xác định hình thức xử lý vi phạm mạnh hơn. Bà cũng cho rằng cần có sự quyết tâm xử lý để tạo tiền lệ nhằm răn đe và ngăn chặn các hành vi vi phạm tương tự.
Đánh giá về việc Ngô Thanh Vân viện dẫn điều 28, Luật SHTT 2005 trong đơn yêu cầu công an vào cuộc, bà Đinh Hồng Hạnh, luật sư (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng việc này có cơ sở và phù hợp, vì điều luật này nội dung mô tả cấu thành của hành vi vi phạm là gì, và hành vi của đối tượng T. liên quan trực tiếp đến việc xâm hại sở hữu trí tuệ. Còn về áp dụng pháp luật để xử lý, thì có hai trường hợp: một là, áp dụng quy định của BLDS phần Sở hữu trí tuệ, trong trường hợp Luật SHTT không quy định rõ mức bồi thường dân sự (mức phạt dân sự, các biện pháp xử phạt về mặt hành chính); hai là, áp dụng quy định của Pháp luật Hình sự (điều 225 BLHS 2015 về Tội xâm phạm quyền tác giả, Quyền liên quan).
Trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định về sở hữu trí tuệ của Luật SHTT với quy định của luật khác thì áp dụng quy định của Luật SHTT. Do đó, có thể viện dẫn các quy định của Pháp luật Dân sự hoặc Pháp luật Hình sự để xử lý. Tuy nhiên, vì Luật chưa giải thích cụ thể định nghĩa "phân phối" nên để đánh giá chính xác mức độ nghiêm trọng của hành vi "phân phối" - livestream trên fanpage còn tùy vào sự diễn giải, giải thích pháp luật của cơ quan có thẩm quyền, bà Hạnh giải thích. Đặc biệt, vấn đề khó và mấu chốt nằm ở việc chứng minh mức độ thiệt hại được quy định trong điều luật.
Bên cạnh đó, rạp Lotte Vũng Tàu với tư cách pháp nhân thương mại - bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, có trách nhiệm trong việc để xảy ra hành vi vi phạm tại rạp chiếu của mình, theo quy định của Cục Điện ảnh về nghĩa vụ của cơ sở chiếu phim/phổ biến phim và theo nghĩa vụ về bảo đảm Quyền sở hữu trí tuệ, Quyền tác giả, Quyền liên quan trong Hợp đồng kinh tế với nhà sản xuất bộ phim Cô Ba Sài Gòn, bà Hạnh cho biết. Nhưng một lần nữa, vấn đề khó nằm ở chế tài chứng minh cụ thể con số thiệt hại từ hành vi vi phạm.
Vai trò của truyền thông và giáo dục
Theo ông Nguyễn Hoàng Phương, giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển điện ảnh CDJ (Hà Nội), chế tài là một chuyện, vấn đề cốt lõi nằm ở ý thức của người xem phim và việc này cần kiên nhẫn và dài lâu. Khoảng mười năm trở lại đây, người dân Việt Nam mới có thói quen ra rạp xem phim, trước đó chủ yếu xem phim lậu trên mạng hay qua băng đĩa lậu.
Vào năm 2013, Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ MPA có làm một chiến dịch "giáo dục" người tiêu dùng Việt Nam thông qua một video clip được chiếu ở phần quảng cáo tại hệ thống rạp Megastar (tiền thân của CGV ngày nay) và một số rạp khác. Clip này do đạo diễn Bùi Thạc Chuyên dàn dựng, với sự xuất hiện của chính anh, đạo diễn Phan Đăng Di, đạo diễn Victor Vũ, và các nghệ sĩ Lê Khanh, Thành Lộc, Xuân Bắc. Ngoài ra, đại diện cơ quan MPA tại Việt Nam cũng tiến hành một số chương trình như tập huấn cho nhân viên rạp chiếu phim hay tổ chức workshop cho sinh viên để nâng cao nhận thức về vấn đề bản quyền. Dù cũng có tác động nhất định đến nhận thức của khán giả, các chương trình này chưa đủ, ông Phương nhận xét.
Ở một nước có luật pháp nghiêm minh và ý thức về luật pháp cao như CHLB Đức, các cơ quan liên quan đến điện ảnh cũng đã hợp tác tiến hành một số chiến dịch chống lại nạn vi phạm bản quyền phim từ năm 2003, sau khi có luật hình sự quy định việc vi phạm có thể bị phạt tù tới 5 năm.
Một chiến dịch mang tên “Raubkopierer sind Verbrecher“ – (Sao chép lậu là tội phạm) được tài trợ bởi Cục Hỗ trợ Điện ảnh Đức (FFA) làm các clip được chiếu trên khắp hệ thống rạp chiếu và bảng quảng cáo đặt nhiều nơi trên nước Đức.
Một trong các clip này được người xem yêu thích và nhớ đến là câu chuyện gia đình gồm một mẹ và bốn con nhỏ đứng hát bài Happy Birthday trước một nhà giam. Và khi đứa con thắc mắc bao giờ thì ba trở về, bà mẹ nói: “hát bốn lần nữa con nhé!“ Chiến dịch này đã đạt được hiệu quả truyền thông lớn, và tạo dư luận trái chiều về hình thức thể hiện rất trực diện về hậu quả của vi phạm bản quyền.
Một chiến dịch khác mang tên “RESPE©T COPYRIGHTS“ – (tôn trọng bản quyền) được đưa vào hệ thống trường học năm 2005 nhằm tiếp cận và giáo dục học sinh về bản quyền, các hình thức vi phạm luật pháp bảo vệ bản quyền. Chương trình này đặc biệt ở chỗ đưa ra các tình huống để học sinh tự thảo luận và phân biệt đúng sai liên quan đến ý thức tôn trọng pháp luật. Chương trình này không có được hiệu quả truyền thông như chiến dịch đầu tiên, nhưng lại mang ý nghĩa giáo dục cao.
Một đất nước văn minh muốn phát triển tốt và lành mạnh, cần có những công dân ý thức về quyền và nghĩa vụ của mình, trong đó có việc tôn trọng bản quyền sở hữu trí tuệ. Do đó, vấn đề nằm ở chỗ luật pháp có được thực thi nghiêm minh hay không, và về lâu dài, các phương tiện truyền thông và giáo dục có được vận dụng hiệu quả trong việc xây dựng ý thức của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hay không.
Marcus Mạnh Cường Vũ
* Marcus Mạnh Cường Vũ là nhà sản xuất phim, giám tuyển phim, nhà báo tự do. Ông là người sáng lập và là Chủ tịch YxineFF (2010-2014).
Thời của Bolero?
Quan sát cách hệ thống truyền thông mà chủ yếu là các “nhà đài” làm sự kiện bolero, người ta dễ suy đoán và ngộ nhận. Hình như đang là thời của bolero?
“Chúng ta xây chính sách trên mặt bằng gồ ghề, khúc khuỷu”
Theo dõi diễn đàn Quốc hội, thấy các ĐB mổ xẻ tới lui rất sâu, chính sách không sai, cách tính lương của bảo hiểm không sai, vậy sai ở đâu?
Biển Đông, an ninh khu vực sau ‘kịch tính TPP’
CPTPP sẽ có tác động lớn đối với hồ sơ Biển Đông vì khi lợi ích chung của 11 nước thành viên và các đồng minh bị đe doạ thì họ sẽ có những quyết định...
Nhìn lại APEC 2017: Việt Nam ngày càng chứng tỏ đã trưởng thành
Để tận dụng được những cơ hội mà APEC 2017 mang lại, Việt Nam cần thực hiện thành công Nghị quyết TƯ 4 khóa 12 và TƯ 6 khóa 12.
Thử đề xuất cách giải bài toán lương hưu thấp
Tiền cho những quỹ chi bù có thể có nếu cân đối được nhờ tiết kiệm những khoản chi thường xuyên bất hợp lý như chi xây tượng đài, chi lễ lạt, chi xe công…