Khó có thể hiểu nổi một chính khách dày kinh nghiệm như Netanyahu lại phải hạ mình xuống mức đó. Nhưng cũng dễ hiểu nếu nhìn từ lăng kính muốn giữ ghếbằng mọi giá.

Cái giá cho một chiến lược sai lầm

Hôm 17/3/2015, người dân Do Thái đi bầu ĐBQH (Knesset), và theo thể chế Parlimentary, họ bầu chính phủ mới luôn. Cuộc bầu cử lần này được coi là một tranh chấp lịch sử giữa các phe phái trong nước Israel (Do Thái). Lý do không những vì các liên minh mới trong chính trường Israel hay các chiêu thức vận động ngoài luồng của ứng cử viên dẫn đầu là đương kim Thủ tướng Benjamin Netanyahu, hay ngay cả kết quả ngoạn mục và bất ngờ của ông này vào phút chót, mà sẽ còn đánh dấu vết rạn nứt nghiêm trọng của sự hợp tác chiến lươc giữa Israel và Mỹ, cường quốc đã đỡ đầu việc tái lập nước Israel, sau gần 2.000 năm lưu lạc, ngay sau Thế chiến thứ Hai và đã liên tục bảo vệ, viện trợ cho Israel.[1]

Hai ngày trước bầu cử, các thăm dò dư luận cho thấy đối thủ chính của ông Netanyahu là ông Isaac Herzog đã bắt kịp phe bảo thủ đang nắm quyền và có triển vọng tốt là sẽ thắng cử và lập chính phủ mới.

Diễn tiến ngoạn mục này phản ánh sự tương phản giữa hai phe tranh cử cũng như trong dư luận người Do Thái, trong và ngoài nước trên ít nhất 3 phương diện. Thứ nhất, phe Zionist Union, do ông Herzog dẫn đầu, chủ yếu tranh cử về các vấn đề kinh tế như vật giá leo thang, nhà cửa đắt đỏ, hố chia cách giàu-nghèo. Phe Likud của ông Netanyahu và liên minh hầu như chỉ chú trọng về vấn đề sống còn của Israel, coi Iran và vũ khí hạt nhân là đe dọa lớn nhất, và phớt lờ các vấn đề xã hội.

Về chiến thuật, phe đối lập chủ trương bảo tồn quan hệ Mỹ-Israel là rường cột bảo vệ đất nước trong khi ông Netanyahu ra mặt phản đối chính quyền Obama khi Mỹ và 5 cường quốc khác thương thuyết với Iran để nước này tạm gác giấc mộng vũ khí hạt nhân trong thời gian dài và tái lập một sự thăng bằng nào đó cho cả vùng Trung Đông[2].

Dĩ nhiên ông Netanyahu đã được lưỡng viện Hoa Kỳ mời sang thuyết trình với cả hai Viện, dù không tham khảo với Nhà Trắng, mục đích là để cản trở cuộc đàm phán với Iran. Tại QH Mỹ, Thủ tướng Netanyahu được hoan nghênh đón tiếp vào phiên họp liên viện tương tự như Tổng Thống Mỹ hàng năm đến QH để tường trình về tình trạng quốc gia, như hiến pháp Mỹ đã quy định.

Qua bài diễn văn ông Netanyahu đanh thép chỉ trích chính quyền Obama là ngây thơ khi 6 cường quốc tin là Iran sẽ tuân thủ những gì họ hứa. Một màn tranh cử ngoạn mục cho phe Likud vì chẳng khi nào một nước đồng minh lại mở cửa QH cho một phe đang tranh cử ở một nước khác để giúp cho phe này thắng cử[3], và đối với dân Mỹ, một cú sốc gây chấn động cho nguyên tắc là “chính sách ngoại giao của Mỹ ngừng lại ở ven biển”, nghĩa là nước Mỹ, theo thể chế “tam quyền phân lập” chỉ có một chính sách ngoại giao do chính phủ lãnh đạo chứ cả QH và Tối Cao Pháp Viện không tham gia vào đàm phán, thương thuyết.

Nhưng ông Netanyahu và Israel cũng đã phải trả một giá rất đắt. Chính người dân Israel cũng thấy đó là một chiêu bài tranh cử của Netanyahu cũng như phe Likud đã bị Đảng Cộng Hòa ở Mỹ dùng như một công cụ trong cuộc tranh chấp với tổng thống tại vị Obama.

Và họ đã phản ứng ngược lại; họ ủng hộ phe của Isaac Herzog hơn, dẫn đến kết quả là phe này đã vượt lên từ thế “chắc thua” lên thế “chắc thắng” chỉ 2 ngày trước khi họ đi bầu. Đồng thời, sự rạn nứt trong thế đồng minh giữa hai nước thành trầm trọng hơn trong dư luận khắp nơi. Chưa kể đến liên hệ cá nhân giữa hai nguyên thủ gần như đổ vỡ, mà Obama còn là tổng thống Mỹ cho đến ngày 20/1/2017.

{keywords}{keywords}

Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Tổng thống Barack Obama tại New York, vào 21/9/2011. Ảnh: Avi Ohayon/GPO

Lật ngược thế cờ vào phút chót

Trước tình thế sẽ thua trong cuộc bầu cử và sẽ không đạt được vinh dự làm Thủ Tướng với 4 nhiệm kỳ trong lịch sử Israel, cũng như sẽ “mất mặt” trước cả thế giới vì “thua” tổng thống Obama, ông Netanyahu, năm nay 65 tuổi và được coi là một chính khách lão luyện của Isarel, đã thay đổi chiến thuật.

Một ngày trước ngày bầu cử, ông tuyên bố là nếu thắng cử lần này, ông sẽ không để cho người Palestine lập một quốc gia song song, sát nách với Isarel. Đây là một thay đổi chính sách quan trọng và chiến lược của Israel, vì kể từ Hội nghị Oslo năm 1993, tất cả các chính quyền Israel đều cam kết theo đuổi chính sách “hai nước song song” – Israel và Palestine- để tương lai cùng sống chung hòa bình.

Đây là một thế cờ tuyệt vọng, tương tự như một ván “xả láng” ở sòng bài vì chính ông Netanyahu trong 3 nhiệm kỳ trước đều đã tuyên bố ủng hộ chính sách “hai quốc gia” dù các động thái của chính phủ vẫn đi ngược lại chủ trương chung.

Trong thời gian ông lãnh đạo chính quyền Israel, nước này vẫn liên tục xây cất thêm các “khu định cư” (settlements) vừa lấn đất của người Palestine, vừa vi phạm các nghị quyết của LHQ. Ngoài ra, chính ông cũng đã 3 lần xua quân vào đánh Palestine, lần cuối vào mùa hè năm 2014, và mỗi lần đều bị thế giới lên án.

Lần này tuyên bố bỏ cả chính sách có nghĩa là ông ra mặt chống lại chính sách “hai quốc gia”, không còn mập mờ nữa; đồng thời phủ nhận luôn tất cả những tuyên bố trong ba nhiệm kỳ trước là thực tâm theo đuổi hòa bình với người Palestine.

Chưa hết, ngay trưa hôm bầu cử, khi thấy các công dân Israel gốc Palestine đi bầu đông đảo – điều mà quốc gia thực sự dân chủ nào cũng mong muốn, ông Netanyahu lại thấy nguy cơ cho chiếc ghế của mình, vì đa số cử tri gốc Palestine sẽ bầu cho liên danh Ả Rập (Joint List) chứ không cho phe Likud, ông đã đăng một video lên Facebook của mình cảnh báo các cử tri gốc Do Thái và bảo thủ là người gốc Ả Rập đang được các tổ chức thiên tả đem xe buýt đưa đi bầu rầm rộ.

Thông điệp này quá rõ ràng: công dân gốc Do Thái phải đi bầu để “bảo vệ Israel là của Israel”, vừa trắng trợn kỳ thị chủng tộc đối với công dân Palestine vừa khích động các phần tử cực đoan Do Thái bằng chiêu bài họ có nguy cơ mất nước. Nhà Trắng đã phản ứng ngay cho đó là một “thông điệp nhằm chia rẽ” (divisive rhetoric).

Khó có thể hiểu nổi một chính khách dày kinh nghiệm như Netanyahu lại phải hạ mình xuống mức đó. Nhưng cũng dễ hiểu nếu nhìn từ lăng kính muốn giữ ghế Thủ tướng bằng mọi giá.

(Còn tiếp)

GS. Vũ Đức Vượng

-------

[1] Trong bài này, cụm từ “nước Israel” để chỉ quốc gia mang tên Israel được LHQ thành lập năm 1948 và “dân Do Thái” khi nói đến dân Do Thái sinh sống ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Khi nói về người Do Thái sống trên đất Israel, tôi dùng “công dân Israel” để dễ phân biệt.

Tương tự, người Palestine cũng có hai loại: những người sống trong phạm vi nước Israel là công dân nước này và có quyền bầu cử; những người sống chủ yếu trong hai vùng West Bank và Gaza là công dân chính quyền Palestine (Palestine Authority).

[2] Năm nước cùng với Mỹ thương lượng với Iran là Nga, Pháp, Đức, Anh và Trung quốc, nghĩa là cả 5 quốc gia của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và CHLB Đức.

[3] Trường hợp này chưa khi nào xẩy ra ở Mỹ hay bất cứ nước nào khác, và Tổng Thống Obama đã từ chối không tiếp ông Netanyahu trong thời gian ông này ở Washington, với lý do chính thức là đồng minh không nên can thiệp, hay có vẻ giúp một phe, vào cuộc tranh cử sẽ diễn ra trong 2 tuần nữa. Nhiều người thêm lý do nữa là TT và ThT không thân thiết với nhau lắm cũng như ông Obama nhất quyết không nhúng tay vào hành động không thể chấp nhận được của cả đảng Cộng Hòa lẫn phe Likud. Cả Phó Tổng Thống Biden cũng không tiếp ông Netanyahu lần này.