Video: Ukraine Weapons Tracker

Trang Ukraine Weapons Tracker hôm 21/3 cho hay, máy bay không người lái (UAV) của lực lượng vũ trang Kiev đang hoạt động trong khu vực ngoại vi thành phố Donetsk, nơi hiện nằm dưới sự kiểm soát của quân Nga, đã phát hiện một pháo tự hành 2S3 Akatsiya của đối phương đang được ngụy trang ở nơi có nhiều cây cối gần đó.

Dù kíp pháo thủ Nga đã cố che bạt để khí tài lẫn vào nền tuyết trắng, nhưng như vậy là chưa đủ để qua mặt camera lắp trên UAV. Lập tức, tọa độ mục tiêu được chuyển cho lực lượng pháo binh Ukraine hoạt động gần đó, và các pháo thủ đã sử dụng đạn thông minh dẫn đường M982 Excalibur để tập kích khí tài Nga. Đòn tấn công từ đạn M982 sau đó đã kích nổ số đạn dược được cỗ pháo Nga mang theo, và nhanh chóng thiêu rụi nó.

Cỗ pháo 2S3 bốc cháy do bị tấn công. Ảnh: Ukraine Weapons Tracker 

Theo trang Military Today, 2S3 ‘Akatsiya’, trong tiếng Nga nghĩa là Keo hoa vàng, là pháo tự hành được Liên Xô chế tạo và đưa vào trang bị trong những năm đầu thập niên 1970. 2S3 có khối lượng 28 tấn; chiều dài 8,4m tính cả nòng. Khả năng nâng góc nòng của 2S3 nằm trong khoảng -4 đến 60 độ, và kíp vận hành sẽ cần 4 binh sĩ. Tốc độ bắn tối đa 4 phát/phút.

Một khẩu pháo tự hành 2S3. Ảnh: Wikipedia

2S3 sử dụng loại đạn 152,4mm D-22 howitzer L/27 có tầm bắn tối đa lên tới 18,5km. Với đạn tăng tầm, khả năng tác chiến của 2S3 sẽ được nâng lên 24km. Ngoài ra, xe còn được trang bị một súng máy PKT sử dụng cỡ đạn 7,62 x 54mmR với cơ số 1.500 viên.

Trong cuộc chiến ở Afghanistan thập niên 1980, 2S3 từng chứng minh được tính hiệu quả trong lúc tác chiến cũng như sự bền bỉ khi hoạt động tốt ở môi trường khắc nghiệt.

“Vụ nổ do các quả đạn nổ mảnh của 2S3 đã gây ra những lỗ thủng lớn trên các bức tường, giúp các xe tăng và xe chiến đấu bộ binh có thể vượt qua mà không gặp trở ngại”, tờ Russia Beyond dẫn lời cựu binh Anatoly Grigoryev kể về uy lực của pháo 2S3 trong trận chiến ở tỉnh Baghlan, Afghanistan hồi tháng 4/1987.