Nhằm hướng đến mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của công nghệ tiên phong và hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, ngoài sự nỗ lực thúc đẩy từ Chính phủ, Bộ, ngành thì cần có sự chung tay và hỗ trợ mạnh mẽ của các cơ quan truyền thông để thúc đẩy sự lan tỏa và vinh danh sự đóng góp tích cực của các điển hình chuyên gia, doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ đóng góp cho sự phát triển quốc gia.
Câu chuyện giữa truyền thông và công nghệ tiên phong đã được nhìn nhận, chia sẻ và khai thác tại Tọa đàm Phá băng với chủ đề “Ứng xử của truyền thông với công nghệ tiên phong”. Các tập đoàn công nghệ, chuyên gia công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cùng chuyên gia truyền thông cùng thảo luận các vấn đề liên quan đến công nghệ mới, cơ hội thách thức của công nghệ tiên phong ở Việt Nam và chiến lược truyền thông phù hợp để truyền thông và công nghệ cùng song hành trong giai đoạn tới nhằm thu hút và vinh danh các chuyên gia công nghệ có khả năng thiết kế những sản phẩm có tính cạnh tranh tầm thế giới. Đại diện các bên cũng đề xuất cách tiếp cận, chia sẻ kinh nghiệm, định hướng chiến lược truyền thông hiệu quả cho tập đoàn và startup công nghệ tiên phong trước xu thế phát triển của thị trường công nghệ mới.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN cho biết: Trong giai đoạn 2021 - 2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 09/2/2021 nhằm mở rộng Đề án 844 và tăng cường chiều sâu hệ sinh thái. Trong mục tiêu xây dựng mạng lưới kết nối hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, truyền thông có vai trò hết sức quan trọng vừa nâng cao nhận thức, xây dựng văn hoá khởi nghiệp sáng tạo, vừa để truyền tải những thông điệp, những mô hình hay, những công nghệ mũi nhọn giúp cho thế hệ trẻ có thể tiếp thu và triển khai trong nước.
Ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch CLB Khởi nghiệp công nghệ số Việt Nam (VDI) cho biết, trong thế giới hậu Covid-19, công nghệ đang trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống.
AI, Big Data, 5G, IoT, tự động hóa,... được đánh giá là những xu hướng công nghệ mới trong năm nay. Đại dịch Covid-19 được xem là phép thử nhưng cũng là cú huých thúc đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ.
Ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch CLB Khởi nghiệp công nghệ số Việt Nam (VDI). |
Theo Chủ tịch CLB Khởi nghiệp công nghệ số Việt Nam, trong đại dịch Covid-19, làn sóng đầu tư vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trên thế giới và tại Việt Nam vẫn đang bùng nổ. Để nắm bắt cơ hội thúc đẩy nhanh và mạnh hơn nữa việc đầu tư công nghệ, Việt Nam cần sớm hoàn thiện nền tảng pháp lý để mở đường và khuyến khích đầu tư, xây dựng, kết nối nguồn lực trong nước cũng như quốc tế.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Đào Quang Bính - Trưởng ban Phát triển thị trường TECHFEST 2021 cho biết, với lợi thế về dân số trẻ và sự cởi mở với công nghệ số, Việt Nam có nhiều tiềm năng trong việc ứng dụng và thúc đẩy các xu hướng công nghệ tiên phong như AI, Blockchain, robot…
Báo cáo Tiềm năng kinh tế số Việt Nam cho thấy, nếu tận dụng tối đa, công nghệ số có thể đem lại hơn 1,7 triệu tỷ đồng (tương đương 74 tỷ USD) cho Việt Nam vào năm 2030. Khoản tiền này tương đương 27% GDP Việt Nam trong năm 2020.
Các lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất là sản xuất, nông nghiệp và thực phẩm, giáo dục và đào tạo. Để các công nghệ số thực sự phát triển mạnh, mang lại sức bật lớn cho nền kinh tế, các dòng vốn đầu tư sẽ đóng vai trò then chốt.
Xuất hiện ngày càng nhiều hơn các startup Việt tham gia vào những lĩnh vực công nghệ cao như AI, dữ liệu lớn. |
Theo số liệu thống kê từ Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học & Công nghệ), trong năm 2021, đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam đã có mức tăng trưởng vượt bậc, đạt hơn 1,3 tỷ USD.
Trong đó, nhiều lĩnh vực đang rất nóng, thu hút sự đầu tư mạnh mẽ là công nghệ tài chính (FinTech), game, giáo dục, y tế, thương mại điện tử. Hiện đã có hơn 200 quỹ đầu tư đang hoạt động ở Việt Nam với hơn 100 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, cơ sở ươm tạo. Hệ sinh thái của Việt Nam đã có sự bứt phá và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN (sau Singapore và Indonesia).
Theo ông Đào Quang Bính, những thông số này cho thấy những tín hiệu tích cực về nguồn vốn đang chảy vào các startup, các công ty công nghệ. Tuy nhiên, nếu xét về tiềm năng, Việt Nam vẫn có thể thu hút thêm nguồn vốn đầu tư nhiều hơn nữa từ khắp nơi trên thế giới.
Theo ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học & Công nghệ), trong năm qua Vinasa đã hình thành nên một mạng lưới nhà đầu tư thiên thần và tổ chức các sự kiện để kết nối, huấn luyện, đào tạo các startup. Đây chính là cơ hội để các startup Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực CNTT, phần mềm tiếp cận với đội ngũ tư vấn và các nhà đầu tư.
Thay mặt Ban điều hành Đề án 844, đại diện Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ hy vọng những sáng kiến và hoạt động kết nối đầu tư sẽ được tổ chức nhiều hơn nữa để thúc đẩy mối quan hệ giữa startup Việt Nam với giới đầu tư trong nước, khu vực cũng như quốc tế nhằm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp.
Lan Anh