Ngày 10/12, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 40 năm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, sự ra đời của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 – “Hiến pháp về biển và đại dương” – là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển tiến bộ của luật pháp quốc tế nói chung và luật biển quốc tế nói riêng. Trong 40 năm qua, Công ước luôn đóng vai trò là khuôn khổ pháp lý quốc tế toàn diện và đầy đủ, là cơ sở pháp lý cho mọi hoạt động quản lý và sử dụng biển và đại dương.

Nhà giàn DK1. Ảnh: Đoàn Bổng

Với tinh thần thượng tôn pháp luật, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, là thành viên tích cực của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam luôn đề cao tôn chỉ, mục tiêu và các nguyên tắc của Công ước, nghiêm túc tuân thủ và thực thi Công ước, kiên trì giải quyết các bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Phó phát ngôn cho biết, Việt Nam đã tích cực tham gia, đóng góp nhiều sáng kiến cho các hoạt động trong khuôn khổ các thiết chế được thành lập theo Công ước, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Việt Nam cũng đẩy mạnh hoàn hiện hệ thống pháp luật trong nước về quản lý và sử dụng biển trên cơ sở phù hợp với Công ước; thúc đẩy hợp tác quốc tế trên biển trên cơ sở quy định của Công ước và các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc năm 2015.

"Việt Nam nhấn mạnh, các quốc gia cần tiếp tục tôn trọng và thực thi đầy đủ các nghĩa vụ của mình theo Công ước và luật pháp quốc tế, cùng nhau hợp tác, đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, trật tự pháp lý trên biển, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, thúc đẩy phát triển bền vững biển và đại dương", Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao chia sẻ.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thông qua Công ước Liên Hợp Quốc năm 1982 về Luật Biển, đêm 8/12, giờ Việt Nam, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã tổ chức phiên họp đặc biệt kỷ niệm dấu mốc này.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres khẳng định, 40 năm trước, với UNCLOS, thế giới đã có một bước đi lớn lao, giúp đặt các đại dương, biển cả dưới sự quản lý có trật tự, góp phần vào bảo vệ môi trường biển, phân định các vùng biển, giải quyết tranh chấp. Tổng Thư ký nhấn mạnh, kỷ niệm 40 năm UNCLOS là dịp để nhắc nhở chúng ta cần sử dụng văn kiện thiết yếu này để xử lý những thách thức.

Tổng Thư ký Antonio Guterres phát biểu tại phiên họp của Đại Hội đồng, ngày 8/12. Ảnh: THX/TTXVN

Thay mặt cho hơn 40 nước thành viên của Nhóm bạn bè của Công ước, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đồng tình với quan điểm của Tổng Thư ký. Đại sứ nhấn mạnh, với những vấn đề cấp bách hiện nay, tất cả các quốc gia đều phải tuân thủ nghĩa vụ theo Công ước, còn với các tranh chấp trên biển thì giải quyết bằng biện pháp hòa bình và luôn tôn trọng các cơ chế, tiến trình của UNCLOS là điều tiên quyết.

Việt Nam cùng với Hy Lạp, Ai Cập và Senegal đồng tổ chức hội thảo nhân 40 năm thông qua UNCLOS. Tham gia có các diễn giả uy tín, các chuyên gia pháp lý quốc tế và Việt Nam cùng bàn luận về 3 vấn đề: Những thành tựu của Công ước, vấn đề mực nước biển dâng và mối liên hệ giữa UNCLOS với Mục tiêu phát triển bền vững.

Trải qua 40 năm, UNCLOS đã thể hiện rõ vai trò của mình như một khuôn khổ pháp lý toàn diện, cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả. Giai đoạn tới, với những quy định tiến bộ, UNCLOS còn được kỳ vọng sẽ đóng góp vào quá trình giúp các nước thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững số 14 của Liên Hợp Quốc về quản trị biển và đại dương một cách bền vững, hướng tới tương lai.