Một tuần thêm 2 tỷ phú USD
Phiên giao dịch cuối tuần 22/5 tiếp tục chứng kiến sự bứt phá của cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát. Cổ phiếu HPG tăng thêm 2,8% lên 27.250 đồng/cp và đây là phiên tăng mạnh thứ 5 liên tiếp của cổ phiếu này.
Tính trong 7 tuần qua, cổ phiếu HPG của ông Trần Đình Long đã tăng 68% từ mức 16.200 đồng/cp ghi nhận hôm 27/3 lên mức như hiện tại. Với cú bứt phá ngoạn mục này, chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HPG) ông Trần Đình Long chính thức trở lại danh sách các tỷ phú USD của Forbes với tài sản tính tới hết 22/5/2020 tròn 1 tỷ USD.
Ông Trần Đình Long trở lại danh sách tỷ phú USD của Forbes. |
Cũng giống như HPG, cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan gần đây cũng tăng vọt, từ 52.000 đồng/cp hồi đầu tháng 4 lên mức 62.000 đồng/cp như hiện tại. Cổ phiếu tăng mạnh giúp chủ tịch Nguyễn Đăng Quang ngay đầu tuần cũng trở lại danh sách Forbes với tài sản tròn 1 tỷ USD.
Như vậy, chỉ trong vòng 1 tuần, Việt Nam ghi nhận thêm 2 tỷ phú USD, nâng tổng số tỷ phú USD trên TTCK Việt Nam lên con số 6, bao gồm ông Phạm Nhật Vượng chủ tịch Vingroup (6 tỷ USD), bà Nguyễn Thị Phương Thảo CEO VietJet (2,3 tỷ USD), gia đình ông Trần Bá Dương Thaco (1,5 tỷ USD) và chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh 1,2 tỷ USD.
Sở dĩ ông Trần Đình Long và ông Nguyễn Đăng Quang ghi nhận khối tài sản tăng vọt và lọt top những tỷ phú USD giàu nhất trên thế giới là nhờ kết quả kinh doanh của Tập đoàn Hòa Phát và Tập đoàn Masan ấn tượng ngay giữa đại dịch.
Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận thị phần thép tăng vọt, doanh thu tăng mạnh, lợi nhuận lên cao nhờ khu liên hợp Dung Quất đã đi vào vận hành thương mại và sắp tới chuẩn bị ra thêm sản phẩm mới, giúp HPG khẳng định vị trí số 1, vị trí “vua thép” trên thị trường thép xây dựng Việt Nam.
HPG gần đây còn mở rộng sang lĩnh vực nông nghiệp với cú bứt phá ngoạn mục ở mảng chăn nuôi, một phần nhờ giá thịt lợn ở mức cao.
Ngoài ra, danh sách này có thêm ông Nguyễn Đăng Quang |
Còn với Masan, những thành công trong sản xuất hàng tiêu dùng là khá rõ ràng. Masan hiện có thị phần áp đảo trong mảng nước chấm, mì gói, tương ớt,... Tập đoàn này còn bật lên với thương hiệu thịt lợn sạch MeatLife.
Cú hợp nhập chuỗi bán lẻ Vinmart/Vinmart+ (thuộc VinCommerce) cũng mang lại triển vọng cho Masan khi hỗ trợ cho những mặt hàng tiêu dùng nhanh truyền thống của tập đoàn.
Cơ hội cho DN Việt Nam bứt phá
Việt Nam đã làm nên điều khác biệt khi khống chế thành công dịch bênh. Dù vây, trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp các ngành nghề chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong số ít các nước chỉ phải đóng cửa nền kinh tế trong thời gian ngắn và mở cửa trở lại khá sớm.
Một số ngành còn gặp khó như du lịch; hàng không; dệt may da giày, thủy sản,... Tuy nhiên, ngay cả các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khó khăn nhất cũng đã có những giải pháp cho mình.
Doanh nghiệp du lịch đẩy mạnh khai thác thị trường trong nước, còn các doanh nghiệp thủy sản tìm kiếm thêm các thị trường mới thay thế. Điều đáng nói, không ít doanh nghiệp đã bứt phá đi lên như trường hợp HPG, MSN hay nhiều doanh nghiệp tầm trung khác. Khi tình hình bệnh dịch ổn định trở lại, cơ hội bứt phá là rất lớn.
Trong tháng 4, Việt Nam cách ly toàn xã hội 3 tuần nhưng sản lượng thép xây dựng của HPG vẫn tăng 13,8% so với cùng kỳ và ghi nhận lượng xuất khẩu 180.000 tấn phôi sang Trung Quốc. Diễn biến này cho thấy, sức cạnh tranh của HPG đã cải thiện đáng kể.
Số lượng tỷ phú Việt tăng nhanh và còn nhiều người chưa được xếp hạng. |
Cũng trong tháng 4 vừa qua, Đường Quảng Ngãi đã chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức với tỷ lệ 15%, tương đương khoảng 530 tỷ đồng.
Mảng bán lẻ ghi nhận sự phát triển đột biến là nhờ vào sự tăng trưởng của thương mại điện tử. Tiki ghi nhận số đơn hàng đạt kỷ lục 4.000 đơn hàng/phút, trong khi đó Saigon Co.op và SpeedL cũng chứng kiến tốc độ tăng theo cấp số nhân.
Một số DN dệt may gặp khó nhưng lại chứng kiến doanh thu nội địa trong quý 1 tăng vọt nhờ sản xuất khẩu trang, như trường hợp CTCP Y tế Danameco (DNM), Tập đoàn Dệt may (Vinatex)...
Nhóm DN dược, thực phẩm, DN hóa chất,... chứng kiến doanh thu và lợi nhuận tăng đáng kể như trường hợp Dược Hậu Giang (DHG), Dabaco (DBC), Bột giặt Lix (LIX)...
Ở mảng bất động, theo SCMP, thị trường địa ốc Việt Nam sẽ sớm đón cú hích mới hậu Covid-19, làn sóng đầu tư mới được dự báo sẽ xuất hiện sau dịch khiến tập trung sản xuất ở Trung Quốc lộ rõ rủi ro.
Theo báo cáo của JLL, tỷ lệ lấp đầy ở các khu công nghiệp tại Hà Nội và Hải Phòng trong quý 1/2020 tăng 2% so với cuối năm 2019 lên mức trung bình 72%. Khi các doanh nghiệp nước ngoài tới Việt Nam đầu tư thì nhu cầu về chỗ ở cũng sẽ tăng theo, đây là yếu tố tích cực cho phân khúc bất động sản nhà ở.
Ở mảng du lịch, những ảnh hưởng tiêu cực là rõ nét. Lượng khách quốc tế sụt giảm nghiêm trọng và dự báo phải đến đầu 2021 mới đông trở lại do các nước hạn chế xuất nhập cảnh. Tuy nhiên, thành công trong cuộc chiến chống Covid-19, theo COO Indochina Capital, giúp Việt Nam có lợi thế so với nhiều nước, trong đó có Thái Lan, trong việc thu hút khách du lịch, nhất là khách Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, New Zealand,...
Còn theo Reuters, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để hồi kinh tế sớm hơn rất nhiều so với phần lớn quốc gia khác và chắc chắn sẽ có vị thế cao trong con mắt của các nhà đầu tư sau Covid-19. Dòng vốn đầu tư nước ngoài được dự báo sẽ đổ vào Việt Nam, nhất là trong xu hướng các nhà sản xuất quốc tế tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc.
Sự phát triển mạnh mẽ của các DN, với nhiều tập đoàn đã trở thành các đế chế lớn trong nước và khu vực, giúp Việt Nam lọt top 2 nước có tốc tăng trưởng người siêu giàu nhanh nhất thế giới trong 10 năm qua. Số người siêu giàu ở Việt Nam dự báo còn tăng mạnh.
V. Hà