Tại hội nghị "Cải cách quy định hành chính: Chìa khóa thực thi thành công EVFTA", diễn ra sáng 30/6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Mai Tiến Dũng cho biết, nửa đầu năm 2020, Chính phủ tiếp tục cắt giảm 239 điều kiện kinh doanh.
Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã cắt giảm 3.893 trên tổng số 6.191 điều kiện kinh doanh; cắt giảm 6.776 trên tổng số 9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30 trên tổng số 120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành.
Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa ước tính khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.
Theo EuroCham, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh. |
Việc giải quyết thủ tục hành chính được cải thiện và dịch vụ công qua triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông nhận được nhiều phản hồi tích cực. Đặc biệt, Cổng Dịch vụ công quốc gia sau hơn 6 tháng đi vào hoạt động, đến nay đã tích hợp, cung cấp 725 dịch vụ công trực tuyến (tăng 90 lần so với thời điểm khai trương và 4,5 lần so với 3 tháng trước). Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó, riêng Cổng Dịch vụ công quốc gia đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm.
Ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cho rằng, khi EVFTA (Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu) có hiệu lực vào tháng 8/2020, một trong những yếu tố hàng đầu là tiếp tục thúc đẩy những tiến bộ tích cực trong cải cách hành chính, hợp lý hóa các điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư và hiện đại hóa khung pháp lý.
Đặc biệt, cơ quan thẩm quyền của Việt Nam, EU và các DN cần tiếp tục thực hiện những giải pháp để bảo đảm tính hiệu quả thực thi, trong đó có việc thành lập Hội đồng DN của EVFTA để xem xét các thách thức trong quá trình triển khai và phối hợp giải quyết.
Theo Chủ tịch EuroCham, trong khi các nền kinh tế khác trên thế giới còn đang phải vật lộn với tác động của đại dịch Covid-19, Việt Nam có “cơ hội vàng” để tận dụng EVFTA và thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ EU, những DN đang tìm kiếm thị trường mở, cạnh tranh và thân thiện.
EuroCham đánh giá Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh, đầu tư trong nước, từ đó trở thành một thị trường hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư. Chi phí kinh doanh thấp, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, tầng lớp trung lưu tăng vọt và môi trường thuận lợi đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.
Những cải cách vừa qua chưa làm hài lòng các DN. |
Hiệp hội này nhận định, trong vài thập kỷ tới, Việt Nam được kỳ vọng là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hàng năm ước tính là 5% trong giai đoạn 2014 đến 2050. Nhu cầu trong nước tăng cao, tỷ lệ thất nghiệp thấp và xuất khẩu mạnh nhờ vào dòng vốn FDI. Tất cả những yếu tố đó sẽ đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 20 trên thế giới và thứ 10 châu Á vào năm 2050.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh. Việt Nam hiện đứng thứ 70 trong số 190 quốc gia trên toàn thế giới trong bảng xếp hạng Mức độ Dễ dàng Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới 2020, giảm một bậc so với năm 2019. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp thứ 5 nhưng khoảng cách còn khá xa so với Thái Lan, Malaysia.
Ông Ngô Hải Phan, Phó Chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tương Chính phủ, nhận xét, những cải cách vừa qua chưa làm hài lòng các DN. Vẫn còn nhiều rào cản gây khó khăn cho DN, nhất là các vấn đề nhiều bộ ngành và địa phương cùng quản lý, có hướng dẫn không nhất quán. Sắp tới, sẽ tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa 20% thủ tục hành chính nữa, ngăn chặn việc ban hành quy định mới là rào cản gây khó khăn cho DN và người dân.
Tại Hội nghị, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương đã nghe và thảo luận xoay quanh 17 nhóm vấn đề khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp châu Âu (nhóm ngành dược phẩm, trang thiết bị y tế, sở hữu trí tuệ, lao động, thực thi pháp luật, thực phẩm, nông nghiệp, công nghiệp ô tô, xe máy, công nghệ số, thuế và chuyển giá, du lịch - khách sạn,... ) liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước và giải quyết công việc của các Bộ, ngành, cơ quan. Hầu hết các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp đều xuất phát từ thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đối thoại được tổ chức kết hợp với Lễ ra mắt Sách Trắng EuroCham - ấn bản lần thứ 12. Đây là báo cáo thường niên của EuroCham, trong đó tổng hợp các vấn đề quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của 17 tiểu ban ngành nghề thuộc EuroCham, cùng với kiến nghị mà Chính phủ có thể thực hiện nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường thương mại và đầu tư với Liên minh châu Âu. |
Trần Thủy