Hai tập đoàn này đều mong sớm được triển khai cung cấp chính thức dịch vụ 4G trên băng tần 1800 MHz trong năm 2016.

Các kiến nghị này được đưa ra tại Hội thảo chuyên đề "Thiết lập hệ sinh thái năng động, sáng tạo cho sự phát triển bền vững của hạ tầng” của Bộ TT&TT sáng nay, 17/5.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm phát biểu khai mạc Hội thảo sáng 17/5. Ảnh: T.Hương

Có thể nói, 4G là mối quan tâm chung của các doanh nghiệp viễn thông trong nước tại thời điểm này. Đại diện Tập đoàn VNPT kiến nghị băng tần 700 MHz (đang dành cho truyền hình và dự kiến sẽ được thu hồi sau khi tiến hành xong Đề án số hóa truyền hình toàn quốc đến năm 2020 để dành cho di động) có thể sẽ được thu hồi sớm hơn ở một số địa phương thuộc giai đoạn 1, 2 của Đề án. Và vì thế, cũng có thể được cấp phép triển khai sớm hơn, không nhất thiết phải đợi đến sau năm 2020 như kế hoạch đề ra. 

"Rất mong Bộ TT&TT có thể thông báo kế hoạch trước cho doanh nghiệp để doanh nghiệp chuẩn bị kế hoạch triển khai một cách chủ động", đại diện Tập đoàn đề xuất.

Đồng thời, VNPT cũng tỏ ra sẵn sàng với 4G khi đề xuất Bộ cho phép triển khai 4G trên băng tần 1800 MHz (vốn là băng tần 2G tái phân bổ cho 4G) ngay sau khi có kết quả thử nghiệm. Hiện VNPT đang thử nghiệm 4G trên băng tần này ở TP.HCM và Phú Quốc.

Về phần Viettel, ông Nguyễn Việt Dũng, TGĐ Viettel Telcom một lần nữa đề xuất Bộ TT&TT sớm cấp phép 4G trong năm 2016 khi nhấn mạnh, 40% tổng lượng thuê bao di động trong nước đã thực sự sử dụng 3G và Việt Nam là "một trong số ít các nước còn lại chưa triển khai 4G chính thức".

Theo như phân tích của đại diện Viettel, với sự phát triển của công nghệ thì các vai trò thu thập thông tin người dùng, hay thanh toán của doanh nghiệp viễn thông ngày một suy giảm. Chẳng hạn như về cơ sở dữ liệu thông tin người dùng, nhà mạng không thể so sánh được với những trang như Google hay Facebook. Tương tự, hàng tỷ ứng dụng trên Apple App Store đang được bán mà không liên quan chút nào đến nhà mạng. "Doanh nghiệp viễn thông không còn độc quyền trong những lĩnh vực này như trước nữa, mà chỉ còn ưu thế chính về hạ tầng. Với các lĩnh vực ngoài hạ tầng thì doanh nghiệp viễn thông phải chấp nhận cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp khác, kể cả những start-up chỉ có vài ba người", ông Dũng thừa nhận thực tế.

Trong mối quan hệ tương quan đó, thì một cơ chế chia sẻ lợi ích ra sao được cho là phù hợp? Theo ông Dũng, cơ chế đó cần được dựa trên những lợi ích chung, chẳng hạn như một hạ tầng mạnh mẽ và một nền tảng thanh toán tiện lợi cho khách hàng. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh chung cần đảm bảo bản quyền sở hữu trí tuệ để khuyến khích các doanh nghiệp sáng tạo nội dung, ứng dụng mới.

{keywords}
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: T.H

Tại hội thảo, đại diện Cục Viễn thông đã nêu ra nhiều số liệu phác thảo bức tranh hạ tầng băng rộng tại Việt Nam hiện nay, như đang có 120 triệu thuê bao điện thoại di động phát sinh cước, thuê bao băng rộng tăng trưởng 15 – 20%/năm, băng thông kết nối đạt 1400Mb/s, doanh thu viễn thông năm 2015 đạt 340.000 tỷ đồng.

Theo như Mục tiêu của Chương trình Xây dựng chiến lược phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng đến 2020 thì Việt Nam sẽ có ít nhất 40% số hộ gia đình (hoặc thuê bao cá nhân) trên cả nước được tiếp cận, sử dụng băng rộng cố định; tối thiểu 95% khu vực dân cư được phủ sóng 3G/4G...

Cục Viễn thông nhấn mạnh, quan điểm của cơ quan quản lý đối với việc phát triển hạ tầng băng rộng là thúc đẩy cạnh tranh hơn nữa, coi dịch vụ truy cập Internet băng rộng là một dịch vụ phổ cập và chuyển dần từng bước từ tiền kiểm sang hậu kiểm để tạo sự chủ động, linh hoạt cho các doanh nghiệp. Đối với 4G, Cục xác định đây cũng chỉ là một dịch vụ cung cấp tốc độ cao hơn so với 3G, nhưng sẽ tạo điều kiện cho một số dịch vụ đòi hỏi tốc độ rất cao như IoT, giao thông thông minh, thành phố thông minh. Do đó, yêu cầu khi các doanh nghiệp viễn thông cung cấp 4G tại Việt Nam là phải tạo ra một môi trường mới, thúc đẩy cạnh tranh và khuyến khích các dịch vụ mới, đa dạng...

Trước đó, tại cuộc làm việc với các Cục Viễn thông và Cục Tần số mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã yêu cầu hai đơn vị này sớm xây dựng phương án cấp phép 4G trên băng tần 1800 MHz trong năm 2016, do sở cứ pháp lý và điều kiện đều đã sẵn sàng. Riêng với việc cấp phép 4G trên băng tần 2600 MHz, hai Cục cần nghiên cứu, xây dựng phương án, tính toán thời điểm phù hợp và khả thi nhất, trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dùng.

T.C