Nông dân và nền nông nghiệp của chúng ta phải bất đắc dĩ làm “nghĩa vụ quốc tế về an ninh lương thực” do sự khiếm khuyết của thể chế quản lý và lạc hậu về công nghệ trong thời đại toàn cầu hóa.

Xem lại Kỳ 1: ‘Cột thu lôi’ giữ Việt Nam ổn định

LTS: Kỳ 1 Tọa đàm đã chỉ ra vai trò tiên phong của nông nghiệp trong Đổi mới, cũng như những thành tựu đạt được. Trong Kỳ 2, các chuyên gia sẽ chỉ ra những thách thức mà nền nông nghiệp và người nông dân của chúng ta phải đối mặt.

Hai khách mời của Tọa đàm bao gồm:

- TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, chuyên gia chính sách nông nghiệp.

- PGS.TS Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng trường đào tạo cán bộ quản lý nông nghiệp nông thôn, chuyên gia nông nghiệp.

Có “cởi trói”, chưa có “thúc đẩy”

Nhà báo Duy Chiến: Nông nghiệp là trụ đỡ cho sự ổn định xã hội, giúp VN trụ vững qua các cuộc khủng hoảng nhưng hiện chúng ta đang phải đối diện với thách thức chưa xử lý được. Hàng năm điệp khúc “được mùa mất giá” hành hạ người nông dân, dai dẳng đeo bám từ đồng ruộng cho tới nghị trường. Theo các ông, vì sao SXNN của ta lại rơi vào vòng xoáy lẩn quẩn đó?

{keywords}
TS Đặng Kim Sơn. Ảnh: Tuổi trẻ

TS. Đặng Kim Sơn: Những chuyện dưa hấu, vải, gạo và nhiều thứ nông sản khác không bán được đã thành chuyện thường xuyên. Nông sản của chúng ta làm ra rất tốt, nhưng chỉ tốt về số lượng, nên khó có khả năng cạnh tranh và khó mở ra thị trường mới.

SXNN của ta đang rơi vào cái vòng quẩn quanh như thế này. Sản xuất càng tăng thì giá càng giảm vì cung vượt cầu. Nông sản nào cũng vậy, không phải chuyển từ cây nọ sang cây, con nọ sang con kia là thoát được. Sản xuất của ta thừa không phải vì thị trường không cần mà tại cái thị trường mới cần thì ta không có. Còn những thị trường phù hợp với nông sản của ta thì ta đã vào 30 năm nay rồi.

Đó là chưa kể hiện nay đã xuất hiện thêm nhiều nước xuất khẩu nông sản như Campuchia, Myanmar, Pakistan… Họ đang đi vào thị trường truyền thống của ta và cạnh tranh với ta quyết liệt.

Giờ muốn chuyển sang thị trường mới thì cần có lực. Câu chuyện đặt ra lúc này là “Đã đến lúc phải chuyển sang một một nền nông nghiệp khác” mà chúng ta đang gọi là “tái cơ cấu SXNN”.

{keywords}
PGS.TS Vũ Trọng Khải. Ảnh: Duy Chiến

PGS.TS Vũ Trọng Khải: Chúng ta đang phải chứng kiến, đối diện với thực trạng nông nghiệp đang vào đà suy thoái. Sản xuất không đủ sống, nông dân bỏ ruộng, ra thành phố làm bất cứ việc gì, thậm chí không cần kỹ năng mà chỉ cần cơ bắp vẫn có thu nhập cao hơn làm nông. Tuy nhiên, đời sống của người nông dân mưu sinh ở các đô thị, khu công nghiệp lại rất bấp bênh, mức sống nghèo khổ.

Ở nước ta, dân số sống bằng nghề nông chiếm 70% dân số cả nước. 57% lực lượng lao động xã hội làm việc trong ngành nông nghiệp, nhưng chỉ tạo ra chưa đầy 20% GDP. Do đó, họ cũng chỉ được hưởng lợi trong khuôn khổ con số đó. GDP bình quân đầu người ở khu vực nông thôn chỉ 200 USD so với bình quân cả nước là 1.600 USD/người.

Theo kết quả điều tra của Viện Chiến lược và Chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, thu nhập bình quân của một hộ nông dân với bốn nhân khẩu là 60.000 đồng/ngày, dưới mức nghèo khổ. Có tới 47,4% hộ nông dân không hài lòng với cuộc sống hiện tại; 50% hộ phải vay nợ, trong đó chỉ có 13% hộ được vay ngân hàng. Còn lại 87% phải vay nặng lãi của tư nhân. Mức tiết kiệm hàng năm chỉ đạt 5–8 triệu đồng/hộ. Trong đó 80% tiết kiệm dùng để phòng ngừa rủi ro.

Như thế, cái vòng luẩn quẩn cứ tiếp diễn, lặp đi lặp lại. Năng suất thấp thì thu nhập thấp, thu nhập thấp thì tiết kiệm ít, tiết kiệm ít thì đầu tư nhỏ, đầu tư nhỏ thì năng suất thấp…

Như vậy, những thành tựu của nông nghiệp, vai trò to lớn của nông nghiệp như là “trụ đỡ”, trở thành bức bình phong che khuất những nỗi cơ cực của nông dân. Họ đã phải hi sinh quá nhiều.

Theo tôi, Đổi mới nông nghiệp thực ra là sự “cởi trói” đã giúp cho tiềm năng sẵn có phát huy. Giống như chiếc lò xo bị nén chặt, giờ thả ra thì nó bung lên và cũng chỉ bung hết cỡ để trở về trạng thái ban đầu vốn có của nó chứ không thể hơn được nữa. Nói cách khác, sự “cởi trói” thay đổi thể chế kinh tế của Chỉ thị 100 và Nghị quyết 10 sau một thời gian đã “hết thiêng”, vì không thể tạo ra khả năng phát triển về chất.

Đi sâu vào bên trong, có thể thấy chúng ta có chính sách “cởi trói” nhưng chưa có chính sách thực sự “thúc đẩy”. Chính sách “thúc đẩy” hoàn toàn khác với “cởi trói”. Nó có vai trò đưa sự phát triển lên tầm mới, nâng cao chất lượng, tăng tính cạnh tranh, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Vì vậy, chính sách “thúc đẩy” phải được hoạch định có căn cứ khoa học và thực tiễn, đòi hỏi nhà hoạch định chính sách không chỉ có lương tâm và lòng dũng cảm, điều quan trọng hơn là phải có trí tuệ. Thực tiễn luôn thay đổi và phát triển, chính sách cũng phải thay đổi để thích ứng. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, họ phải hiểu các quy định của WTO và thông lệ quốc tế. Sau nữa là năng lực thực thi chính sách của bộ máy công quyền và đội ngũ công chức.

Mặt khác, lương tâm và lòng dũng cảm của nhà hoạch định chính sách thể hiện ở chỗ không bị các nhóm lợi ích cục bộ vận động hành lang chi phối, dẫn đến việc hy sinh lợi ích nông dân.

Thực trạng hoạch định và thực thi chính sách của chúng ta thời gian qua so với yêu cầu nói trên đang yếu và thiếu, mang nặng tính xử lý tình huống và bị động.

Thiếu nông dân sản xuất lớn

Nhà báo Duy Chiến: Thưa PGS.TS Vũ Trọng Khải, ông đã có những công trình nghiên cứu về phát triển nông nghiệp và nông thôn. Nếu nói một cách ngắn gọn, ông có thể nêu cái thiếu nhất hiện nay của nền nông nghiệp nước ta?

PGS.TS Vũ Trọng Khải: Với quy mô sản xuất nhỏ như hiện nay, bình quân mỗi hộ gia đình chỉ 0,8 ha, kỹ thuật canh tác, nền nông nghiệp với các yếu tố cấu thành như vậy, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ và trang thiết bị sản xuất ở đầu vào đầu ra đều lạc hậu. Nghề nông vẫn là nghề “cha truyền con nối”, “lão nông tri điền”. Chế biến và buôn bán vẫn như xưa, không liên kết với sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng. Nền kinh tế nói chung và nền nông nghiệp nói riêng đang tham gia chuỗi giá trị toàn cầu trong thế yếu.

Do vậy, giá trị gia tăng thấp, càng hội nhập sâu vào thị trường toàn cầu, nền nông nghiệp càng mang lại hậu quả xấu về KT-XH và môi trường, nông dân đã nghèo lại càng nghèo. Vô tình, Việt Nam chúng ta, trước hết là nông dân đang “bù lỗ” cả về giá và “phí môi trường” cho người dân các nước nhập khẩu gạo và nông sản của Việt Nam. Điều này khiến cho càng xuất khẩu gạo càng nghèo, môi trường càng ô nhiễm, tài nguyên càng cạn kiệt. Nông dân và nền nông nghiệp của chúng ta phải bất đắc dĩ làm “nghĩa vụ quốc tế về an ninh lương thực” do sự khiếm khuyết của thể chế quản lý và lạc hậu về công nghệ trong thời đại toàn cầu hóa.

Vì sao chúng ta rơi vào tình thế này? Có nhiều nguyên nhân. Về tầm vĩ mô, sau thời gian gia nhập WTO, chúng ta không tận dụng được lợi thế của hội nhập thế giới. Trái lại, còn bị tác động tiêu cực của toàn cầu hóa.

Ở tầm vi mô, nguyên nhân quan trọng, là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân” là chúng ta đang thiếu những “nông dân lớn” và quản trị nông nghiệp một cách chuyên nghiệp. Nói cách khác, thể chế của chúng ta chưa hình thành nên đội ngũ nông dân chuyên nghiệp sản xuất lớn. 

Cứ hình dung như thế này sẽ thấy rõ. Anh nông dân với 5–7 công đất thì anh ta không cần hợp tác, không thể gắn kết với DN để tham gia chuỗi ngành hàng “từ đồng ruộng, trang trại đến bàn ăn”. Vì quá nhỏ bé, anh nông dân này không cần đến tín hiệu thị trường mà chỉ nghe lời thương lái. Quan trọng hơn, quy mô 5–7 công đất thì không thể ứng dụng tốt nhiều tiến bộ KHKT vào sản xuất.

{keywords}
Một cánh đồng mẫu lớn tại Đồng Tháp. Ảnh: Văn Trị

Nhà báo Duy Chiến: Như các ông vừa nêu, càng làm càng lỗ, càng xuất khẩu gạo chúng ta càng thiệt hại. Vậy tại sao chúng ta vẫn tiếp tục sản xuất gạo, vẫn tiếp tục xuất khẩu gạo hàng năm 6–7 triệu tấn?

TS. Đặng Kim Sơn: Đầu tiên phải thấy thế này, bản thân sản xuất gạo là một lợi thế quan trọng của VN. Đặc biệt là ở ĐBSCL, có những tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ… có lợi thế sản xuất gạo khó đâu sánh bằng. Vựa lúa lớn ĐBSCL không phải của VN mà còn là vựa lúa lớn của thế giới. Hiếm có nơi nào có lợi thế cạnh tranh về gạo tốt như ở ĐBSCL.Trong tương lai khi biến đổi khí hậu ngày một khốc liệt hơn thì vựa lúa ĐBSCL càng quý giá hơn.

Tuy nhiên, xét về hiệu quả kinh tế thì chúng ta cần phải tính toán lại. Lâu nay chúng ta chưa tính đến giá của môi trường. Lúa nước là loại cây rất tốn đất, tốn nước. Lúa còn là một trong những loại cây tạo ra chất thải carbon lớn. Nếu tính tất cả những thứ đó quy thành tiền thì sản xuất lúa nước không đem lại lợi nhuận cao. Thật sự ở các nước khác, chính phủ họ trợ cấp rất nhiều cho cây lúa nước, bởi đây được coi là cây chính trị hơn là cây kinh tế. Muốn ổn định XH, tạo ra việc làm cho người sản xuất và đảm bảo an ninh lương thực cho người nghèo thì trồng lúa chứ ít ai làm giàu từ cây lúa. Kể cả ở Thái Lan và Mỹ, hai nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Một trong những lý do vì sao chúng ta vẫn tiếp tục duy trì sản xuất lúa lớn như vậy là bởi chúng ta có truyền thống sản xuất lúa, một nền văn minh lúa nước lâu đời nhất thế giới. Nhân dân ta làm lúa nước từ bao đời nay, thật sự không dễ gì chuyển đổi sang cây trồng khác một sớm một chiều. Ngay như đồng ruộng bậc thang của đồng bào miền núi, muốn chuyển qua cây trồng khác, câu hỏi đặt ra là trồng cây gì? Tiêu thụ ra sao? Trồng lúa nương còn đem về miền xuôi bán được, chậm bán thì cứ để trong kho. Giờ trồng cây gì để có đặc tính như thế?

Ở Đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL giờ chuyển qua trồng ngô (bắp) quy mô lớn thì nước ta không có lợi thế về ngô, sẽ không dễ gì cạnh tranh với ngô của các nước khác. Và điều đầu tiên là toàn bộ hệ thống cơ giới hóa tưới tiêu thủy lợi… sẽ phải thay đổi lại từ đầu. Trồng lúa ở ĐBSCL là cơ giới hóa 100%, giờ với cây ngô phải thay đổi toàn bộ. Đó là chưa nói đến kho tàng, bảo quản, thị trường.

Bài toán trồng cây gì cho có hiệu quả là quá trình phải có thời gian chuẩn bị giống, kỹ thuật đầu vào, thị trường, kho tàng, chế biến phục vụ đầu ra.

PGS.TS Vũ Trọng Khải: Nếu không làm lúa thì trồng cái gì khác đây ở những vùng như ĐBSCL là bài toán không đơn giản như câu hỏi đặt ra! Nó là cả một hệ thống và phải bắt đầu từ thị trường tới chế biến, và cơ sở hạ tầng khác. Nếu không thì sẽ “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa” tệ hại hơn.

Với nông dân, làm lúa nếu không bán được hoặc giá rẻ thì còn có cái ăn. Các loại cây trồng khác không có được lợi thế như vậy!

{keywords}
Ảnh: Đình Tuấn

Văn minh phong bì “đè” văn minh lúa nước 

Nhà báo Duy Chiến: Trở lại vấn đề gây bức xúc hiện nay, đó là tình trạng “hạt thóc gánh 40 khoản phí”, “quả trứng gà gánh 14 khoản phí”… Tại sao lại có chuyện tréo ngoe như vậy? NN& NT tiên phong Đổi mới, phải tự lực cánh sinh, làm nền tảng cho cả nền kinh tế, vai trò lớn như vậy. Nhà nước đã quan tâm “không lấy gì” của nông nghiệp như ông nói, song tại sao lại sinh ra vô số loại “phí”?

TS. Đặng Kim Sơn: Tôi xin khẳng định, nhà nước lớn không hề muốn như vậy. Nhà nước biết rõ rằng, đóng góp của nông dân không thể nào quyết định cho đất nước tăng thêm nguồn thu ngân sách. Mục tiêu Nhà nước quan tâm là ổn định nông thôn, nông dân.

Nhưng vẫn còn những đơn vị của nhà nước, cụ thể là các cơ quan công quyền có cơ chế cồng kềnh, cán bộ hưởng đồng lương thấp, muốn bày ra quyền lực, tạo ra nhiều “cửa ải”, gây khó dễ để được bôi trơn, có tiền… Song song vào đó là thái độ quan liêu, muốn cấm đoán để dễ kiểm soát, để tránh rủi ro cho quản lý bất kể khó khăn của người sản xuất và người kinh doanh.

Vì thế nên mới có chuyện bỏ giấy phép nọ thì đẻ ra giấy phép kia. Bản thân hệ thống tạo ra sức ỳ, bộ máy quan liêu tạo ra sự cản trở cho lợi ích chung của toàn xã hội. Cho nên không chỉ nhà nước lớn mà toàn dân cũng phải đấu tranh chống lại sự quan liêu trì trệ. Bản thân quá trình Đổi mới cũng phải đương đầu với chuyện này. Đột phá về thể chế là đột phá quan trọng nhất của quá trình tái cơ cấu kinh tế.

Đó là chưa kể, trong cơ chế thị trường chưa hoàn chỉnh như ở nước ta, gặp biến động thì các thế lực quốc tế, bên cạnh những cái tốt, cái tử tế thì cũng có rất nhiều cái xấu, quyền lợi của các dân tộc khác, nhóm lợi ích khác nhân dịp đục nước béo cò trộn lẫn vào.

Nhà báo Duy Chiến: Thưa TS. Vũ Trọng Khải, trên các diễn đàn và tham luận, ông đã nhiều lần đề cập đến việc lợi ích của nông dân và nông nghiệp chưa được quan tâm, chưa được đảm bảo mặc dù chính sách, chủ trương là có. Ông có thể chỉ ra những “chứng cứ” này để giúp cho chính sách hoàn thiện hơn?

PGS.TS Vũ Trọng Khải: Luật Đất đai 1993 chỉ hạn chế quy mô diện tích, tức hạn điền với nông dân nhưng không hạn điền với DN. Thời hạn sử dụng đất cho nông dân chỉ 20 năm đất trồng cây hàng năm. Còn DN được sử dụng ổn định 50–70 năm, tùy dự án. Nghĩa là, cùng một hành vi sử dụng đất để SXNN, kinh doanh thì nông dân bị hạn điền 2-3 ha, thời hạn sử dụng 20 năm, còn DN thì không.

Thế nên mới có chuyện ở có tỉnh xây dựng hàng chục sân golf, khu công nghiệp, khu đô thị. Nông dân bị mất đất, giá thu hồi đất nông nghiệp thấp, có khi vài ha ruộng bị thu hồi không mua nổi căn nhà, họ phải tràn ra đô thị bán sức lao động với đồng lương rẻ mạt, gây quá tải cho thành phố và các đô thị.

Theo Luật Đất đai 1993, nông dân chỉ được đền bù giá trị quyền sử dụng đất theo giá Nhà nước khi bị thu đất cho các nhà đầu tư, không có quyền mặc cả giá. Nhưng khi đất vào tay các nhà đầu tư, Nhà nước cần lấy lại để xây dựng cơ sở hạ tầng, hay cho ai khác thuê lại, đều phải thương lượng bình đẳng, “thuận mua vừa bán” theo cơ chế thị trường!

Ở nước ta đã xuất hiện những đại gia ra đời nhờ “trúng” dự án thu hồi đất của nông dân. Còn nông dân, sau khi mất đất, không có nghề nghiệp, họ chỉ làm những việc nặng nhọc, đơn giản ở đô thị, KCN. Ở các thành phố lớn, họ phải chịu giá sinh hoạt điện, nước cao gấp nhiều lần người đô thị vì là dân nhập cư, “không có hộ khẩu”! Khi đến 35–40 tuổi không còn sức khỏe theo yêu cầu của công nghiệp, quay về nông thôn với hai bàn tay trắng.

Phải chăng các nhà đầu tư đã chi phối được chính sách nên lợi ích của nông dân bị hy sinh như thế?

Nông dân bị mất đất, nhất là những vùng “thượng đẳng điền, bờ xôi ruộng mật” để làm các KCN, sân golf, tạo ra xung đột nghiêm trọng, nhà nước vội ban hành lệnh “cấm” theo kiểu hành chính, xử lý theo cơ chế “xin – cho”. Đây là mảnh đất màu mỡ để sinh ra “văn minh phong bì” đè lên văn minh lúa nước.

Còn rất nhiều chuyện tương tự nhức nhối, khó mà kể hết trong khuôn khổ cuộc trao đổi. Vấn đề lớn ở đây tôi muốn nói là, có rất nhiều chính sách cho NNNT và nông dân cần phải được xem lại.

Quan trọng hơn, tôi nghĩ cần phải xem lại cách công nghiệp hóa hiện nay ở VN. Hãy vào những KCN – KCX hiện nay, chúng ta mới thấy vấn đề nổi cộm nhức nhối này.

Nhà báo Duy Chiến: Thưa TS. Vũ Trọng Khải, theo ông, ở đây đã có những bất cập gì?

PGS.TS Vũ Trọng Khải: Ở các nước, người ta đầu tư các KCN ngoài mục đích phát triển kinh tế còn mục tiêu xã hội là thu hút lao động ở nông thôn, giúp nông dân “ly nông bất ly hương”. Còn ở ta, các KCN mọc lên ở các thành phố lớn, chưa có KCN và đô thị nhỏ ở các vùng nông thôn, tức không có KCN - đô thị vệ tinh.

Thứ hai, các KCN ở ta mới chỉ tạo việc làm chứ chưa tạo đời sống, không gắn với khu dân cư, dân sinh. Người lao động từ nông thôn vào các KCN làm việc, sinh sống tạm bợ. Không có nhà trẻ, trường học, bệnh viện. Nếu có con thì phải gởi về quê cho ông bà nuôi dạy. Như thế thì làm sao họ “an cư lạc nghiệp” được. Ở nơi làm việc, họ sống trong những điều kiện thấp kém.

Vì vậy người nông dân ra đi làm công nhân, nhưng luôn phải chừa lối về bằng cách không dám bán hoặc cho thuê đất nông nghiệp dài hạn. Họ chỉ có thể gửi hoặc cho thuê đất nông nghiệp vài năm để sau khi sức khỏe không cho phép làm việc ở các KCN, họ còn có chốn mà trở về. Họ luôn trong tư thế sẵn sàng “trở về quê” , chia lại công việc vốn đã ít ỏi ở nông thôn.

Mục tiêu rút bớt nhân lực từ nông nhghiệp sang công nghiệp của chúng ta vì thế còn nửa vời, chưa căn cơ. Và cũng vì vậy, nguồn cung đất đai vẫn cứ ở trạng thái nửa vời, nhùng nhằng, cản trở quá trình tích tụ, tập trung đất đai. Ngược lại, càng làm cho đất đai manh mún, đồng ruộng nhỏ bé thêm.

Nông dân là lực lượng chiếm tỷ lệ lớn trong ngành nông nghiệp và dân số nước ta. Họ cần và có thể trở thành lực lượng quan trọng nhất của quá trình phát triển NNNT trong thời kỳ Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước. Nói theo cách chính thống, nông dân phải là chủ thể nhưng nông dân không thể đương nhiên mà trở thành chủ thể của quá trình đó được.

(Còn nữa)

Xem các tọa đàm khác trong mạch bài Nhìn lại 30 năm Đổi mới:

Tọa đàm Đổi mới Giáo dục:

Tọa đàm Đổi mới Doanh nghiệp:

Tọa đàm Đổi mới Thể chế: