Ở bài viết trước, VietNamNet đã chỉ ra hiện trạng của chuyển đổi số Việt Nam thông qua báo cáo của các tổ chức quốc tế và ý kiến của các chuyên gia. Trong bài này, các chuyên gia trong và ngoài nước sẽ đưa ra những giải pháp nhằm giúp Việt Nam tận dụng điểm mạnh, khắc phục điểm yếu để tiến tới xây dựng một quốc gia số.
Những nút thắt để giải bài toán chuyển đổi số Việt Nam
Theo ông Jacques Morisset - Chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý Chương trình Kinh tế Vĩ mô, Thương mại và Đầu tư của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam, để chuyển đổi số thành công, Việt Nam phải có hạ tầng tốt, được bảo trì, nâng cấp và hiện đại hoá liên tục. Việt Nam cũng cần đảm bảo được tốc độ của hạ tầng viễn thông.
“Chúng tôi tin rằng Việt Nam đã làm tốt và sẽ tiếp tục làm tốt vì đó là điều các đơn vị của Chính phủ và khu vực tư nhân đã làm rất tốt trong thời gian qua.”, vị chuyên gia này chia sẻ.
Kết quả khảo sát về mức độ ứng dụng công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện năm 2020. |
Theo chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank, Việt Nam phải mất khoảng 25 năm mới bằng Thái Lan hiện nay về kỹ năng số. Vì vậy Việt Nam phải đi nhanh hơn bằng việc nâng cấp kỹ năng số cho mọi người.
Ông Jacques Morisset cũng cảnh báo tình trạng có thể các doanh nghiệp sẽ ngại bỏ tiền ra để chi trả cho các khoá học của người lao động. Khi người lao động đã được đào tạo xong, có thể họ sẽ chuyển đi chỗ khác cạnh tranh hơn. Vì vậy, Việt Nam có thể rơi vào tình trạng doanh nghiệp không đầu tư, hoặc đầu tư không đầy đủ cho kỹ năng số.
Vị chuyên gia này cho rằng, đó là điều mà chính phủ cần can thiệp nhiều hơn bằng việc trợ cấp cho đào tạo và cung cấp tài chính cho người lao động, doanh nghiệp đào tạo.
Ông Jacques Morisset - Chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý Chương trình Kinh tế Vĩ mô, Thương mại và Đầu tư của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. |
Ưu tiên thứ 2 là khuyến khích doanh nghiệp tiếp thu công nghệ mới. Đây là điều hết sức quan trọng trong chuyển đổi số vì thế giới thay đổi rất nhanh.
Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam cần tới 2 nhóm doanh nghiệp là những nhà tiên phong lớn và các công ty khởi nghiệp. Vì lẽ đó, Chính phủ cần đầu tư nhiều hơn, trợ cấp và tạo động lực để các ngân hàng và thị trường tài chính đầu tư cho khởi nghiệp và nhân tài công nghệ số.
Điều cuối cùng mà vị chuyên gia của World Bank nhấn mạnh là Việt Nam cần đẩy mạnh khả năng truy cập và chất lượng thông tin.
Tựu chung lại, khi gợi mở hướng đi cho chuyển đổi số Việt Nam, ông Jacques Morisset cho rằng 3 giải pháp chính được đề ra là phải có kỹ năng số phù hợp, năng lực đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp và khả năng truy cập và chất lượng cũng như an ninh thông tin. Đây là những yếu tố quyết định xem liệu Việt Nam có thể bắt kịp và vượt các nước khác về chuyển đổi số.
Chuyên gia chuyển đổi số Trần Hữu Quyền. |
Theo chuyên gia chuyển đổi số Trần Hữu Quyền - Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ Công nghiệp Bưu chính Viễn thông (thành viên Tập đoàn VNPT), để chuyển đổi số thành công và mang lại hiệu quả, người dân, người lao động, người quản lý cần có các kỹ năng phù hợp, tạm gọi là “kỹ năng số”. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, kỹ năng số là điều kiện cần nhưng không phải là yếu tố quyết định.
Chuyển đổi số của các tổ chức, doanh nghiệp nói chung, của Việt Nam nói riêng là mới, chưa có tiền lệ, mỗi doanh nghiệp mỗi khác, do đó ông Quyền cho rằng không thể áp dụng một cách máy móc, duy lý trí các mô hình tham chiếu cũng như những kinh nghiệm từ doanh nghiệp khác.
Chính vì vậy, để chuyển đổi số thành công, các doanh nghiệp Việt Nam cần có tính chủ động, sáng tạo trong hoạt động của mình. Nói rộng hơn, năng lực đổi mới sáng tạo là thiết yếu đối với sự tồn tại và phát triển của tổ chức, doanh nghiệp ngày nay trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập toàn cầu.
Chính phủ đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia với 3 trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. |
Bên cạnh đó, để chuyển đổi số thành công, theo ông Quyền, lãnh đạo doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, nhận thức về công nghệ số, về chuyển đổi số, từ đó dẫn tới việc chuẩn bị sẵn năng lực và quyết tâm cam kết thực thi chuyển đổi số.
Ngoài ra, các tổ chức, doanh nghiệp cần nghiêm túc xây dựng lộ trình với các chương trình chuyển đổi số tương ứng cho từng lĩnh vực, từng giai đoạn. Cùng với đó là việc nghiêm túc triển khai từ đầu tư hạ tầng công nghệ, con người cho đến việc điều chỉnh mô hình, quy trình hoạt động sao cho phù hợp.
Việt Nam sẽ chuyển đổi số thành công để trở thành quốc gia số
Từng chia sẻ nhận định về báo cáo mới nhất của World Bank, ông Hoàng Anh Tú - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ TT&TT) khẳng định, chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ là con đường mà Việt Nam đã lựa chọn.
Chính phủ đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia với 3 trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2025 là kinh tế số đóng góp 20% GDP, là 100.000 doanh nghiệp công nghệ số, Việt Nam sẽ là nơi tốt nhất trong khu vực để các doanh nghiệp số tới kinh doanh và thành công, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số.
Theo ông Hoàng Anh Tú, có 2 điều chắc chắn sẽ xảy ra. Điều thứ nhất là chuyển đổi số, công nghệ số sẽ tiếp tục phát triển và điều thứ hai là Việt Nam sẽ vượt qua thách thức đại dịch Covid-19 và sớm trở lại trạng thái bình thường mới.
"Mỗi báo cáo sẽ nhìn nhận con đường đến ngày mai dưới một góc nhìn khác nhau. Nhưng các con đường rồi sẽ dẫn đến một điểm chung, đó là một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.", vị chuyên gia này chia sẻ.
Trọng Đạt
Sự sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam vẫn ở mức thấp
Mỗi báo cáo sẽ nhìn nhận “con đường chuyển đổi số Việt Nam” dưới một góc nhìn khác nhau. Nhưng các con đường rồi cũng sẽ dẫn đến một điểm chung, đó là một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Nhật Bản thành cường quốc công nghệ nhờ giải các ‘bài toán’ trong nước
Vì sao Nhật Bản lại có thể trở thành một cường quốc công nghệ hàng đầu thế giới? Câu trả lời vừa đơn giản, lại vừa phức tạp.