‘Sự đổi mới đang đi đúng hướng’

Nói về những điểm sáng của ngành giáo dục trong năm học vừa qua, đặc biệt là với chương trình phổ thông mới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, chúng ta đã có những học sinh lớp 1 mạnh dạn hơn, chủ động hơn, đọc thông viết thạo, các em thích đến trường, mong muốn đến trường. Phụ huynh sau những băn khoăn ban đầu đã yên tâm và tin tưởng. Giáo viên sau những bỡ ngỡ ban đầu đã nhập cuộc và làm chủ sự đổi mới. Đó là biểu thị rất sinh động, khẳng định sự đổi mới đang đi là đúng hướng. 

Năm học 2020-2021 cũng đánh dấu sự ổn định và đảm bảo về chất lượng giáo dục. Với một năm học có tới 2 - 3 lần học sinh phải tạm dừng đến trường và phải học trực tuyến, học từ xa, trong khi điều kiện dạy học còn nhiều khó khăn, thì sự ổn định này có thể coi là một thành công.

Giáo dục mũi nhọn tiếp tục để lại dấu ấn khi 37/37 học sinh dự thi Olympic quốc tế đều có giải. Ở bậc đại học, vị trí của các đại học Việt Nam trong bảng xếp hạng quốc tế được giữ vững.

Ngoài ra, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức thành công trong một năm nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có sự linh hoạt để thích ứng. Lần đầu tiên, Bộ GD&ĐT đã sử dụng phương án đặc cách tốt nghiệp cho những thí sinh không thể dự thi vì dịch bệnh.

Cũng theo Bộ trưởng Sơn, còn những việc chưa làm tốt, cần phải điều chỉnh hoặc cần có thêm thời gian. Trước mắt, ngành giáo dục cần phải chuyển trạng thái để vừa ứng phó ngay với các vấn đề thực tế dịch bệnh đang đặt ra, vừa phải xác định đây là quá trình lâu dài để có những quyết sách và điều chỉnh cụ thể cho phù hợp.

{keywords}

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ một lần nữa nêu thông điệp về giảm bệnh thành tích và mục tiêu “Học thật, thi thật, nhân tài thật”, “học gắn với hành”, khắc phục tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”. Bộ GD-ĐT sẽ có những giải pháp gì ở từng bậc học để từng bước thực hiện yêu cầu này, thưa Bộ trưởng?

Tạo dựng một nền giáo dục có chất lượng là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cũng là mong muốn của tất cả chúng ta. Đây là nhiệm vụ lớn của ngành giáo dục, tuy nhiên, sự chuyển đổi này không chỉ đơn thuần nằm ở công tác quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT mà còn cần có sự vào cuộc tích cực của các bộ, ban, ngành liên quan, các tổ chức doanh nghiệp và xã hội. Đây là một quá trình lâu dài, cần có lộ trình và thời gian, nhưng việc cần làm ngay là phải đổi mới về nhận thức và hành động trong mọi việc từ nhỏ đến lớn, tất cả các chính sách, hoạt động đều phải lấy mục đích giải quyết các vấn đề thực tiễn của thực tế làm cơ sở.

Theo tinh thần đó, việc quản lý nhà nước, ban hành chính sách sẽ được rà soát triển khai theo hướng lấy mục tiêu giải quyết những vấn đề cụ thể của ngành để xây dựng, ban hành và thực thi. Bộ cũng sẽ điều chỉnh lại nội dung dạy học theo hướng thiết thực, giảm và tiến tới bỏ hẳn những nội dung rườm rà, thiếu hiệu quả, đảm bảo phù hợp với bối cảnh dịch bệnh.

Quán triệt tinh thần học thực chất, thực nghiệp, xóa bỏ những phương pháp dạy, rập khuôn, cứng nhắc sáo rỗng trong dạy và học để cả thầy và trò đều được phát huy tinh thần sáng tạo. Các Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, nhà trường cần triển khai việc học, kiểm tra đánh giá sao cho đúng và thực chất. Quá trình dạy học cần quan tâm tới thực tiễn, trải nghiệm, trang bị kỹ năng tự học, chú trọng nội dung giáo dục đạo đức, nhân cách và phát triển toàn diện cho học sinh. Đây là việc phải kiên định, kiên trì và xuyên suốt.

Ở bậc đại học, cơ chế tự chủ đang tạo ra những bước tiến cho bậc học này, tuy nhiên đi cùng với đó là trách nhiệm giải trình trước xã hội về chất lượng đào tạo. Thực tế thời gian qua nhiều cơ sở giáo dục đại học đã đề cao mục tiêu chất lượng thông qua việc xây dựng chương trình, thiết kế chuẩn đầu ra sao cho sát thực tiễn; hay lấy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo làm nền tảng để tạo ra chất lượng.

Mặc dù vậy, nhìn trên tổng thể, giáo dục đại học còn nhiều việc phải làm. Bộ GD&ĐT với vai trò quản lý nhà nước sẽ tiếp tục rà soát để sửa đổi, hoàn thiện các quy định nhằm siết chặt chất lượng đào tạo ở bậc học này; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

Tăng cường chuyển đổi số giáo dục

Khi dạy học trực tuyến đã không còn là giải pháp tình thế, Bộ trưởng có thể cho biết ngành giáo dục sẽ nỗ lực như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất, để khái niệm "chuyển đổi số" không còn xa lạ ngay cả với giáo viên, học sinh ở những vùng sâu, xa của đất nước?

Ngành giáo dục xác định, dạy học trực tuyến đã trở thành việc lâu dài vừa để thích ứng vừa để triển khai chuyển đổi số để phát triển, trong trường hợp học sinh có thể tới trường học trực tiếp việc dạy và học trực tuyến vẫn là phương pháp hỗ trợ bổ sung rất tốt.

Bộ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về dạy học và kiểm tra đánh giá theo hình thức trực tuyến để địa phương, cơ sở giáo dục có căn cứ thực hiện. Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát để có những điều chỉnh, bổ sung phù hợp, trong đó sẽ chú trọng đến khâu hướng dẫn, tập huấn về dạy học trực tuyến cho đội ngũ giáo viên.

Đồng thời, tăng cường kho học liệu số, các bài giảng trên truyền hình và các hoạt động hỗ trợ khác.

Các địa phương cần quan tâm và chủ động trong triển khai dạy học trực tuyến, kết hợp hiệu quả giữa dạy học trực tuyến và dạy học trên truyền hình, cũng như nhanh chóng giải quyết các vấn đề phát sinh.

Sự quan tâm, phối hợp của gia đình trong quá trình dạy học có vai trò rất quan trọng, đặc biệt là đối với cấp giáo dục mầm non và tiểu học, đặc biệt là các lớp bắt đầu cấp tiếp học. Các địa phương cần đặc biệt quan tâm hỗ trợ các trường hợp học sinh và gia đình khó khăn, thiếu phương tiện học tập, tổ chức các nhóm học tập an toàn, chia sẻ phương tiện và hỗ trợ phương pháp học tập.

Cùng với các giải pháp cấp bách, Bộ GD&ĐT cũng triển khai các hoạt động lâu dài để thực hiện tăng cường chuyển đổi số trong quản trị, quản lý giáo dục; triển khai hệ thống thông tin quản lý giáo dục toàn ngành, đồng bộ, kết nối dữ liệu từ các cơ sở GDĐT, Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT đến cơ quan Bộ GD&ĐT; kết nối dữ liệu giữa ngành Giáo dục với các cơ sở dữ liệu quốc gia; triển khai các mô hình quản trị nhà trường tiên tiến trên nền tảng số bảo đảm thiết thực và hiệu quả.

“Tôi mong học sinh tìm thấy niềm vui trong học tập và rèn luyện”

Trước một năm học mới nhiều thách thức, Bộ trưởng sẽ gửi gắm thông điệp gì tới giáo viên, phụ huynh và học sinh?

Năm học 2021-2022 bắt đầu trong muôn vàn khó khăn khi dịch bệnh vẫn còn ảnh hưởng rất nặng nề ở nhiều địa phương. Tôi gửi lời chia buồn tới những gia đình có người thân đã bị dịch bệnh cướp đi sinh mệnh, xin gửi lời thăm hỏi, chia sẻ tới đồng bào ở các vùng chịu ảnh hưởng nặng của dịch, lời thăm hỏi tới các thầy cô giáo, các em học sinh và các vị phụ huynh.

Toàn ngành giáo dục cần chuyển trạng thái để thích ứng với tình hình dịch bệnh, giảm thiểu các tác động tiêu cực của dịch bệnh đến giáo dục; đảm bảo an toàn phòng chống dịch và các yêu cầu chất lượng cốt lõi; hỗ trợ cho các học sinh và sinh viên khó khăn, tất cả chung sức đồng lòng vượt qua khó khăn thử thách.

Tôi mong các em học sinh và các vị phụ huynh khắc phục khó khăn về điều kiện học tập để thích nghi, không bị gián đoạn quá trình học tập, và quan trọng hơn là các em có thể tìm thấy niềm vui trong việc học tập và rèn luyện mới.

Mỗi thầy cô giáo của chúng ta thời gian qua đã rất tâm huyết, năng động, không ngại khó, đang thích ứng nhanh với công nghệ và môi trường làm việc trực tuyến. Tôi mong rằng, các thầy cô sẽ tiếp tục phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm này, linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong giảng dạy để đạt được mục tiêu về chất lượng.

PV

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Cần chấm dứt việc học theo Văn mẫu

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Cần chấm dứt việc học theo Văn mẫu

Với giáo dục Trung học, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh tới tinh thần học thật, thi thật. Riêng với môn Ngữ văn, cần chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu, dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò.