- Trước câu hỏi nhân tài người Việt ở nước ngoài đang băn khoăn điều gì khi nhận được lời mời về Việt Nam, các trí thức đã có những chia sẻ bên lề hội thảo Trí tuệ nhân tạo 2018.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Chương trình Kết nối mạng lưới Đổi mới sáng tạo 2018 do các bộ phối hợp tổ chức với sự tham gia của 100 nhân tài người Việt hiện đang làm việc và nghiên cứu ở khắp nơi trên thế giới trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
GS. Vũ Hà Văn, ĐH Yale, Mỹ: “Đến nay vẫn chưa ai biết thảm đỏ như thế nào”
GS. Vũ Hà Văn - người vừa được mời làm Giám đốc khoa học của Viện Nghiên cứu về Dữ liệu lớn của Tập đoàn Vingroup. Ảnh: Anh Tuấn |
Từ rất lâu, cách đây khoảng 20 năm, Nhà nước đã luôn có một câu là “trải thảm đỏ mời nhân tài về nước” nhưng đến nay vẫn chưa ai biết thảm đỏ như thế nào. Năm ngoái, tôi cũng nói câu này và năm nay tôi lại nói lại câu đó.
Còn về phía tư nhân, hiện nay đã có một số tập đoàn tư nhân rất muốn phát triển mạnh về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Chẳng hạn như tôi đang giúp Tập đoàn Vingroup làm một Viện Nghiên cứu về Dữ liệu lớn. Họ có thể chi ra rất nhiều tiền để mời chuyên gia nước ngoài hoặc chuyên gia gốc Việt về giúp.
Điều kiện chính sách đãi ngộ để thu hút nhân tài về nước liên quan đến nhiều thứ, như: điều kiện làm việc, chương trình làm việc, mức lương, điều kiện sống, môi trường làm việc…
Đặc biệt, yếu tố môi trường làm việc cực kỳ quan trọng. Silicon Valley thành công được là vì nó không chỉ có một nhóm nghiên cứu, mà mỗi công ty có hàng chục nhóm nghiên cứu. Ở đó, có hàng chục công ty lớn, hàng nghìn công ty nhỏ, cộng thêm các trường đại học lớn ở xung quanh. Nó phải là cả môi trường, chứ không phải là một người hay một công ty.
TS. Vũ Duy Thức – Giám đốc điều hành Kambria: “Tôi muốn đóng góp của mình phải thiết thực nhất”
TS. Vũ Duy Thức - một người Việt đã có những thành công bước đầu trong lĩnh vực AI ở Silicon Valley. Ảnh: Mạnh Hưng |
Theo tôi, chuyện về nước làm việc có cả những yếu tố thuận lợi và trở ngại. Đối với bản thân tôi, tôi muốn khi quay về nước, những đóng góp của mình phải thiết thực nhất, đáp ứng đúng nhu cầu mà người dân Việt Nam đang thực sự cần. Đó là cái mà tôi muốn nhắm đến.
Trong quá trình học tập và làm việc ở nước ngoài, đôi khi chúng tôi cũng không nắm được sâu sát được tình hình trong nước. Vì thế, tôi nghĩ rằng những diễn đàn như thế này rất có ích.
Chắc chắn, người Việt Nam nào đi xa cũng có tấm lòng hướng về quê hương. Nhưng việc đóng góp thì có thể đóng góp từ xa hay trong nước theo tôi không quan trọng, miễn là mình làm được điều gì đó cho quê hương.
Hiện nay, chúng tôi đang làm một số dự án phát triển trung tâm nghiên cứu về AI với các trường đại học Việt Nam, làm sao để tạo sân chơi cho các bạn học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu cùng nhau làm việc để đưa ra các giải pháp mới về AI và robotics.
Tôi cho rằng giáo dục, đào tạo vẫn là một trong yếu tố cốt lõi cần thiết cần đầu tư để Việt Nam bắt kịp xu thế 4.0 của thế giới. Theo tôi, khi làm giáo dục phải đi theo 2 hướng. Một mặt phải đào tạo những kỹ sư có thể giải quyết thuật toán ngay lập tức. Nhưng đồng thời cũng phải làm nghiên cứu để tạo ra những hướng phát triển, giải quyết những bài toán cho 5-10 năm. Phải đi song song 2 hướng mới tạo được sự phát triển bền vững cho tương lai.
Về việc đồng hành, hỗ trợ các kỹ sư, nhà khoa học Việt Nam, chúng tôi rất sẵn sàng và đã làm những dự án này rồi. Ví dụ như dự án VietAI mà tôi là đồng sáng lập đang mang những chương trình giảng dạy AI từ Silicon, Google về để giảng dạy tại Việt Nam cho các kỹ sư. Như vậy, hi vọng trong thời gian ngắn sẽ tạo được một đội ngũ kỹ sư, chuyên viên cho AI đủ để đáp ứng một số nhu cầu trước mắt cho mảng này.
TS. Bùi Hải Hưng - Nhà nghiên cứu của Google Deepmind (Mỹ): “Chúng tôi muốn nhìn thấy sự phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam”
Các trí thức người Việt thảo luận tại Hội thảo Trí tuệ nhân tạo 2018 sáng ngày 21/8. TS. Bùi Hải Hưng ngồi ngoài cùng bên phải. Ảnh: Mạnh Hưng |
Một khó khăn mà kể cả công ty lớn như Google vẫn gặp phải, đó là sự thiếu hụt những nhân tài có khả năng tiếp cận và làm việc hiệu quả trong lĩnh vực AI. Tôi nghĩ là Việt Nam hiện cũng đang gặp phải vấn đề đó và có lẽ cũng sẽ phải đương đầu với vấn đề này ngày càng bức thiết hơn.
Theo tôi, vấn đề đào tạo những thế hệ kỹ sư, nhà nghiên cứu tiếp theo có khả năng làm việc một cách hiệu quả trong lĩnh vực này là một việc rất quan trọng.
Tôi cho rằng, trước một lời mời trở về, phần lớn người Việt đang làm việc ở nước ngoài đều mong muốn nhìn thấy sự phát triển ngành của họ ở Việt Nam một cách mạnh mẽ hơn. Với tôi, trong ngành trí tuệ nhân tạo, tôi cũng muốn nhìn thấy sự phát triển của ngành này ở Việt Nam.
Về điều kiện, chính sách để thu hút nhân tài, tôi đã thấy những công ty công nghệ ở Việt Nam đầu tư, thuê hẳn những giáo sư đang làm việc ở nước ngoài về làm việc cho họ, mở ra những phòng “lab” không phải ở Việt Nam mà là ở nước ngoài luôn. Tôi nghĩ đó là những dấu hiệu rất lớn.
Việt Nam cần tạo ra được những môi trường để họ vẫn có thể đóng góp tương đương với cả môi trường họ đang làm việc ở nước ngoài. Và nếu làm được việc này ở Việt Nam thì sẽ kéo theo một hiệu ứng rất tốt, đó là hiệu ứng dây chuyền. Nó sẽ là nguồn hứng khởi cho các nhà nghiên cứu ở Việt Nam và những thế hệ tiếp theo.
Khó khăn Việt Nam gặp phải trong việc thu hút nhân tài, theo tôi biết, là số lượng người đang ít - đó là khó khăn đầu tiên. Khó khăn thứ hai là mọi người chưa quan tâm đúng mức. Khi chúng ta muốn cạnh tranh trên thị trường thế giới, chúng ta phải có điều kiện làm việc tương đương các nơi khác trên thế giới.
Nguyễn Thảo (Ghi)
Việt Nam sẽ là đầu tàu kinh tế trí tuệ nhân tạo ở ASEAN
GS. Jason Furman tin rằng, Việt Nam sẽ là đầu tàu tiên phong về kinh tế 4.0 và trí tuệ nhân tạo (AI) ở ASEAN bởi sự tiếp cận nghiêm túc và đầy hào hứng của Chính phủ và khu vực tư nhân.
Kỷ nguyên Kinh tế trí tuệ nhân tạo: Bài học từ các điển cứu Harvard và tinh hoa thế giới
Hội nghị Vietnam CEO Summit 2018 với chủ đề “Kỷ nguyên Kinh tế trí tuệ nhân tạo: Bài học từ các điển cứu Harvard và tinh hoa thế giới” đã diễn ra...
Israel phát triển hệ thống dự báo động đất sử dụng trí tuệ nhân tạo
Trang công nghệ Geektime của Israel ngày 15/7 đưa tin, nước này sẽ đưa vào sử dụng một hệ thống dự báo động đất tại các nước châu Á và châu Âu.
Định vị Việt Nam với thế giới trong thời đại Trí tuệ nhân tạo
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang là một trong những chủ đề nóng nhất toàn cầu, không chỉ bởi sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0 nói chung mà còn do các bước tiến đổi mới vượt bậc nói riêng.
Muốn CMCN 4.0 phát triển, phải có "giấy khai sinh" cho công nghệ 4.0
“Muốn cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển thì đầu tiên phải có khung pháp lý, phải có giấy khai sinh cho các công nghệ 4.0, các mô hình kinh doanh 4.0."