Đua nhau bỏ vốn vào điện gió, điện mặt trời

Xuất thân là một nhà thầu, mới đây Công ty Cổ phần FECON đã đặt những bước chân đầu tiên vào thị trường điện gió. Công ty này đã hoàn thành 1 dự án điện mặt trời và chuẩn bị tham gia đầu tư một dự án điện gió công suất 120 MW tại tỉnh Sóc Trăng. Ngoài ra, công ty tiếp tục nghiên cứu đầu tư 2 dự án điện gió và 2 dự án điện mặt trời. Tổng công suất 5 dự án này sau khi hoàn thành khoảng 700MW. FECON từng có kinh nghiệm thi công 4 dự án điện mặt trời, trúng thầu 4 dự án điện gió.

Công ty cổ phần Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận - Tập đoàn T&T Group cũng mới đưa vào vận hành  Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh đặt tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Tổng mức đầu tư dự án là trên 1.000 tỷ đồng với công suất 45MW. Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh khi chính thức hòa lưới điện quốc gia sẽ cùng cấp sản lượng điện khoảng 75 triệu kWh/năm.

Nhiều nhà đầu tư khác cũng bày tỏ mối quan tâm đặc biệt với nguồn năng lượng tái tạo. Nắm bắt được nhu cầu của thị trường về lĩnh vực tiềm năng sinh lợi cao này, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã gia nhập như Tập đoàn Trung Nam, Tập đoàn BIM, Tập đoàn Xuân Cầu, Công ty Pacific, Công ty FECON, Tập đoàn Thành Công Group, BCG Bamboo Capital, Tập đoàn Trường Thành hay Tập đoàn Hà Đô,...

{keywords}
Một dự án điện gió, điện mặt trời ở Ninh Thuận.

Dù được đầu tư dồn dập, song công suất các dự án điện mặt trời, điện gió trong hệ thống điện quốc gia vẫn còn chiếm tỷ trọng thấp.

Số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho thấy, sản lượng điện gió năm 2019 mới chỉ có 350 MW (chiếm 0,15% sản lượng toàn hệ thống), còn điện mặt trời là hơn 4.800 MW (chỉ chiếm 2,01%). Trong bối cảnh nguy cơ thiếu điện cận kề, việc đầu tư điện gió, điện mặt trời với mức giá phù hợp sẽ góp phần cung cấp lượng điện quan trọng cho hệ thống.

Mới đây, theo đề xuất của Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương bổ sung quy hoạch thêm 7.000 MW điện gió, nâng tổng quy mô công suất điện gió được quy hoạch lên 11.630 MW.

Nói việc bổ sung điện gió vào quy hoạch, trên diễn đàn Quốc hội ngày 15/6, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Đây là giải pháp khả thi, hiệu quả để bổ sung kịp thời nguồn điện cho hệ thống; phù hợp với cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo hiện hành của Chính phủ.

Còn với điện mặt trời, ông Trần Tuấn Anh cho biết: Đến nay, tổng công suất điện mặt trời được quy hoạch khoảng 10.300 MW, trong đó đã vận hành trên 90 dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng 5.000 MW.

Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 55 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với một trong những mục tiêu là khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực năng lượng nhất là năng lượng tái tạo

Bùng nổ nhờ giá, cần lường trước rủi ro

Sở dĩ các nhà đầu tư đổ xô vào điện gió, điện mặt trời bởi mức giá hấp dẫn. Với điện mặt trời, các dự án vận hành thương mại trước tháng 7/2019 được hưởng giá ưu đãi lên đến 2.100 đồng/ kWh trong vòng 20 năm. Nếu so với giá mua điện từ các nguồn điện như thủy điện (1.000 đồng/kWh), nhiệt điện (1.500 đồng/ kWh), đó là mức giá rất cao, chỉ xếp sau điện khí và điện chạy dầu.

{keywords}
Điện gió đang thu hút hàng loạt nhà đầu tư.

Khi giá ưu đãi cho điện mặt trời hết thời hạn thì đến giai đoạn cao trào của điện gió. Tương tự như điện mặt trời, chỉ sau một thời gian rất ngắn, hàng trăm nhà đầu tư đã đổ xô vào đầu tư nguồn điện này. Mức giá ưu đãi lên tới gần 2.000 đồng/kWh quy định tại Quyết định 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là lực hút doanh nghiệp đầu tư. Giá mua điện này áp dụng với dự án vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại. Đây là mức giá mua điện gió tăng tương đối cao so với mức giá được quy định tại Quyết định 37/2011/QĐ-TTg từ năm 2011 (khoảng 1.770 đồng một kWh, tương đương 7,8 cent).

Thế nhưng, mức giá cao cũng đi kèm với rủi ro. Việc đầu tư điện gió, điện mặt trời không phải lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái”. Điện mặt trời đang phải đối mặt nỗi lo quá tải lưới điện xảy ra ở Ninh Thuận, Bình Thuận. Các dự án điện mặt trời ở khu vực này không thể phát hết lượng điện sản xuất ra lên lưới mà chỉ phát được 30-40% công suất, gây lãng phí nguồn lực không nhỏ.

Còn với điện gió, đầu tư vào lĩnh vực này khó khăn hơn điện mặt trời do chi phí đầu tư lớn, tốn kém thời gian hơn, nguồn cung thiết bị cũng khó khăn hơn. Dù đến hết tháng 10/2021 cơ chế giá ưu đãi mới chấm dứt, song từ bây giờ, nhiều nhà đầu tư đã nhìn thấy mối nguy hiện hữu.

Một nhà đầu tư năng lượng tái tạo cảnh báo: Rất ít dự án điện gió có thể kịp vận hành để hưởng giá ưu đãi. Lý do là đầu tư điện gió phức tạp hơn điện mặt trời nhiều khi tốn thời gian đo gió, đặt mua trang thiết bị, lắp đặt, xây dựng, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành khắp nơi.

Vì thế, tại Tờ trình ngày 8/5/2020, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét kéo dài thời gian áp dụng cơ chế giá điện cố định cho các dự án điện gió theo Quyết định 39 tới hết ngày 31/12/2023.

Phát biểu tại Diễn đàn năng lượng Việt Nam 2020: Phát triển năng lượng sạch xu thế và thách thức, do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam, chia sẻ: Đối với điện gió, mặc dù đã đầu tư nhiều nhưng còn rất khó khăn do thiết bị toàn bộ phải nhập ngoại. Để lắp đặt và xây dựng điện gió đòi hỏi những thiết bị siêu trường, siêu trọng, xe đặc chủng, trong khi thị trường Việt Nam rất hạn hẹp.

“Thời gian qua, Bộ Công Thương cùng với các nhà đầu tư đã đề nghị Chính phủ rời thời gian xem xét cũng như gia hạn đến 2023 cho các nhà đầu tư; nên giữ giá FIT với điện gió thêm 5 năm nữa, tạo sự hấp dẫn và công bằng với các nhà đầu tư”- ông Nguyễn Tâm Tiến đề xuất.

Lương Bằng

Nguồn điện vô tận, 'hứng' của trời, bán được giá đắt

Nguồn điện vô tận, 'hứng' của trời, bán được giá đắt

Từ con số 0, vài năm gần đây điện mặt trời, điện gió đã hút hàng trăm nhà đầu tư bỏ vốn vào lĩnh vực này.