Tại dự thảo mới nhất liên quan đến cơ chế giá mua bán điện mặt trời áp mái thay thế Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ đã hết hiệu lực vào cuối năm ngoái, Bộ Công thương đề xuất giá bán điện sẽ giảm xuống 30% so với trước đây, tức là từ hơn 1.900 đồng xuống chỉ còn khoảng 1.300 đồng cho mỗi số điện. Mức giá này này liệu có còn đủ hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia phát triển loại hình năng lượng tái tạo này?
Từ khi có điện mặt trời áp mái và bán được với giá 1.900 đồng/số điện, năm ngoái hầu như gia đình ông Xuyên (Hoài Đức) không phải trả thêm tiền điện hàng tháng. Với mục đích đầu tư chủ yếu để sử dụng cho nhu cầu của gia đình, ông Xuyên tính toán, nếu giá bán điện giảm khoảng 30%, mỗi tháng ông sẽ phải đóng thêm khoảng 300.000 - 400.000 đồng là mức có thể chấp nhận được. Quan trọng hơn là sớm được mua điện trở lại sau gần nửa năm nay tạm dừng.
"Chủ yếu là khi đã đầu tư lắp thì muốn là có chủ trương mua lại điện thì người dân mới đầu tư chứ nếu mà không mua lại thì cũng phải đắn đo là bỏ một lúc từng ý tiền ra mà hiệu quả thấp quá", ông Lê Danh Xuyên (Hoài Đức, Hà Nội cho biết).
Với các doanh nghiệp sử dụng điện sản xuất, dù giá bán điện giảm đi nhưng việc doanh nghiệp tự chủ được nguồn cung điện phục vụ sản xuất mới là yếu tố mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn.`
"Không phải lo về giá cả điện lực lên xuống hoặc là thời gian cao điểm thấp điểm. Ngày xưa khi chưa lắp thì phải tính toán chạy giờ cao điểm như nào còn khi lắp rồi thì tự cung tự cấp sản lượng điện cho công ty", ông Nguyễn Thanh Cường, Giám đốc Nhà máy cơ khí P69, Hà Nội cho biết.
Nhà đầu tư cần tính toán kỹ trước khi lắp điện mặt trời áp mái |
Mức giá cố định dự kiến giảm xuống chỉ còn khoảng 1.300 đồng/số điện được cho là nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư để tự dùng, hạn chế tình trạng nhà nhà đổ xô lắp điện áp mái để hưởng giá cao khi đẩy hết công suất lên lưới.
"Đối với các nhà đầu tư muốn đầu tư điện để bán loại toàn bộ cho EVN theo hợp đồng PPL thì sẽ không hợp lý. Tuy nhiên đối với các doanh nghiệp và các hộ gia đình, nhà đầu tư sử dụng nhiều điện và có đủ diện tích mái thì vẫn khả thi về mặt kinh tế", ông Phạm Thế Tuân - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần điện mặt trời Sơn Hà FreeSolar nhận định.
Theo các chuyên gia, việc giảm 30% giá sẽ siết được các dự án "lách luật" lấy đất nông nghiệp làm điện mặt trời áp mái. Tuy nhiên, đối với các mái nhà xưởng, hộ gia đình đã bỏ tiền đầu tư, thậm chí vay vốn ngân hàng thì sẽ chịu thiệt thòi. Do vậy, cần xem xét có lộ trình phù hợp thay vì cắt giảm đột ngột, dễ gây xáo trộn trong chiến lược phát triển điện mặt trời áp mái của Chính phủ.
(Theo VTV Digital)