Đột ngột “sập nguồn”

“Hệ thống điện bây giờ rất khác”, ông Đoàn Công Đức, Giám đốc công ty điện lực dầu khí Cà Mau (PVPower Cà Mau) chia sẻ.

Điều “rất khác” mà vị giám đốc của 2 nhà máy điện khí với công suất mỗi nhà máy 750 MW đề cập chính là sự xuất hiện của dòng điện từ mặt trời và gió trong gần 2 năm gần đây. “Mưa bão đến là thay đổi cả mấy ngàn MW trong thời gian ngắn”, ông Đức nói. “Do vậy nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 đáp ứng đầy đủ cả bằng dầu và khí”.

Việc chạy dầu để phát điện với hai nhà máy điện Cà Mau thông thường chỉ thực hiện vào đợt cao điểm. Nhưng giờ đây, điều đó đã trở thành công việc quen thuộc của nhà máy này.  Bởi khi hệ thống điện mặt trời, điện gió đột ngột “sập”, thì những nhà máy như Cà Mau phải ngay lập tức đảm đương phần thiếu hụt đó.  

{keywords}
Nhà máy điện khí Cà Mau. Ảnh: Lương Bằng

“Thủy điện đã chạy hết công suất nên các nhà máy điện như chúng tôi cũng phải bù vào lượng điện thiếu hụt bằng cách chạy thêm dầu”, đại diện PVPower Cà Mau nhấn mạnh.

“Chỉ chạy đôi ba tiếng thôi rồi lại chuyển sang chạy khí”, ông Đoàn Công Đức nói và cho biết, cũng may hai nhà máy của đạm Cà Mau chuyển đổi hoạt động qua lại giữa chạy khí và dầu đều đáp ứng tốt. “Từ thứ 6 tuần trước đến giờ (thời điểm ngày 24/10 - PV), chúng tôi chuyển đổi qua lại nhiều lần giữa chạy dầu và khí, cũng đáp ứng khá tốt. Tuy nhiên, muốn đảm bảo khả năng phát điện thì trên dưới 3 tháng phải kiểm tra chức năng của hệ thống để đảm bảo khả năng vận hành”.

Cũng vì huy động dầu nhiều nên sản lượng điện chạy dầu của hai nhà máy điện Cà Mau đến nay đã là 130 triệu kWh, nhiều hơn kế hoạch. Trong khi đó, với nhà máy đạm Cà Mau, việc chạy dầu có giá gấp đôi so với chạy khí (điện chạy dầu giá từ 2.200 đồng-2.500 đồng/kWh).

Sự “đỏng đảnh” của điện mặt trời, điện gió đã được nói đến nhiều, nhưng không mấy ai để ý. Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) không ít lần trưng ra biểu đồ cho thấy sự biến động của nguồn điện mặt trời. Chỉ một đám mây đi qua, cả hệ thống bỗng dưng “sập” và phải bù bằng các nguồn điện khác để tránh tình trạng mất điện đột ngột.

Trong khi đó, không ít chuyên gia, giới bảo vệ môi trường luôn kêu gọi và lập các chiến dịch tuyên truyền rằng điện mặt trời, điện gió có thể thay thế các nguồn năng lượng truyền thống.

Song, nhiều nhà đầu tư điện mặt trời, điện gió mà PV tiếp xúc đều thẳng thắn cho rằng “điện mặt trời, điện gió khó lòng thay thế các nguồn điện truyền thống” cũng bởi tính bất ổn định của loại năng lượng này. Ngay cả điện gió, khi bão vào thì các cánh quạt cũng buộc phải “dừng vận hành” nếu không muốn các cột điện gió bị sự cố.

{keywords}
Điện gió, điện mặt trời tạo nên sự đa dạng trong hệ thống điện Việt Nam. Ảnh: Lương Bằng

Cân đối các nguồn điện

Số liệu được ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, cung cấp tại hội thảo do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức cách đây ít ngày cho thấy: Trong khoảng thời gian chưa đầy 2 năm, số lượng dự án điện mặt trời đưa vào vận hành đã tăng từ một vài lên tới 100 dự án, với tổng công suất từ vài trăm MW lên tới 5.829 MW, đưa công suất đặt các dự án điện mặt trời từ chỗ chỉ chiếm gần 1% nay đã đạt gần 9% tổng công suất đặt hệ thống.


Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Đề nghị khẩn trương nghiên cứu các giải pháp xử lý đối với các tấm pin mặt trời, ắc quy tích điện khi hết thời hạn sử dụng để bảo đảm an toàn với môi trường.

Các số liệu thống kê cho thấy, thời gian tới, dự kiến các nguồn điện gió và mặt trời tiếp tục phát triển mạnh.

Hiện đã có khoảng 187 dự án nhà máy điện gió với tổng công suất khoảng 11.687 MW và 137 dự án nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 13.618 MW được bổ sung quy hoạch. Khoảng 312 dự án/78.035 MW các dự án điện gió và 331 dự án /36.581 MW các dự án điện mặt trời đang được các địa phương tiếp tục đề xuất phát triển.

Báo cáo Kết quả phiên giải trình “Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội”, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận xét: Trong hệ thống điện có tích hợp số lượng lớn các nguồn điện không ổn định như điện gió và điện năng lượng mặt trời cần phải xây dựng nguồn điện dự phòng lớn làm tăng chi phí đầu tư cho hệ thống. Trong khi đó, tiến độ xây dựng một số công trình lưới điện để bảo đảm giải tỏa công suất các nhà máy điện gió, điện mặt trời đã được bổ sung quy hoạch tại những tỉnh có tiềm năng lớn về điện gió, điện mặt trời còn chậm.

Ngoài ra, theo Ủy ban Kinh tế, giá điện từ nguồn năng lượng tái tạo hiện cao hơn so với nguồn điện từ nguồn năng lượng truyền thống (nhiệt điện, thủy điện lớn,... ). Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang được nhà nước giao thực hiện mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án điện năng lượng tái tạo với mức giá do nhà nước quy định.

Như vậy, chi phí bù giá cho năng lượng tái tạo đang được hòa chung với chi phí của ngành điện, chưa tách rõ ràng trong hóa đơn tiền điện. Khi tỷ trọng năng lượng tái tạo tăng lên thì thành phần bù giá sẽ ngày càng tăng và ảnh hưởng lớn đến chi phí giá thành ngành điện.

Điều đó nói lên rằng, nguồn điện nào cũng có “ưu - nhược” riêng. Việc tạo ra những làn sóng tẩy chay loại hình năng lượng nào đó đều gây ra những vấn đề khó khăn cho hệ thống điện. Cổ vũ cho điện mặt trời, điện gió là cần thiết, nhưng cũng không nên quên đi những nguồn điện có tính ổn định và giá cả chấp nhận được như thủy điện, nhiệt điện than, kể cả điện hạt nhân.

Lương Bằng

'Hóa giải' nỗi lo bất ổn của nguồn điện vô tận ở Việt Nam

'Hóa giải' nỗi lo bất ổn của nguồn điện vô tận ở Việt Nam

Hệ thống điện hiện nay sẽ gặp khó khăn trong việc điều độ do điện mặt trời, điện gió có tính bất ổn cao, trồi sụt thất thường.