Chuyển biến kinh tế phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh

Tại cuộc tọa đàm trực tuyến Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý 1/2020 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) ngày 12/4, PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR đưa ra 3 kịch bản cho tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 theo diễn biến của dịch bệnh Covid-19.

Cả 3 phương án đều cho thấy GDP của Việt Nam không đạt được tăng trưởng 6,8% như mục tiêu đặt ra. Điều này cũng đã được nhiều tổ chức trong và ngoài nước dự báo. Ngay cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong báo cáo tại Hội nghị của Thủ tướng với địa phương ngày 10/4 cũng khảng định tăng trưởng GDP năm 2020 sẽ thấp hơn mục tiêu 6,8% đặt ra.

Theo tính toán của các chuyên gia VEPR, ở kịch bản lạc quan nhất (dịch bệnh được khống chế hoàn toàn vào giữa tháng 5) GDP năm 2020 chỉ tăng 4,2%. Còn kịch bản kém lạc quan hơn (dịch bệnh chỉ được khống chế trong quý 3/2020) thì GDP chỉ tăng 1,5%. Trong khi đó, kịch bản xấu nhất, tức dịch bệnh chỉ được khống chế vào nửa sau quý 4/2020, GDP thậm chí không những không tăng trưởng mà còn âm 1%.

{keywords}
Tăng trưởng kinh tế sẽ suy giảm do dịch bệnh.

Theo ông Phạm Thế Anh, trong bất kỳ kịch bản nào, thời kỳ hậu Covid-19 ở Việt Nam, sự phục hồi hoàn toàn của nhiều ngành như hàng không, du lịch hay thời trang xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn và kéo dài cho tới khi thế giới hoàn toàn kiểm soát được bệnh dịch.

Dù vậy, theo chuyên gia VEPR, con số tăng trưởng GDP vẫn không phản ánh được hết những khó khăn thật của nền kinh tế do không phản ánh được đầy đủ khu vực phi chính thức vốn bị ảnh hưởng nặng nề hơn hẳn so với những đợt suy thoái trước đây.

Bình luận về kinh tế Việt Nam, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Nếu quý 2/2020, Việt Nam kiểm soát được bệnh dịch và thế giới cũng vậy, có nghĩa số người lây nhiễm và người chết không tăng, thì sau quý 2, bệnh dịch được chặn đứng. Khi đó kinh tế thế giới đi vào hồi phục. Còn cuối tháng 6, Việt Nam cũng như thế giới vẫn chưa kiểm soát thì nền kinh tế chúng ta sẽ còn đối mặt nhiều khó khăn hơn?

Trả lời câu hỏi này, ông Hiếu nhận định: Bối cảnh lạc quan, Việt Nam và thế giới kiểm soát bệnh dịch được vào cuối tháng 6, nền kinh tế bắt đầu tiến trình đi vào hồi phục từ đầu quý III. Tuy nhiên giai đoạn hồi phục rất lâu, ít nhất 6 tháng cho đến 1 năm. Có thể nền kinh tế Việt Nam chỉ trở lại bình thường, ổn định vào trong hai quý sau của 2021.

Nhưng ở kịch bản đến cuối tháng 6, dịch bệnh vẫn chưa kiểm soát được thì theo ông Nguyễn Trí Hiếu, kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ đi vào một cuộc khủng hoảng.

“Kinh tế thế giới có nhiều dự báo bị tác động rất mạnh trong năm nay. Nhiều dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng âm”, ông Hiếu nói.

Còn với Việt Nam, nếu kiểm soát được dịch bệnh vào cuối tháng 6 thì 2020 năm 2020 của Việt Nam ở tình trạng tốt nhất có thể tăng trưởng 5%. Nếu không kiểm soát được dịch bệnh vào cuối tháng 6, dịch bệnh vẫn nghiêm trọng hơn thì nền kinh tế Việt Nam sẽ đi vào một trường hợp rất xấu.

“Nền kinh tế Việt Nam không những không đạt tăng trưởng dương mà còn tăng trưởng âm. Năm ngoái GDP Việt Nam đạt 300 tỷ USD, thì trong kịch bản xấu GDP Việt Nam năm 2020 có thể dưới con số này”, ông Nguyễn Trí Hiếu đánh giá và hy vọng chúng ta có thể kiểm soát dịch bệnh cuối tháng 6. Khi đó nền nền kinh tế Việt Nam vẫn cần ít nhất 6 tháng đến 1 năm để trở lại bình thường.

{keywords}
Nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã được đưa ra.

Các gói hỗ trợ là cần thiết nhưng phải đúng đối tượng

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng những gói hỗ trợ được Chính phủ đưa ra là cần thiết để người dân, doanh nghiệp tạm thời vượt qua dịch bệnh. Đó là gói hỗ trợ tín dụng 300 nghìn tỷ đồng, gói giãn hoãn thuế và tiền thuê đất 180 nghìn tỷ đồng, gói hỗ trợ giảm giá điện 11.000 tỷ đồng, gói an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng.

Ông Nguyễn Trí Hiếu đánh giá: “Các gói hỗ trợ đó sẽ giúp rất nhiều cho nền kinh tế Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn này”.

Các gói hỗ trợ này cũng rất khác với gói kích thích kinh tế sau khủng hoảng kinh tế năm 2009 từng khiến Việt Nam rơi vào tình trạng lạm phát cao vọt, lãi suất tăng cao, doanh nghiệp khốn đốn năm 2011-2012.

Theo TS Nguyễn Đức Thành, gói hỗ trợ lần này của Chính phủ không phải là bơm tiền trực tiếp để kích thích kinh tế, cho nên có thể kiểm soát được lạm phát. Tuy nhiên, cần đưa những gói hỗ trợ đến đúng đối tượng, không nên dàn trải gây lãng phí nguồn tiền; đồng thời không để tình trạng cứu trợ cực đoan khiến tiền chảy vào các thị trường như bất động sản, chứng khoán,... để gây ra nhiều hệ lụy.

Cùng quan điểm, PGS.TS Phạm Thế Anh lưu ý các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phải có trọng tâm, tránh dàn trải. Nhiều chính sách như giảm giá điện, tiền thuê đất, giãn thuế… cho các đối tượng mà chưa có phân loại rõ ràng, thì sẽ kém hiệu quả và tốn nguồn lực hơn. Nếu xác định đúng đối tượng hỗ trợ thì sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

Ngoài ra, chuyên gia này cũng cảnh báo tránh tình trạng “ngăn sông cấm chợ cực đoan”, gây tổn hại kinh tế, hoạt động kinh doanh rất nhiều.

“Phòng chống dịch bệnh phải được đặt ngang hàng với phát triển kinh tế. Bởi không có phát triển kinh tế cũng gây hậu quả nặng nề, hậu quả xã hội rất lớn. Hai nhiệm vụ này phải song hành với nhau. Việt Nam nên có biện pháp thích ứng trong mọi bối cảnh bệnh dịch, không nên cấm đoán cực đoan quá ở những ngành không có bệnh dịch. Những ngành nghề doanh nghiệp có biện pháp phòng bị an toàn thì cần đảm bảo cho họ sản xuất”, ông Phạm Thế Anh nói. “Số lượng doanh nghiệp đang còn hoạt động hiện nay là rất quý, nếu có những biện pháp quá cứng nhắc thì nền kinh tế gặp khó khăn”.

Lương Bằng

Sẵn 30 tỷ USD: Tình thế này, không thể 'có tiền mà không tiêu được'

Sẵn 30 tỷ USD: Tình thế này, không thể 'có tiền mà không tiêu được'

Dòng vốn 30 tỷ USD được "bơm" đều đặn hàng năm để phục vụ đầu tư các dự án đầu tư công, nhưng nhiều năm nay trong tình trạng "có tiền mà không tiêu được". Việc này giờ đây phải thay đổi.