Dù không được ưa thích nhưng khách du lịch Trung Quốc (TQ) tạo ra động lực phục hồi của du lịch châu Á.

"Du lịch nói chung đang tăng nhanh so với tốc độ tăng trưởng kinh tế và xu hướng này sẽ tiếp tục trong tương lai gần. Nếu có cơ sở hạ tầng tốt hơn, tăng trưởng sẽ rất nhanh chóng", Matthew Driver, Chủ tịch MasterCard khu vực Đông Nam Á, cho biết trong một báo cáo mới đây.

Các thành phố châu Á chiếm một nửa trong số 10 điểm đến qua đêm phổ biến nhất trên thế giới, theo một báo cáo được công bố bởi MasterCard mới đây. Chi tiêu cá nhân ở Bangkok, Singapore, Seoul, Đài Bắc và Tokyo đã tăng trưởng hằng năm ít nhất là 9,7% trong 6 năm qua, ngay cả khi du lịch khu vực sụt giảm vào năm ngoái.

Chi tiêu trong khu vực cũng đang được nâng lên với sự nổi lên của nhiều loại hình dịch vụ du lịch mới như du lịch y tế tại Singapore và du lịch halal (những món ăn trong sạch, lành mạnh, bổ dưỡng của người theo đạo Hồi) ở Malaysia.

{keywords}

Bangkok có lẽ là biểu tượng nổi bật nhất của thời du lịch châu Á dù thua London trong vị trí điểm đến về đêm phổ biến nhất. Số lượng du khách đến Thái Lan đã tăng mạnh, gần 2,7 triệu lượt trong tháng 1/2015, tăng 16,30% so với tháng 1/2014. Du khách Trung Quốc chính là yếu tố tạo nên sự đảo chiều này sau khi du lịch của xứ sở nụ cười giảm sút doanh thu do bị ảnh hưởng bởi cuộc đảo chính quân sự năm ngoái.

Theo Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT), chỉ trong tháng 1/2015, Thái Lan đã tiếp đón hơn 560 nghìn du khách Trung Quốc, chiếm hơn 1/5 tổng số khách nước ngoài. TAT còn thiết lập tài khoản trên trang Weibo - trang mạng xã hội phổ biến nhất Trung Quốc - với các nhân viên thành thạo tiếng Trung túc trực 24/24 để tương tác với du khách.

Trung Quốc và các nước châu Á khác chiếm gần hai phần ba tổng số khách du lịch đến Thái Lan trong tháng 3, tăng từ trên 50% năm ngoái, trong khi du khách châu Âu đã giảm từ 32% còn 21%.

Vào lúc tầng lớp trung lưu đang lên ồ ạt kéo nhau du hành trong và ngoài nước, gần như một trong 10 du khách quốc tế trên toàn cầu hiện nay là người Trung Quốc và con số du khách Trung Quốc đi ra nước ngoài dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 5 năm tới.

{keywords} 

Theo ước tính của Tổng cục Du lịch Trung Quốc (CNTA), từ tháng 1 đến tháng 11/2014, có khoảng 100 triệu du khách Trung Quốc ra nước ngoài, trong đó khoảng 85,4 triệu đến các nước châu Á, phần còn lại đi du lịch châu Âu và châu Phi.

Du khách Trung Quốc vượt qua người Mỹ và Đức để trở thành lực lượng du khách chi nhiều tiền nhất thế giới vào năm 2013, theo khảo sát của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO). Du khách Trung Quốc chi 128,6 tỷ USD, Mỹ 104,7 tỷ USD và Đức 91,4 tỷ USD.

Trong khi nhiều nước sốt sắng thu hút du khách Trung Quốc để thúc đẩy nền kinh tế địa phương, thì những vụ việc có liên quan đến du khách Trung Quốc có hành vi xấu cũng đã lan truyền. Nhiều nước phẫn nộ trước các hành vi xấu của một số du khách Trung Quốc như phơi đồ lót ở đền thờ, phóng uế bừa bãi nơi công cộng, đá vào chuông chùa và rửa chân ở bồn rửa mặt...

Tuy nhiên, người phát ngôn Chính phủ Thái Lan cho biết, gia tăng lợi nhuận từ du lịch là một ưu tiên của nước này nhằm bù đắp cho giá trị xuất khẩu thấp.

Do đó, Thái Lan đành phải dung thứ cho các hành vi phạm lễ nghi này vì lợi ích chung và lâu dài. Mặt khác, để giảm thiểu những hình ảnh phản cảm, ngành du lịch Thái cũng tích cực lên các chương trình tuyên truyền ý thức cho du khách Trung Quốc.

Đồng thời, Chính phủ Trung Quốc cũng quan tâm tới việc giáo dục và chấn chỉnh hành vi của du khách nước mình để không ảnh hưởng đến hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế.

(Theo DNSG)