Số lượng trái phiếu Chính phủ phát hành trong 5 năm qua tăng cao và có thể vẫn tiếp tục phát hành số lượng lớn trong thời gian tới. 

Gia tăng

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lượng vốn trái phiếu Chính phủ phát hành giai đoạn 2010-2015 đạt tổng cộng 846.926 tỷ đồng.

Vốn trái phiếu Chính phủ đã tăng rất nhanh qua các năm, từ 68.292 tỷ đồng năm 2010 lên 80.704 tỷ đồng năm 2011, lên 141.340 tỷ đồng năm 2012, 181.093 tỷ đồng năm 2013 và 248.024 tỷ đồng năm 2014.

Năm 2015 theo kế hoạch, trái phiếu Chính phủ phát hành 250.000 tỷ đồng, nhưng không đạt kế hoạch, cả năm chỉ phát hành khoảng 160.000 tỷ đồng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, tổng số vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015 và bổ sung giai đoạn 2014-2016 được Quốc hội cho phép triển khai trong giai đoạn 2011-2015 là 335.000 tỷ đồng.

Còn theo Bộ Tài chính, tổng lượng vốn phải huy động cho ngân sách trong năm 2016 là 409.000 tỉ đồng, trong đó, huy động cho bù đắp bội chi 254.000 tỉ đồng, chi cho đầu tư phát triển 60.000 tỉ đồng và phát hành đảo nợ khoảng 95.000 tỉ đồng.

{keywords}

Phát hành trái phiếu vượt mức khiến lo ngại rủi ro nợ công tăng cao.

Quan sát trên thị trường trái phiếu thời gian qua cho thất, khu vực ngân hàng và các tổ chức tín dụng thường mua tới 80% số lượng trái phiếu Chính phủ phát hành ra.

Theo các chuyên gia tài chính, việc này dẫn đến mất cân đối lớn giữa các kênh cung cấp vốn ra thị trường. Ngân hàng thương mại phải đảm đương vai trò cho vay, cả vốn ngắn hạn lẫn trung hạn và dài hạn, cho vay từ DN tới Chính phủ. Tình trạng này đã tạo ra gánh nặng quá lớn cho hệ thống ngân hàng, trong việc cung cấp vốn cho nền kinh tế.

Trong khi đó, ngân hàng chủ yếu đi vay ngắn hạn, nhưng mua trái phiếu Chính phủ thường là trung và dài hạn, do vậy luôn tồn tại tình trạng rủi ro thanh khoản xuất phát từ mất cân đối kỳ hạn. Khi hệ thống ngân hàng đóng vai trò chính trong việc cung cấp vốn cả ngắn hạn và dài hạn cho nền kinh tế, thì rủi ro thanh khoản phải đối mặt ngày càng lớn.

Lãnh đạo NHNN thừa nhận, không có mấy DN mua trái phiếu Chính phủ ngoại trừ ngân hàng, nhưng mua xong, nếu thiếu thanh khoản lại lên chiết khấu ở Ngân hàng Nhà nước. Điều đó có thể gây ra những hệ lụy.

Sức ép

Trong những năm tới, các nhà tài trợ quốc tế đang giảm dần vốn vay, đặc biệt là các khoản vay ưu đãi. Như vậy Chính phủ sẽ phải dựa nhiều vào vốn vay trong nước để bù đắp nhu cầu. Việc này sẽ giảm bớt rủi ro về tỷ giá so với vay nước ngoài. Nhưng sẽ tạo ra nguy cơ làm tăng lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng. Nên kỳ vọng giảm lãi suất cho vay sẽ rất khó khăn.

{keywords}

Chính phủ sẽ phải dựa nhiều vào vốn vay trong nước để bù đắp nhu cầu.

Trên thực tế, lạm phát cả năm 2015 chưa tới 1%, vậy nhưng lãi suất cho vay các DN đang "gánh" vẫn khá cao từ 7% -10%/năm, có khi lên tới 12%/năm.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam đã nhiều lần kêu gọi ngân hàng hạ lãi suất cho vay, giúp cho DN tiếp cận vốn dễ dàng hơn, bởi thực tế, có tới 70% số DN gặp khó khăn khi tiếp cận vốn vay. Tuy nhiên các ngân hàng cho biết không thể giảm lãi suất cho vay xuống thấp hơn, bởi nguyên nhân là do áp lực từ phát hành trái phiếu Chính phủ để huy động vốn.

Lãi suất trái phiếu Chính phủ năm 2015 đang ở mức từ 6%-7,8%/năm, tùy các kỳ hạn. Như vậy đã khiến cho mặt bằng lãi suất không thể giảm, bởi cho vay DN lãi suất thấp hơn so với trái phiếu Chính phủ thì không ngân hàng nào muốn, trong khi mua trái phiếu an toàn hơn cho DN vay.

Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa cho biết, đường cong lãi suất đang có xu hướng đi lên, lợi suất trái phiếu Chính phủ cũng đang đi lên mạnh mẽ, khó có thể cản trở được. Vẫn còn quá sớm để nói đến việc hình thành một mặt bằng lãi suất mới, nhưng áp lực tăng lãi suất đã hiển hiện tương đối rõ rệt.

Huy động trái phiếu Chính phủ thời gian tới sẽ gặp khó khăn hơn và phải chấp nhận lãi suất cao là điều khó tránh khỏi.

Trong khi đó, lãi suất là một biến số gắn liền với lạm phát. Nếu để lãi suất tăng lên từ 1% - 2% thôi, mọi cố gắng trước kia trong quản lý tài chính, tiền tệ, sẽ trở thành "muối bỏ bể", Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa nói.

Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim, khi Chính phủ tạo ra một kênh thanh khoản an toàn với lãi suất khá cao cho ngân hàng thương mại, thì họ không có nhiều động cơ hay chịu sự thúc ép phải cho vay khu vực tư nhân. Như vậy, các DN khó tiếp cận vốn, hoặc nếu vay được thì cũng phải chịu lãi suất cao, khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh tăng thêm rủi ro và giảm hiệu quả.

Không những thế, về bản chất, trái phiếu Chính phủ là khoản vay, tức là vay thì phải trả nợ gốc và nợ lãi. Điều này khiến gánh nặng nợ công tăng lên và tạo ra áp lực cân đối nguồn ngân sách Nhà nước để trả những khoản nợ đến hạn.

Trần Thủy