Tín hiệu tốt, Mỹ đảo chiều sau cú sụt giảm

Thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên cuối tuần 4/10 đồng loạt tăng điểm mạnh mẽ, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng hơn 370 điểm sau khi Bộ Lao động Mỹ cho biết tỷ lệ thất nghiệp của nước này giảm từ 3,7% hồi tháng 8 xuống 3,5%. Đây là mức thấp nhất trong 50 năm qua, kể từ tháng 12/1969.

Theo Bộ Lao động Mỹ, trong tháng 9, Mỹ có thêm 136 ngàn việc làm mới. Các số liệu việc làm các tháng trước cũng được điều chỉnh tăng so với ước tính ban đầu, tháng 8 từ 130 ngàn việc làm mới lên 168 ngàn, tháng 7 từ mức 159 ngàn lên 166 ngàn.

Đây là lý do khiến tỷ lệ thất nghiệp của nước Mỹ một lần nữa ghi nhận mức thấp kỷ lục mới trong vòng 50 năm qua. 

{keywords}
Biến động chỉ số công nghiệp Dow Jones Mỹ trong tuần.

Ngay sau khi báo cáo được công bố, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đăng dòng trạng thái trên Facebook với nội dung mỉa mai cuộc điều tra luận tội mà Đảng Dân chủ ở Hạ viện đang thực hiện nhắm vào cá nhân ông.

Theo đó, ông Trump hào hứng cho biết tỷ lệ thất nghiệp đã xuống 3,5% - mức thấp nhất trong 50 năm qua và mỉa mai đề nghị nước Mỹ hãy luận tội tổng thống của mình (Wow America, lets impeach your President) nhưng không quên cho biết “cho dù ông không làm gì sai” (even though he did nothing wrong!).

Trước đó, TTCK Mỹ đã có 2 phiên sụt giảm tổng cộng gần 840 điểm, một diễn biễn xấu ngang ngửa với khủng hoảng tài chính cách đây hơn 10 năm. Giới đầu tư khi đó bán tháo hầu hết cổ phiếu do lo ngại suy thoái kinh tế và cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump.

Nhiều nhà đầu tư sợ rằng một khi ông Trump bị kết tội, nền kinh tế sẽ có những biến động mạnh trong bối cảnh nước Mỹ đang tiến hành cải tổ lớn về mặt kinh tế, trong đó có những thỏa thuận thương mại với các đối tác lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, EU,...

Con số việc làm hồng hào nói trên đã giúp giảm bớt nỗi lo. Chỉ vài ngày trước đó, Mỹ công bố một chuỗi những số liệu kinh tế đáng thất vọng, từ chỉ số sản xuất sụt giảm cho tới sức tiêu dùng suy yếu,... làm dấy lên làn sóng lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế Mỹ. 

{keywords}
Ông Donald Trump khoe tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục 50 năm và mỉa mai đảng Dân chủ.

Tín hiệu việc làm tốt đã giúp lãi suất chính phủ Mỹ phát hành mới giảm, lợi suất trái phiếu đang lưu hành tăng và đồng USD cũng giảm, trong khi giá dầu tăng lên 53 USD/thùng.

Cùng với sự khởi sắc của chứng khoán Mỹ, cổ phiếu châu Âu cũng đồng loạt tăng trước đó. Thị trường Ấn Độ giao dịch ấn tượng sau cú cắt giảm lãi suất lần thứ 5 liên tiếp trong phiên cuối tuần vừa qua.

Với người Mỹ, số liệu việc làm tích cực có thể chưa đảo chiều đưa nền kinh tế vào một đợt tăng mới (sau đợt tăng bùng nổ hơn 2 năm qua) nhưng nó cũng đủ mạnh để làm át đi nỗi lo sợ suy thoái. Nó cũng không quá tích cực để khiến nước Mỹ trì hoãn việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.

Ông Trump lợi thế trước Trung Quốc

Trên CNBC, chuyên gia Steve Grasso đến từ Stuart Frankel cho rằng, báo cáo việc làm tháng 9 vừa đủ để xua đi nỗi lo suy thoái nhưng cũng không được như kỳ vọng, đủ thấp để khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải cân nhắc tiếp tục cắt giảm lãi suất thêm 1 lần nữa trong 2019.

Trong hơn 2 tháng qua (từ 31/7), Fed đã có 2 lần cắt giảm lãi suất, tổng cộng 50 điểm phần trăm xuống vùng 1,75-2%.

Theo công cụ FedWatch của CME Group, thị trường kì vọng xác suất Fed giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong lần họp tới khá cao, lên tới 79%. 

{keywords}
Niềm vui nhà đầu tư Mỹ.

Cũng theo Steve Grasso, con số việc làm trong tháng 9 "ở vùng vừa phải, không quá nóng và không quá lạnh", tạo dư địa cho Fed thực hiện tiếp những lần cắt giảm lãi suất (mà không chịu búa rìu dư luận trước những áp lực từ ông Donald Trump).

Hôm 1/10, ông Trump chỉ trích Fed, cho rằng Fed là "thủ phạm" gây ra sự suy giảm tệ hại nhất trong 10 năm của ngành sản xuất Mỹ. Theo ông Trump, Fed đã để đồng USD trở nên quá mạnh so với các đồng tiền khác và tất nhiên lãi suất ở mức “quá cao”.

Trên thực tế, ngay trong phiên cuối tuần 4/10, chủ tịch Fed Jerome Powell đã có những phát biểu nước đôi tương tự. Ông Powel nhận xét nền kinh tế Mỹ vẫn ở tình trạng tốt, nhưng đang đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức.

“Về tổng thể, nền kinh tế (Mỹ) - như là tôi muốn nói - đang ở trong tình trạng tốt. Những thách thức đối với nền kinh tế trong dài hạn là: tăng trưởng thấp, lạm phát thấp và lãi suất thấp,” ông Powel được MarketWatch dẫn lời tại một hội nghị của Fed. 

{keywords}
Cuộc chiến Mỹ-Trung căng thẳng và được cho là còn kéo dài.

Rõ ràng, những số liệu tốt xấu đan xen đang khiến triển vọng nền kinh tế Mỹ ở mức trung lập. Các số liệu không đủ tích cực để đưa nền kinh tế Mỹ trở lại với đà tăng trưởng trước đó, song cũng được xem là "vịnh tránh bão", giúp làm giảm lo ngại suy giảm tăng trưởng sau khi Mỹ đón nhận các chỉ số về sản xuất và dịch vụ đáng thất vọng trước đó.

Đồng thời, nó như món quà bất ngờ với ông Donald Trump trong bối cảnh tin xấu dồn dập đến và Hạ viện đang tiến hành cuộc điều tra luận tội ông Trump liên quan tới cáo buộc ông Trump hối thúc Ukraine điều tra hoạt động của con trai ông Joe Biden, cựu phó tổng thống và hiện là ứng cử viên tổng thống tiềm năng nhất của Đảng Dân chủ, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine hồi tháng 7.

Số liệu việc làm tích cực đủ để giúp chính quyền ông Donald Trump lấy lại lợi thế trước cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc trong tuần tới và cũng đủ để Fed tiếp tục hạ lãi suất, giúp ông Trump cuộc chiến dài hơi với không chỉ Bắc Kinh mà cả phía Đảng Dân chủ.

Ngay trước ngày đám phán, chính quyền ông Trump đã có thêm đòn thuế quan lên Trung Quốc, áp thêm 4 tỷ USD hàng hòa tủ gỗ, bàn ghế,... từ nước này vào Mỹ. Đã từ lâu, ông Trump cho rằng Trung Quốc có hoạt động thương mại không công bằng với Mỹ, từ thuế cao áp lên hàng hóa Mỹ, trợ giá sản xuất trong nước cho tới phá giá đồng Nhân dân tệ để hưởng lợi thương mại.

Mâu thuẫn giữa hai cường quốc hiện rất lớn. Cuộc chiến Mỹ-Trung gần đây không chỉ còn giới hạn ở lĩnh vực thương mại mà đã lan sang lĩnh vực công nghệ, tài chính vốn. Gần đây, có thông tin Nhà Trắng tính chuyện chặn nguồn vốn Mỹ và doanh nghiệp Trung Quốc thông qua việc hủy niêm yết cổ phiếu Trung Quốc không đảm bảo tính minh bạch như yêu cầu của các sàn chứng khoán Mỹ.

H. Tú