Nghĩa vụ trả nợ tăng lên
Chính phủ dự kiến đến cuối năm 2020 nợ công khoảng 56,8% GDP; nợ Chính phủ khoảng 50,8% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước ước khoảng 24,1%; nợ nước ngoài quốc gia khoảng 47,9% GDP...
Như vậy, đến cuối năm 2020 về cơ bản dự kiến các chỉ tiêu nợ so với GDP duy trì trong các ngưỡng an toàn được Quốc hội cho phép.
Tuy nhiên, sang năm 2021, vấn đề sẽ khác dù rằng tỷ lệ nợ công trên GDP vẫn ổn. Năm 2021, Chính phủ đề ra nhiệm vụ huy động vốn vay của Chính phủ cho cân đối ngân sách Trung ương năm 2021 khoảng hơn 579 nghìn tỷ đồng, bao gồm: vay bù đắp bội chi ngân sách Trung ương khoảng trên 318 nghìn tỷ đồng; vay để trả nợ gốc của ngân sách Trung ương khoảng trên 260 nghìn tỷ đồng.
Nợ công trên GDP giảm song nghĩa vụ trả nợ công vẫn đang tăng. |
Đáng chú ý, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 368.276 tỷ đồng, trong đó trả nợ trong nước khoảng 323.093 tỷ đồng và nước ngoài khoảng 45.183 tỷ đồng; bằng khoảng 27,4% so với thu ngân sách nhà nước.
Với nghĩa vụ trả nợ có thể lên tới 27,4% so với thu ngân sách, có thể thấy chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước đã vượt ngưỡng Quốc hội cho phép đối với giai đoạn 2016-2020 là 25%. Nguyên nhân chủ yếu do các khoản trái phiếu Chính phủ trong nước phát hành trong giai đoạn trước đây đáo hạn ở mức cao vào năm 2021 (187.001 tỷ đồng, chiếm 13,9% thu ngân sách nhà nước).
Chính phủ cũng lưu ý: Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước có xu hướng tăng nhanh và có khả năng vượt ngưỡng 25% trong một số năm trong giai đoạn tới do lịch trả nợ gốc không đồng đều, tập trung cao vào một số năm. Vấn đề này một mặt làm giảm mạnh dư địa cho nhiệm vụ chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên của ngân sách nhà nước, mặt khác tiềm ẩn rủi ro đối với an ninh tài chính quốc gia, có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến hệ số tín nhiệm quốc gia.
"Áp lực cân đối thanh khoản, bố trí nguồn lực ngân sách nhà nước để trả nợ đến hạn (chủ yếu là nợ trái phiếu Chính phủ) là không nhỏ trong trường hợp không kiềm chế hiệu quả yêu cầu vay vốn để bù đắp cân đối ngân sách trung ương, hoặc không tích cực triển khai nghiệp vụ quản lý nợ chủ động (như hoán đổi, mua lại công cụ nợ trước hạn... ), đặc biệt trong bối cảnh dư địa tăng thu ngân sách giai đoạn tới gặp khó khăn", Chính phủ lưu ý.
Trước tình hình này, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cũng đã đề nghị Chính phủ “đặc biệt lưu ý” về nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ có thể chạm ngưỡng 25% tổng thu ngân sách nhà nước, là “dấu hiệu nguy hiểm”, gây rủi ro và giảm mức an toàn tài chính quốc gia.
Vì vậy, đề nghị Chính phủ xây dựng các chỉ tiêu an toàn nợ công, đảm bảo không phá vỡ ổn định kinh tế vĩ mô dựa trên cơ sở báo cáo đầy đủ, chính xác về kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2021-2025 theo đúng quy định của Luật Quản lý nợ công.
Mất 1/4 thu ngân sách trả nợ
Theo báo cáo của Chính phủ, dự báo đến cuối năm 2021 nợ công khoảng 46,1% GDP trên cơ sở GDP đánh giá lại (khoảng 58,6% trên cơ sở GDP chưa đánh giá lại), nợ Chính phủ khoảng 41,9% GDP trên cơ sở GDP đánh giá lại (khoảng 53,2% trên cơ sở GDP chưa đánh giá lại); nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước có thể lên mức 27,4%, cần có biện pháp để kiểm soát chỉ tiêu này.
Những con số này cho thấy nếu tính theo GDP điều chỉnh, tỷ lệ nợ công trên GDP và nợ chính phủ trên GDP sẽ giảm mạnh. Song, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách không giảm, thậm chí tăng lên.
Điều này được PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), giải thích tại buổi công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2020 rằng: Việc đánh giá tỷ lệ nợ công trên GDP có thể gây ra dự địa ảo vì GDP không thống kê được chính xác. Nó rất mơ hồ. Thước đo nợ công phải là tỷ lệ nợ công trên thu ngân sách. Con số này không hề giảm, ngày càng tăng lên vì thu ngân sách không tăng lên nhiều. Cho nên tỷ lệ trả nợ trên thu ngân sách sẽ tăng vọt. Thực tế nghĩa vụ trả nợ trên tổng thu ngân sách đang tiến tới trần Quốc hội cho phép.
Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực đồng tình với nhận định nghĩa vụ trả nợ tăng lên khi nhiều trái phiếu Chính phủ phát hành trước đây đến hạn phải trả.
Ông Cấn Văn Lực cho rằng đây là vấn đề phải để ý kiểm soát trong một vài năm tới. “Với GDP điều chỉnh, các chỉ số, hệ số, chỉ tiêu quan trọng liên quan mức độ rủi ro của Việt Nam sẽ được giảm thiểu hơn 10 điểm phần trăm. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là tính hiệu quả của nợ công. Nhật Bản nợ công tương đương 240% GDP nhưng họ vẫn ổn, xếp hạng tín nhiệm vẫn cao vì họ sử dụng vốn hiệu quả. Tất nhiên chúng tôi kiến nghị điều chỉnh giảm dần nợ công về hướng bền vững hơn như các nước EU là nợ công ở mức 40% GDP”, ông Lực nói.
Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu lưu ý việc đưa ra chỉ tiêu nợ công trên GDP là chưa thực sự an toàn. Bởi năm nào GDP tăng lên thì tỷ lệ nợ công trên GDP giảm xuống và ngược lại năm nào GDP giảm xuống thì tỷ lệ nợ công trên GDP lại tăng lên. Do đó, bên cạnh tỷ lệ nợ công trên GDP là bao nhiêu phần trăm, chúng ta nên làm một việc như Mỹ làm. Đó là đưa ra một con số tuyệt đối cho nợ công. Với tỷ lệ nợ công trên GDP và con số tuyệt đối, cái nào đạt được trước hoặc gần chạm trần trước thì phải đưa ra Quốc hội thảo luận và Chính phủ giải trình, có kế hoạch để giảm nợ công xuống.
Còn PGS.TS Phạm Thế Anh nhấn mạnh: “Chúng ta mất 1/4 tổng thu ngân sách chỉ để trả nợ gốc và lãi hàng năm, làm gì còn vốn phát triển nữa. Cho nên tiếp tục cải cách hệ thống ngân sách phải được ưu tiên hàng đầu vì chi thường xuyên chiếm 65% tổng thu ngân sách, thậm chí là hơn. Năm nay có khả năng chi thường xuyên cao hơn. Tuy nhiên, cải cách hệ thống ngân sách không thể không gắn liền cải cách thể chế. Ngoài việc chống dịch Covid-19, chúng ta không thể trì hoãn các cải cách căn bản của nền kinh tế nhằm giảm thiểu rủi ro trong tương lai”.
Lương Bằng
Sức ép trả nợ công, những con số chỉ báo mới
Báo cáo của Chính phủ về tình hình nợ công năm 2020 và dự kiến năm 2021 cho thấy nhiều con số đáng chú ý về nợ của quốc gia.