Tiền lớn đổ vào ngân hàng

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến giữa tháng 8/2020, huy động vốn toàn hệ thống tăng gần 6,3% còn tín dụng chỉ tăng 4,13%. Mặc dù lãi suất huy động liên tục giảm nhưng tiền tiết kiệm vẫn đổ về ngân hàng. Trong khi các cá nhân và doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt lớn, phần lớn vẫn để trong ngân hàng, thì việc tìm khách hàng cho vay không dễ dàng.

Thừa tiền, các ngân hàng phải đẩy mạnh mua trái phiếu Chính phủ dù lãi suất thấp. Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho thấy, trong tháng 8 đã huy động thành công 22,8 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ thông qua đấu thầu. Còn tính từ đầu năm đến 31/8, huy động đạt hơn 1,23 triệu tỷ đồng.

Ngoài ra, các ngân hàng còn đẩy mạnh mua trái phiếu doanh nghiệp. Các ngân hàng hiện vẫn là tổ chức mua trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất, đặc biệt là trái phiếu bất động sản. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2020, các ngân hàng đã mua hơn 28.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, chiếm 40% tổng lượng phát hành.

{keywords}
Các ngân hàng đang dồi dào tiền mặt do cá nhân, DN gửi nhiều

Với việc chạy đua cạnh tranh để đẩy nguồn vốn cho vay ra thị trường, lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các ngân hàng vẫn trong chiều hướng giảm. Ngay đầu tháng 9, Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã đưa ra biểu lãi suất huy động tiết kiệm mới, trong đó lãi suất kỳ hạn 1 tháng chỉ còn 2,85%/năm, giảm tới 0,3 điểm phần trăm so với tháng 8/2020; lãi suất huy động các kỳ hạn từ 2 đến 5 tháng cũng chỉ xoay quanh mức 3-3,4%/năm.

Một số ngân hàng khác cũng giảm lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn dưới 6 tháng. Đơn cử, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng trả lãi cuối kỳ của Ngân hàng Á châu (ACB) chỉ còn 3,8%/năm; Ngân hàng Sài Gòn (SCB) là 3,94%/năm,... Thậm chí, nhiều ngân hàng niêm yết lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng với 5 tháng cùng một mức 3,94%/năm, như Ngân hàng Phát triển nhà TP.HCM (HDBank), Ngân hàng Hàng hải (MSB),...

Ngân hàng Nhà nước đánh giá, mặt bằng lãi suất huy động hiện phổ biến ở mức 0,1- 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; từ 2,85 - 4,25%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4- 6,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,0-7,3%/năm.

Cùng với đó, lãi suất cho vay cũng giảm tại nhiều ngân hàng. Đầu tháng 9, các ngân hàng thương mại cổ phần đã giảm lãi suất phổ biến khoảng 0,23 điểm %/năm đối với những khoản vay ngắn. Một số ngân hàng liên doanh và nước ngoài giảm lãi suất cho vay từ 0,58-0,74%/năm đối với những khoản vay sản xuất kinh doanh thông thường.

Mức lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh từ 8-8,81%/năm kỳ hạn ngắn và 9,87-10,34%/năm ở trung dài hạn. Riêng đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, lãi suất vay tối đa 5%/năm; còn những khoản vay đầu tư, kinh doanh bất động sản được áp dụng ở mức cao 12%/năm.

Trông chờ khách hàng cá nhân

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim, dù ngân hàng có giảm thêm lãi suất cho vay cũng không tác động nhiều đến tăng trưởng tín dụng. Bởi, vấn đề mấu chốt là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân đang khó khăn nên khả năng vay vốn rất hạn chế. Điều này đồng nghĩa với việc cho vay của ngân hàng gặp trở ngại.

{keywords}
Ngân hàng giảm lãi suất đẩy mạnh cho vay mua nhà, mua ô tô

Công ty Chứng khoán VnDirect nhận định, nhu cầu tín dụng các tháng cuối năm vẫn ở mức thấp do nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động. Trong cả năm 2020, tín dụng toàn hệ thống sẽ tăng khoảng 9-10% so với cùng kỳ.

Còn theo Công ty Chứng khoán SSI, ngay cả mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 10% cũng rất khó hiện thực. Muốn đạt được, tín dụng các tháng cuối năm phải tăng trưởng tương đương cùng kỳ năm ngoái. Điều này khó xảy ra trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên toàn thế giới và chuỗi sản xuất vẫn đang bị đứt gãy.

Trong khi đó, tiền gửi tiết kiệm dự báo vẫn tiếp tục chảy vào ngân hàng từ nay đến cuối năm. Thị trường bất động sản trầm lắng, trái phiếu doanh nghiệp, vàng và chứng khoán luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro,... cộng với tình hình đại dịch Covid-19 còn phức tạp, người dân vẫn muốn cất tiền trong ngân hàng.

Nhiều ngân hàng đang chọn giải pháp đẩy mạnh cho vay tiêu dùng từ nay đến cuối năm. Lãi suất cho vay tiêu dùng kỳ hạn 6-12 tháng được nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm thấp, không còn chênh lệch so với lãi suất huy động là bao với mong muốn thúc đẩy khách hàng vay mua nhà, mua xe, mua đồ gia dụng,...

Cụ thể, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay mua nhà đất từ 7,5%/năm xuống còn 6,5%/năm; vay mua ô tô, tiêu dùng còn 6,8%/năm. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) dành 30.000 tỷ đồng cho cá nhân vay với lãi suất từ 5,5%/năm đối với khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng và 6%/năm cho khoản vay từ 6-12 tháng... Các ngân hàng đồng loạt coi tín dụng tiêu dùng là giải pháp thúc đẩy tăng trưởng giai đoạn cuối năm, vì vậy lãi suất cho vay sẽ còn giảm.

Trên thực tế, sức khỏe của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng suy yếu, ngân hàng lại không thể hạ chuẩn tín dụng, nên cơ hội tiếp cận vốn càng bị thu hẹp. Nếu không cứu doanh nghiệp, để họ rời khỏi thị trường, nền kinh tế sẽ mất động lực tăng trưởng, người lao động mất việc làm ngày càng tăng, sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Trần Thủy