Phần lớn đánh giá đều cho thấy, cuộc chiến thương mại không mang đến thịnh vượng cho thế giới. Tuy nhiên, nó có thể làm cho thế giới cân bằng hơn. Mỗi một cuộc chiến có thể là cơn ác mộng đối với nhiều đối tượng nhưng lại là cơ hội để nhiều người vươn lên.

Theo Asia Times, một nhà cung cấp của Huawei vừa phải đưa ra quyết định cho nhân viên tạm nghỉ 3 đến 6 tháng do hoạt động kinh doanh giảm sút trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang.

Good Mark New ở Quảng Đông, Trung Quốc - một doanh nghiệp chuyên sản xuất các phôi nhựa và các thành phần máy CNC cho Công ty công nghệ Huawei và các công ty công nghệ Trung Quốc khác đã yêu cầu nhân viên hợp tác và cùng nhau đối mặt với khó khăn.

Theo đó, tất cả khoảng người lao động sẽ nhận được tiền lương trong các ngày nghỉ, nhưng chỉ được thanh toán nguyên lương trong tháng đầu tiên. Các tháng tiếp theo lương sẽ giảm đi, công nhân chỉ nhận được 80% mức lương tối thiểu, tương đương khoảng 170 USD/tháng. 

{keywords}
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Hồi cuối tháng 5, Flex - một công ty có trụ sở tại Singapore và niêm yết cổ phiếu trên Nasdaq Mỹ cũng đã yêu cầu các công nhân ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) nghỉ việc một tuần sau khi họ quyết định dừng các hợp đồng sản xuất cho Huawei.

Bản thân Huawei, nhà cung cấp điện thoại thông minh có doanh số đứng thứ 2 trên thế giới, chịu ảnh hưởng rất lớn và có thể đối mặt với nguy cơ không chỉ tụt giảm thị phần mà còn có thể suy sụp nếu các hãng công nghệ lớn trên thế giới quay lưng.

Trong một thông báo mới nhất, Facebook cho biết họ sẽ không cho phép cài đặt sẵn các ứng dụng Facebook, WhatsApp và Instagram trên điện thoại mới của Huawei. Trước đó, Google cũng đã tính cũng ngừng cung cấp dịch vụ cho Huawei. Gần đây, nhiều hãng công nghệ lệnh nhân viên không liên lạc Huawei cho dù chưa có lệnh cấm từ Bộ Thương mại Mỹ. Nhà mạng hàng đầu Nhật Bản SoftBank cũng đã từ chối Huawei, thay vào đó chọn Nokia và Ericsson làm nhà cung cấp thiết bị mạng 5G.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến Huawei suy sụp nhanh chóng. Đây là cơ hội lớn cho các hãng điện thoại khác. Samsung được đánh giá là có thể hưởng lợi lớn nhất, sau đó có thể là Apple, Xiaomi,...

Samsung đang có những động thái cơ cấu lại các dòng điện thoại của mình để chớp cơ hội, với việc phát hành thêm nhiều dòng diện thoại tầm trung.

Tại Việt Nam, cơ hội cho Vsmart của Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng rất lớn. Trong vài năm gần đây, Huawei bắt đầu tấn công mạnh vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, trong khoảng 1 tháng qua việc bán các sản phẩm điện thoại Huawei có dấu hiệu khó khăn và giá giảm theo xu hướng chung trên thế giới do khách hàng lo sợ điện thoại Huawei sẽ không trở thành “cục gạch” nếu không có các phần mềm và dịch vụ của các hãng công nghệ lớn trên thế giới như Facebook, Google,...

Vsmart của ông Phạm Nhật Vượng mới ra mắt được khoảng 6 tháng nhưng đã kịp có mặt trên các kệ trong hệ thống bán lẻ của chính tập đoàn Vingroup, và các chuỗi bán lẻ lớn như Thế Giới Di Động, FPT Shop, Viettel và thậm chí còn xuất sang thế giới với các chuỗi lớn tại Tây Ban Nha (chuỗi MediaMarkt), vào Myanmar, cũng như đang nhắm tới các thị trường Ấn Độ, Thái Lan, Lào và Campuchia.

Chỉ một thời gian ngắn ra mắt, theo GfK, Vsmart đã chiếm khoảng 2% thị phần di dộng Việt Nam và đuổi kịp Mobiistar. Với việc hãng điện thoại số 2 thế giới Huawei đang đối mặt với nguy cơ sụp đổ, cơ hội cho các nhà sản xuất điện thoại Việt Nam trong đó có Vsmart tại Việt Nam và cả thế giới đang lớn hơn bao giờ hết.

Vingroup (VIC) của ông Phạm Nhật Vượng gần đây mở sang rất nhiều lĩnh vực khác, trong đó có công nghệ. Hệ sinh thái rộng lớn cùng với nỗ lực tập trung vào khoa học kỹ thuật có thể mang đến cú bứt phá cho tập đoàn này nói riêng và góp phần vào nền kinh tế Việt Nam.

Cổ phiếu VIC của ông Vượng hiện ở vùng cao lịch sử: khoảng 120 ngàn đồng/cp.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), giao dịch vẫn khá ảm đạm. Áp lực bán có dấu hiệu gia tăng trở lại. Tuy nhiên, thị trường vẫn chứng kiến một số điểm sáng trong đó có nhóm dầu khí đang hồi phục, nhóm cổ phiếu hạ tầng khu công nghiệp hút dòng tiền nhờ tín hiệu dòng vốn đổ về Việt Nam do chiến tranh thương mại.

Một số cổ phiếu chủ chốt giữ được nhịp tăng như: Sabeco, Vingroup, Thế Giới Di Động, Masan, Bảo Việt, Vietcombank,...

Một số công ty chứng khoán (CTCK) vẫn có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Theo Chứng khoán Rồng Việt, dòng tiền trên thị trường vẫn đang khá ổn định và có xu hướng tập trung hơn vào các cổ phiếu vừa và nhỏ có câu chuyện riêng. Nhà đầu tư có thể tận dụng để cơ cấu lại danh mục nhưng cũng cần hạn chế sự hưng phấn vì rủi ro “bulltrap” chưa thể loại bỏ hoàn toàn.

Còn theo BVS, thị trường được dự báo sẽ gặp áp lực rung lắc, điều chỉnh khi tiếp cận vùng kháng cự 965-968 điểm trong một vài phiên kế tiếp. Trong kịch bản tích cực, nếu chỉ số bứt phá thành công qua vùng kháng cự này, thì đích đến tiếp theo sẽ là vùng hỗ trợ then chốt 977-983 điểm.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/6, VN-Index tăng 4,62 điểm lên 962,9 điểm; HNX-Index giảm 0,21 điểm xuống 103,99 điểm và Upcom-Index tăng 0,23 điểm lên 54,83 điểm. Thanh khoản đạt 180 triệu đơn vị, trị giá 4,2 ngàn tỷ đồng.

V. Minh