Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) vừa công bố thông tin về việc chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Xây dựng và Phát triển Nhà Hoàng Anh (HAGL Land).

Theo đó, HĐQT của HAGL đã thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ 196.368.900 cổ phần, tương ứng 47,93% vốn điều lệ, thuộc sở hữu tại HAGL Land sang cho CTCP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh - một công ty con của Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương.

Như vậy, đây là bước đi tiếp theo của Bầu Đức sau khi chuyển nhượng phần lớn cổ phần ở mảng nông nghiệp cho doanh nghiệp của ông Trần Bá Dương.

HAGL Land là công ty con quản lý mảng bất động sản của HAGL, trực tiếp nghiệp đầu tư khu phức hợp Myanmar Center trên diện tích nhiều hecta đất vàng tại Yangon. Tuy nhiên, từ cuối 2018, HAGL đã giảm tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp này sau khi chào bán cổ phần riêng lẻ để tăng vốn. HAGL Land trở thành công ty liên kết và giờ HAGL thoái toàn bộ vốn. 

{keywords}
HAG chuyển nhượng gần 200 triệu cổ phiếu HAGL Land cho Quang Minh của tỷ phú Trần Bá Dương.

Khu phức hợp Myanmar Center được khởi công từ tháng 6/2013 với tổng mức đầu tư ban đầu là 440 triệu USD. Giai đoạn 2 của dự án được khởi công vào tháng 3/2016, tổng vốn đầu tư 230 triệu USD. Đây là dự án được xem như biểu tượng thành công của Bầu Đức thời kỳ hoàng kim, cũng là dự án đi đầu của doanh nhân Việt Nam tiến vào thị trường Myanmar.

Tới tháng 8/2018, HAGL của Bầu Đức đã ký hợp đồng hợp tác chiến lược với Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương. Theo đó, Thaco sẽ chịu trách nhiệm chính đối với dự án tại Myanmar và đẩy nhanh việc xây dựng giai đoạn 2 để thành vào năm 2022 theo cam kết với Chính phủ Myanmar.

Theo thỏa thuận được 2 bên ký kết hồi tháng 8/2018, Thaco và nhóm cổ đông sẽ sở hữu 35% tổng số cổ phần của HAGL Agrico (doanh nghiệp quản lý mảng nông nghiệp của HAGL). Thaco cũng sẽ sở hữu 65% Công ty HAGL Myanmar.. 

{keywords}
Bầu Đức và dự án BĐS ở Myanamr.

Theo chiến lược, số tiền mà Thaco hỗ trợ HAGL để tái cơ cấu nợ và thu xếp vốn đầu tư thực hiện chiến lược phát triển bền vững lên tới khoảng 1 tỷ USD. Đây là một thương vụ hợp tác lớn nhất và nhận nhiều hoài nghi nhất từ trước đến nay trên sàn chứng khoán Việt Nam đối với 2 doanh nghiệp trong nước.

Sau hơn 1 năm, HAGL và HAGL Agrico đã thoát khỏi tình cảnh khó khăn. Mặc dù vậy, khó khăn vẫn còn nhiều. Hồi giữa tháng 9, HAGL Agrico công bố thông tin về tình hình ngập lụt vùng dự án cây ăn trái của doanh nghiệp này tại Lào.

Theo đó, vào những ngày đầu tháng 9/2019, do ảnh hưởng của hai cơn áp thấp nhiệt đới từ Biển Đông gây nên tình trạng mưa lớn tại các tỉnh miền Trung Việt Nam và các tỉnh Nam Lào; đồng thời các nhà máy thủy điện đã tiến hành xả lũ để đảm bảo an toàn hồ đập, do vậy nước tại các lưu vực sông Sê Kông quanh vùng dự án Công ty TNHH PTNN Hoàng Anh Attapeu dâng cao bất thường đã tràn vào gây ngập một số diện tích cây trồng của vùng dự án. Đây là hiện tượng thời tiết bất thường chưa từng xảy ra tại Lào.

Theo HAGL Agrico, các diện tích ngập lụt rất lớn. Diện tích chuối ngập khoảng 1.200ha đang trong giao đoạn chuẩn bị thu hoạch. Các diện tích cây ăn trái khác (chủ yếu là cây mít) ngập khoảng 300ha đang trong giai đoạn phát triển cho ra trái. 

{keywords}
Tỷ phú Trần Bá Dương.

Một lĩnh vực được kỳ vọng rất lớn là bò thịt và bò sữa cũng không hề ghi nhận doanh thu trong 6 tháng đầu năm. Dự án chăn nuôi bò thịt và bò sữa hàng trăm ngàn con, ngồi Việt Nam bán khắp Đông Nam Á, của Bầu Đức gặp khó khăn và đổ bể.

Theo kế hoạch, Thaco sẽ chuyển đổi những khu đất mà HAGL vốn dùng để trồng cao su, cọ dầu ở Lào và Campuchia để trồng cây ăn quả, trong đó trọng tâm là chuối để đáp ứng các hợp đồng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Thị trường chứng khoán (TTCK), trong phiên giao dịch 2/10, VN-Index giảm nhẹ và thêm 1 lần thất bại trước ngưỡng 1.000 điểm. Nhiều mã blue-chips giảm điểm đã tác động tiêu cực tới thị trường như: Thế Giới Di Động, Vingroup, Vinhomes, Vincom Retail, Hòa Phát, Masan, Vietcombank, Vinamilk…

Các CTCK tiếp tục đưa ra những dự báo thận trọng.

Theo YSVN, áp lực điều chỉnh vẫn còn rất lớn và VN-Index có thể sẽ chưa thể vượt hoàn toàn được mức 1.000 điểm. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn của chỉ số VN30 vẫn đang ở mức cao cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn cần thận trọng trong việc mua đuổi ở nhịp tăng. Điểm tích cực là thị trường vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực. Ngoài ra, tỷ trọng cổ phiếu vẫn duy trì ở mức cao cho thấy chiến lược ngắn hạn là vẫn duy trì tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 1/10, VN-Index tăng 3,03 điểm lên 999,59 điểm; HNX-Index tăng 0,8 điểm lên 105,85 điểm và Upcom-Index tăng 0,06 điểm lên 56,84 điểm. Thanh khoản đạt 240 triệu đơn vị, trị giá 5,2 ngàn tỷ đồng.

V. Hà