Dòng tiền lớn ồ ạt đổ vào khiến các đại gia trên sàn chứng khoán tiếp tục giàu chưa từng có, ngàn tỷ giờ đây trở nên bình thường. Sau nhiều năm đen đủi, đây là thời điểm niềm vui trở lại với nhiều doanh nhân như ông Nguyễn Quốc Cường (Cường Đôla), Ngô Chí Dũng…
Sau một đợt điều chỉnh giảm, cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai (QCG) của nhà ông Nguyễn Quốc Cường (Cường Đôla) đang vững giá ở mức trên dưới 20 ngàn đồng/cp. So với mức giá đỉnh cao gần 30 ngàn đồng/cp ghi nhận hồi cuối tháng 6, cổ phiếu QCG đã giảm nhiều nhưng vẫn đang ở mức rất cao nếu so với mức giá 5.000 đồng/cp chỉ cách đây chưa đầy 6 tháng.
Với tỷ lệ nắm giữ hơn 50%, gia đình nhà ông Nguyễn Quốc Cường đang nắm giữ khoảng 2,6 ngàn tỷ đồng tài sản quy ra từ cổ phiếu QCQ. Đó là chưa kể đến các doanh nghiệp bất động sản riêng của nhà đại gia phố núi.
Lý do khiến cổ phiếu QCG tăng mạnh và hút một lượng tiền lớn một phần là nhờ thị trường chứng khoán sôi động trong suốt 9 tháng đầu năm. Việc QCG xử lý thành công nợ ngắn hạn bằng việc bán dự án Phước Kiển cùng kết quả kinh doanh quý 2 tốt là cơ sở để cổ phiếu này tăng vọt.
Gần đây, giới đầu tư chứng kiến sự trở lại của Cường Đôla với những chiếc siêu xe mới, trị giá hàng chục tỷ đồng cùng với những hotgirl hàng đầu.
Ông Nguyễn Quốc Cường. |
Ông Nguyễn Quốc Cường hiện tại là phó chủ tịch kiêm phó TGĐ Quốc Cường Gia Lai và được xem là doanh nhân thế hệ 2 cùng góp sức gánh vác doanh nghiệp gia đình. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Loan (chủ tịch QCG) vẫn được xem là người chèo lái hoạt động của doanh nghiệp này.
Cường đôla là cái tên nổi bật trong giới giới showbiz và tay chơi có tiếng trong giới chơi siêu xe. Trước đây, mọi người đều biết ông Cường và vợ Hồ Ngọc Hà đã trải qua một cuộc chia tay nhiều ồn ào sau 8 năm chung sống.
Cuộc tình gần nhất với hot girl người mẫu kiêm diễn viên Hạ Vi dường như cũng đã tan vỡ. Gần đây, ông Nguyễn Quốc Cường đang được đồn đoán có bạn gái mới là người mẫu có gốc cũng ở phía Bắc.
Hiện tại, Cường đôla vẫn sở hữu một số lượng ít ỏi cổ phiếu QCG nhưng sở hữu dàn siêu xe như: Lamborghini, Murcielago LP640, Audi A8L, Rolls-Royce Ghost, Bentley... và gần đây nhất là McLaren 650S Spider.
Dòng tiền nội ngoại hiện vẫn đang đổ vào hầu hết các cổ phiếu. Thông tin từ VPBank cho biết, 3 cá nhân đã rót hơn 6,4 ngàn tỷ đồng mua cổ phiếu phát hành riêng lẻ của ngân hàng này. Những nguồn tiền khổng lồ này đang giúp các doanh nghiệp cũng như ngân hàng gia tăng mạnh vốn chủ sở hữu. Quy mô vón hóa của các doanh nghiệp cũng tăng mạnh.
Tính từ đầu năm tới nay, khối ngoại đã mua ròng khoảng 650 triệu USD trên TTCK Việt Nam. Các nhà đầu tư trong nước cũng bơm tiền rất mạnh.
Tính chung, vốn hóa trên thị trường chứng khoán đã tăng khoảng 1,7 lần trong vòng gần 9 tháng qua lên 120 tỷ USD. Riêng cổ phiếu VJC của Vietjet Air tăng vọt lên đỉnh cao kỷ lục mọi thời đại: gần 105 ngàn đồng/cp. Vốn hóa của doanh nghiệp này đã vượt ngưỡng 2 tỷ USD.
Hàng loạt các doanh nghiệp khác cũng có vốn hóa cao kỷ lục như: Vietcombank (VCB), Sabeco (SAB), Hòa Phát (HPG), Thế Giới Di Động (MWG)... Tài sản của nhiều doanh nhân như Trần Đình Long, Nguyễn Đức Tài, Ngô Chí Dũng… cũng lên mức cao kỷ lục.
Về tổng thể, theo nhiều CTCK, thị trường chứng khoán có triển vọng tốt về dài hạn do quy mô và chất lượng tiếp tục tăng. Sức cầu của khối ngoại và triển vọng tốt của các doanh nghiệp đầu ngành đang nâng đỡ thanh khoản và thị trường. Tuy nhiên, áp lực chốt lời khiến thị trường khó tăng mạnh.
Trong thời gian tới, dòng tiền được dự báo sẽ chảy vào các doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh quý 3 tốt. Đó là nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng…
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/9, VN-index tăng 3,2 điểm lên 807,13 điểm; HNX-Index tăng 0,77 điểm lên 106,52 điểm. Upcom-Index tăng 0,06 điểm lên 54,55 điểm. Thanh khoản đạt 256 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt khoảng 4,8 ngàn tỷ đồng, ngang bằng so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.
H. Tú