Quốc hội sáng 21/10 thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội, công tác phòng chống dịch Covid-19 và việc triển khai các giải pháp đặc biệt trong chống dịch, đây là nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm.

Tại tổ thảo luận số 2, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long (ĐBQH tỉnh Vĩnh Long) dành gần 30 phút trong phần phát biểu chia sẻ về quãng thời gian chống dịch trong 2 năm qua.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của nhân dân, dịch cơ bản được kiểm soát tốt, kể cả ở những vùng tâm dịch như TP.HCM, Bình Dương, Long An… với các chỉ số về ca nhiễm, ca tử vong giảm rõ rệt.

{keywords}
Bộ trưởng Y tế phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Bộ trưởng cho biết, đây là “cuộc chiến” chưa có tiền lệ, phạm vi và mức độ ảnh hướng lớn, tác động sâu sắc, toàn diện đến mọi mặt đời sống KT-XH và sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt, ảnh hưởng sinh mạng, sức khỏe người dân.

“Đảng, Nhà nước khẳng định phải hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân”, ông Long nhấn mạnh.

Phân tích về đợt dịch bùng phát lần thứ 4, người đứng đầu ngành y tế nêu nhiều yếu tố cho thấy tính phức tạp.

Với biến thể Delta, thế giới coi đây như một đại dịch mới, gây ra tác động, đảo ngược lại tất cả thành tựu chống dịch của các nước, kể cả nước phát triển và có tỷ lệ tiêm chủng cao. Với Việt Nam cũng “rất căng thẳng” khi ứng phó với biến chủng này.

Cũng qua 2 năm chống dịch, có nhiều quyết định rất khó khăn, điển hình như việc giãn cách xã hội. Tháng 4/2020, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định giãn cách xã hội toàn quốc trong 2 tuần, tình hình khác với hiện nay về số ca nhiễm.

{keywords}
Người dân TP.HCM sau giai đoạn giãn cách. Ảnh: Thanh Tùng

Còn với giai đoạn vừa qua, việc giãn cách xã hội rất khó khăn, nhất là với 19 tỉnh, thành phía Nam. Chỉ thị tăng cường giãn cách xã hội tiếp tục được áp dụng ở một số nơi với tinh thần “ai ở đâu ở đó”, người dân hạn chế ra khỏi nhà.

Lần này, nhờ Nghị quyết 30 của Quốc hội đã "mở đường" cho Chính phủ thực hiện các biện pháp tương tự trường hợp khẩn cấp, nhưng không ban bố tình trạng khẩn cấp.

Dẫn chứng điển hình ở TP.HCM, Bộ trưởng Y tế cho biết khi đưa ra quyết định giãn cách, tăng cường giãn cách đã phải rất cân nhắc, tính toán vì lo cho cuộc sống 4 triệu người dân khó khăn với TP là một thách thức rất lớn.

Một quyết định lịch sử khác được ông Long nhắc đến là việc điều động số lượng lớn chưa từng có, lên tới khoảng 300.000 lượt người, gồm cả y tế, công an và quân đội. “Đây là lần điều động lớn nhất, là quyết định rất cam go trong thời khắc lịch sử”, ông Long chia sẻ.

Quyết định thứ ba là việc thiết lập các phòng cấp cứu và trung tâm hồi sức tích cực ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

“Khi ca nhiễm tăng nhanh trong thời gian rất ngắn, hệ thống y tế không thể đáp ứng nổi. TP.HCM so với các nơi khác có nền tảng y tế tốt nhất, nhưng bệnh nhân tăng nhanh, nhiều bệnh nhân nặng cấp cứu nên chúng ta đã quyết định thành lập trung tâm hồi sức tích cực và phải điều những lực lượng thậm chí chưa bao giờ làm việc đó cùng vào cuộc”, người đứng đầu ngành y tế nhắc lại.

Bên cạnh đó là việc thiết lập 536 trạm y tế lưu động ở xã, phường để giúp người dân tiếp cận y tế từ sớm, từ xa.

Virus ngày càng nhiều biến thể, không thể triệt tiêu mầm bệnh

Từ "cuộc chiến chưa có tiền lệ", Bộ trưởng Y tế cho biết đã rút ra được rất nhiều bài học kinh nghiệm quý.

Trong chiến lược vắc xin, ông Long nói đã phải vượt qua tất cả khó khăn về pháp lý để mua, nhập khẩu vắc xin, chấp nhận toàn bộ rủi ro về việc giao hàng không đúng thời hạn, giá mua không được tính lại…

Nhưng với Nghị quyết 21 của Chính phủ đã "mở đường" cho tiếp cận vắc xin và từ tháng 5, việc này được triển khai nhanh chóng hơn.

{keywords}
Hà Nội tiêm vắc xin. Ảnh: Phạm Hải

“Hiện nay chúng ta có những hợp đồng, thỏa thuận cung ứng, tài trợ vắc xin với tổng số 191 triệu liều và con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới”, ông Long chia sẻ về sự thành công trong ngoại giao vắc xin nhờ sự tích cực của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Gần 70 triệu liều vắc xin đã được tiêm, có ngày kỷ lục tiêm được 2 triệu mũi, ông Long nêu kinh nghiệm chia nhỏ các khu vực, bố trí điểm tiêm cố định và lưu động với mục tiêu quyết tâm phủ vắc xin mũi 1 cho ít nhất 80% người dân từ 18 tuổi trở lên và lên kế hoạch tiêm cho trẻ em.

Việt Nam sẽ tham khảo, học hỏi và nghiên cứu để từng bước mở động đối tượng tiêm cho đối tượng 12-17 tuổi, sau đó sang năm có thể mở rộng thêm tiêm cho trẻ trên 3 tuổi.

Bằng việc chuyển giao công nghệ và nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định tự tin trong việc chủ động vắc xin vào 2022. Song song với đó là chủ động về thuốc điều trị khi các văn bản của Quốc hội, Chính phủ đã cho phép nhập khẩu nguyên liệu để đảm bảo nguồn cung.

Cuối cùng, nhắc đến việc chuyển trạng thái chống dịch, ông Long cho rằng phải chấp nhận một thực tế là virus ngày càng nhiều biến thể và không thể triệt tiêu mầm bệnh.

“Chúng ta cũng không thể đưa số nhiễm của TP.HCM hay các tỉnh khác về con số 0 vì điều này là rất khó khăn. Ta phải chấp nhận tỷ lệ nào đó nhưng kiểm soát được vấn đề tử vong”, ông Long nói.

{keywords}
Phiên thảo luận tổ sáng nay

Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh muốn chuyển sang thích ứng, an toàn với dịch thì không còn cách nào khác là phải đảm bảo độ phủ vắc xin. 

“Khi mở cửa theo Nghị quyết 128, nếu không kiểm soát được thì phải nâng cấp độ kiểm soát dịch cao hơn”, ông Long nêu quan điểm và nhấn mạnh điều quan trọng là giải pháp thống nhất trên toàn quốc, chấm dứt chuyện ngăn sông cấm chợ và “mỗi nơi một kiểu”.

>> Xem thêm tình hình dịch Covid-19 mới nhất

Trần Thường

Quốc hội điểm tên hàng loạt tỉnh quy định phòng, chống dịch chưa phù hợp

Quốc hội điểm tên hàng loạt tỉnh quy định phòng, chống dịch chưa phù hợp

Trong phòng, chống dịch Covid-19, vẫn còn tình trạng văn bản của địa phương chưa thống nhất với Trung ương, chưa đồng bộ giữa các tỉnh, thành; người thi hành công vụ hiểu sai, áp dụng sai