Trong một bài viết trên Diễn đàn Đông Á ngày 28/3, tác giả Jia Qingguo thuộc Đại học Bắc Kinh dẫn nhận định của nhiều người rằng sự cạnh tranh chiến lược sẽ tiếp tục định hình mối quan hệ dưới thời Tổng thống Joe Biden, mặc dù cách hiểu về cạnh tranh chiến lược có thể khá khác biệt so với chính quyền tiền nhiệm.
Ông Joe Biden (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một lần gặp gỡ khi ông Biden là Phó Tổng thống Mỹ. Ảnh: AP |
Theo Jia Qingguo, cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc thời ông Trump khá bất lợi. Trước hết, đó là một cuộc cạnh tranh nhằm làm suy yếu chứ không phải vượt trội đối thủ. Chính quyền Trump đã từ bỏ chính sách ràng buộc mà các chính quyền trước đây của Mỹ theo đuổi sau khi bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc năm 1979. Ông gây áp lực buộc các quốc gia khác phải phối hợp với Mỹ để kiềm chế Trung Quốc.
Nhiều người ở Trung Quốc, cả bên trong và bên ngoài chính phủ, tin Bắc Kinh không nên tha thứ cho điều này. Họ cho rằng những gì Mỹ muốn từ Trung Quốc không chỉ là tiền mà còn là cuộc sống. Điều đó khiến Trung Quốc không còn cách nào khác là phải đấu tranh cho sự tồn tại của mình.
Thứ hai, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung dưới thời chính quyền Trump là một cuộc cạnh tranh mà kết cục biện minh cho các phương tiện. Để tập hợp sự ủng hộ trong nước và quốc tế nhằm kiềm chế Trung Quốc, chính quyền Trump thường xuyên gọi Covid-19 là “virus Trung Quốc”, mô tả Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc là một cái bẫy nợ và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là kết quả của việc đánh cắp công nghệ của Mỹ và các chính sách kinh tế không công bằng.
Một số người Trung Quốc đã đáp trả, tố Mỹ liên tục gây ra các cuộc xung đột ở nước ngoài để thúc đẩy các lợi ích của mình dưới danh nghĩa bảo vệ tự do và dân chủ. Một nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc thậm chí cho rằng chính một phòng thí nghiệm quân sự của Mỹ là nguồn cơn khởi phát Covid-19.
Những ngôn từ gay gắt mà hai bên dành cho nhau càng khoét sâu sự ngờ vực và đối địch. Hai bên thấy khó có thể hợp tác về bất cứ điều gì, kể cả cách thức ứng phó đại dịch Covid-19. Cả Mỹ và Trung Quốc đều áp cấm vận lên các công ty và quan chức của nhau, đóng cửa các lãnh sự quán của nhau, dừng các kênh tiếp xúc chính thức, kèm theo đó là những phát biểu chỉ trích và lên án lẫn nhau.
Tác giả Jia Qingguo đặt câu hỏi: Đây có phải loại cạnh tranh chiến lược mà chính quyền Biden muốn theo đuổi?
Ông đánh giá, bề nổi dường như là vậy. Trong các cuộc điều trần gần đây tại quốc hội, các quan chức cấp cao của Mỹ nói rằng họ tin chính quyền Donald Trump đã đúng khi thực hiện một cách tiếp cận cứng rắn đối với Trung Quốc. Họ tin chính quyền Tổng thống Biden sẽ làm việc với các đồng minh của Mỹ để gây áp lực lên Trung Quốc. Khúc dạo đầu cuộc gặp cấp cao Mỹ - Trung ở Alaska cuối tuần trước dường như cũng phản ánh những cách nghĩ này.
Nhưng phân tích kỹ hơn cho thấy, cho dù có những ngôn từ cứng rắn, cách hiểu của chính quyền ông Biden về cạnh tranh chiến lược có thể hoàn toàn khác, theo Jia Qingguo.
Tác giả cho rằng, Tổng thống Biden dường như ủng hộ một cuộc cạnh tranh chiến lược để vượt trội hơn là làm suy yếu đối thủ. Ở trong nước, ông hứa hẹn tập trung vào các vấn đề như khôi phục đoàn kết, tự do và dân chủ, đầu tư nhiều hơn vào giáo dục và khoa học, đảo ngược xu hướng phân cực kinh tế. Ở ngoài nước, chính quyền ông Biden tuyên bố sẽ cố gắng khôi phục quan hệ với các đồng minh và tập hợp sự ủng hộ quốc tế để giải quyết các thách thức toàn cầu, bao gồm đại dịch Covid-19, phục hồi và tăng trưởng kinh tế, cũng như biến đổi khí hậu.
Trong khi chấp nhận một số khía cạnh của quan hệ Trung - Mỹ ngày càng đối nghịch, chính quyền mới của Mỹ cho rằng hai nước có nhiều lợi ích chung quan trọng trong một số lĩnh vực khác, mang lại các cơ hội hợp tác.
Điều quan trọng, chính quyền ông Biden không tin đối đầu toàn diện với Trung Quốc sẽ có lợi cho Mỹ. Trong khi tán thành cách tiếp cận cứng rắn đối với Trung Quốc, Ngoại trưởng Antony Blinken vẫn nói rằng chính sách Trung Quốc của Tổng thống Biden sẽ khác với chính sách của người tiền nhiệm. Dù đối đầu về một số vấn đề, chính quyền mới của Mỹ sẽ tìm cách hợp tác ở những lĩnh vực mà hai nước có chung lợi ích.
Hiện chưa rõ chính quyền Tổng thống Biden sẽ giải quyết các vấn đề học búa giữa hai nước như thế nào. Nó cũng còn phụ thuộc vào cách thức Bắc Kinh phản ứng trước những hành động của Washington. Do hai bên đã có những thể hiện công khai tiêu cực nhằm vào nhau, một cuộc cạnh tranh chiến lược tích cực vẫn là điều rất khó, nếu không muốn nói là khó có thể đạt được, theo tác giả Jia Qingguo.
Thanh Hảo
Ngoại trưởng Mỹ thúc giục các đồng minh bắt tay ứng phó Nga, Trung Quốc
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố, Washington và các nước đồng minh cần phối hợp các chính sách để ứng phó với "các thách thức" do Nga và Trung Quốc tạo ra.
Trung Quốc tuyên bố không định thay thế Mỹ
Mục tiêu của Trung Quốc không phải là thay thế Mỹ trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới.