“Nếu Washington nghĩ rằng họ có thể lôi kéo và hạ gục Bắc Kinh trong một cuộc chạy đua vũ trang như họ đã từng làm trong thời kỳ chiến tranh lạnh…Thì Trung Quốc chưa chắc đã là kẻ thua cuộc”, ông Kiều Lương, một vị tướng thuộc lực lượng Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trả lời phỏng vấn SCMP cho biết.

{keywords}
Một cuộc chay đua không gian giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra. Ảnh: SCMP

Phát biểu trên của ông Kiều Lương diễn ra trong bối cảnh cả Washington và Bắc Kinh đang dốc tiền và nguồn lực để tăng cường chạy đua vũ trang trên không gian, chính những động thái trên khiến cho nhiều chuyên gia an ninh và cựu quan chức Mỹ lo ngại rằng điều này sẽ tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh hơn.

Điển hình như những động thái quyết liệt của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi đề nghị thành lập “Lực lượng Không gian”, điều mà ông Kiều nhận xét là “một nước đi thiếu khôn ngoan”, và những nỗ lực của cả Mỹ và Trung Quốc nhằm chế tạo những vũ khí laser hoặc vũ khí điện tử nhằm mục đích bắn hạ các vệ tinh của nhau.

Ngoài ra, hiện có nhiều lời cảnh báo cho rằng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang chế tạo “những vũ khí năng lượng cho phép tấn công chính xác tầm xa” có thể bắn từ trên không gian xuống Trái Đất. Những lời cảnh báo này hoàn toàn có cơ sở, khi hồi tháng 12/2018 Trung Quốc đã phóng thành công tàu vũ trụ không người lái lên bề mặt tối của mặt trăng.

{keywords}
Những tiến bộ trong lĩnh vực không gian của Trung Quốc khiến Mỹ lo ngại. Ảnh: Tân Hoa Xã

“Tháng 12/2018, Trung Quốc đã trở thành nước đầu tiên đặt chân lên mặt tối của mặt trăng và điều này cũng bộc lộ tham vọng của nước này nhằm nắm lấy vùng đất chiến lược cao của Mặt trăng và trở thành quốc gia tác chiến không gian mạnh trên thế giới”, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence phát biểu trong cuộc họp Hội đồng Không gian Quốc gia diễn ra hồi tháng 3/2019.

Thậm chí đáng lo ngại hơn, cả Mỹ và Trung Quốc dường như không quan tâm đến việc đặt vấn đề chạy đua vũ trang không gian vào chương trình nghị sự ngoại giao nhằm làm giảm căng thẳng. Và điều này hoàn toàn trái ngược với quá trình hợp tác không gian đã tồn tại giữa Mỹ và Nga suốt nhiều thập kỷ qua.

“Một trong những sự lo ngại lớn nhất của tôi đó là khi nói về sự khủng khiếp sẽ xảy ra đối với tất cả mọi người khi chạy đua vũ trang với Trung Quốc, dường như tất cả các chính sách và hành động của Washington hiện nay đều nhằm chuẩn bị cho một cuộc chiến thay vì tránh gây ra xung đột. Không có nhiều đối thoại giữa Mỹ và Trung Quốc”, ông Brian Weeden, giám đốc tổ chức Secure World Foundation cho biết.

Ông Kiều lại cho rằng Trung Quốc không tìm kiếm một cuộc chiến tranh không gian, nhưng nước này sẵn sàng chống lại bất kỳ nước nào, bao gồm cả Mỹ nếu Washington tìm cách đe dọa an ninh quốc gia Bắc Kinh.

“Mục đích để Trung Quốc phát triển năng lực không gian, đầu tiên là chúng tôi không muốn bị nước khác đe dọa. Thứ hai, chúng tôi hy vọng sẽ dùng năng lực không gian cho mục đích hòa bình. Nhưng nếu có bất kỳ ai muốn áp chế chúng tôi bằng cách dùng không gian vũ trụ để mở một ‘mặt trận thứ tư’, thì Trung Quốc kiên quyết không chấp nhận điều đó”, ông Kiều cho biết.

Những báo cáo của tình báo Mỹ gần đây cho thấy, những nỗ lực của Trung Quốc trong việc chế tạo vũ khí không gian đang diễn ra nhanh chóng. Cụ thể, Trung Quốc sẽ sớm thiết kế vũ khí laser mức độ cao để có thể tấn công bất kỳ mục tiêu trên Trái Đất, điều mà Mỹ hiện nay không thể làm được.

Dĩ nhiên những báo cáo trên hoàn toàn có cơ sở, khi Trung Quốc hiện nay đang sở hữu hơn 120 vệ tinh với mục đích tình báo, theo dõi và trinh sát, nhiều chỉ sau Mỹ. Hơn một nửa số đó thuộc điều hành của PLA và có thể dùng để theo dõi, cũng như đưa bất kỳ lực lượng quân sự nào của Mỹ trên toàn thế giới vào tầm ngắm.

{keywords}
Quân đội Trung Quốc đang tăng cường năng lực chiến đấu không gian. Ảnh: Reuters

Ngoài ra, Trung Quốc còn chế tạo những công nghệ chống không gian, bao gồm chế tạo và phát triển ít nhất ba hệ thống tên lửa chống vệ tinh. Đồng thời Bắc Kinh hiện đang phát triển một loại vệ tinh mới có thể tấn công trực tiếp lên vệ tinh khác. Chẳng hạn, những công nghệ được dùng để sửa chữa vệ tinh trên không gian cũng có thể dùng để vô hiệu hóa vệ tinh đối phương hoặc xé nát các tấm pin năng lượng mặt trời gây ảnh hưởng tới nguồn năng lượng cho vệ tinh.

Mỹ-Trung đã từng có một số kênh ngoại giao với mục đích hợp tác vũ trụ vì hòa bình, chẳng hạn như cả hai nước này đều thuộc Ủy ban Liên Hợp Quốc về việc sử dụng không gian cho mục đích hòa bình. Ngoài ra, hồi năm 2015, chính quyền Tổng thống Obama đã thiết lập kênh đối thoại không gian với Trung Quốc vì mục đích hòa bình.

Tuy nhiên, dự luật Wolf Amendment được Quốc hội Mỹ phê chuẩn năm 2011 đã không cho phép chính phủ Mỹ làm việc với Trung Quốc và cấm cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA hợp tác với Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc do những lo ngại về an ninh quốc gia. Bởi vậy hiện nay hầu như không có sự hợp tác giữa Mỹ-Trung trong lĩnh vực quân sự.

Theo nhận định của giám đốc Cục Chiến lược và Kế hoạch Không gian thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, bà Audrey Schaffer cho biết để mở cánh cửa cho việc đối thoại nhằm làm giảm sự căng thẳng, trước hết Mỹ và Trung Quốc nên chia sẻ thông tin như các chiến lược quốc phòng của nhau, cung cấp thời gian phóng các phương tiện không gian hoặc mở các kênh liên lạc giữa các nhà ngoại giao. Như vậy sẽ giúp xây dựng được lòng tin và sự minh bạch giữa hai bên.

“Ngay cả khi mối quan hệ đã cực kỳ căng thẳng, chúng ta nên làm việc song phương và đa phương với nhau để thực sự tạo ra các cơ chế nhằm giảm thiểu rủi ro xảy ra xung đột và tăng cường ổn định”, SCMP trích dẫn lời bà Schaffer cho biết.

Tuấn Trần