“Chúng ta đang sống trong thời điểm chủ nghĩa bá quyền của phương Tây đang kết thúc. Chúng ta đang đẩy Nga về thế cô lập, đồng thời gia tăng các biện pháp trừng phạt, điều này sẽ khiến Nga phải đi tìm các cường quốc đồng minh khác như Trung Quốc, và đó không phải là lợi ích của chúng ta”, ông Macron phát biểu hôm 27/8 tại Biarritz, nơi tổ chức hội nghị G7.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Reuters |
Người đứng đầu điện Elysee cũng kêu gọi các nước châu Âu hãy nghĩ lại về mối quan hệ với Nga. Nếu không, châu Âu sẽ trở thành “võ đài đấu đá giữa Washington và Moscow”.
Theo nhận định của học giả Evgeny Osipov thuộc Viện Nghiên cứu Lịch sử thế giới thuộc Học viện Khoa học Nga, thì nước Pháp rất lo ngại trước viễn cảnh Nga-Trung liên kết với nhau. Biểu hiện rõ nhất chính là sự thay đổi về bản chất quan hệ giữa Moscow và Paris gần đây. Những lời hoa mỹ của ông Macron đưa ra trong những tháng gần đây, nhất là khi nhà lãnh đạo Pháp đã có cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin hồi tuần trước. Ông Macron tuyên bố sẽ làm hết sức mình để xây dựng lại lòng tin giữa Nga và EU.
“Moscow và Paris đã nói rõ về sự khác biệt của họ… và giờ đây họ đã sẵn sàng để dần dần thúc đẩy đối thoại và tiến tới bình thường hóa hoàn toàn các mối quan hệ. Ông ấy thậm chí còn gọi Nga là một nước châu Âu với tương lai gắn liền với toàn bộ các nước châu Âu khác”, ông Osipov cho biết.
Cũng theo ông Osipov, có lẽ nước Pháp muốn có sự cân bằng quyền lực trên trường quốc tế. Điều ông Macron quan tâm chính là không một nước nào trong 3 nước Trung Quốc, Nga hoặc Mỹ trở nên quá hùng mạnh một cách nhanh chóng, nhất là khi Nga-Trung liên kết với nhau.
Pháp muốn có sự cân bằng quyền lực trên trường quốc tế. Ảnh: Washington Times |
Tuy nhiên, những lời kêu gọi tái lập quan hệ với Moscow của ông Macron còn có mục đích khác. Hãng RT trích dẫn nhận định của ông Osipov cho rằng, nhà lãnh đạo Pháp đang tìm mọi cách để củng cố vị trí của mình như một nhà lãnh đạo của cả châu Âu, điều mà ông Macron luôn khao khát kể từ khi ông nhậm chức.
“Hai năm trước, điều đó chỉ là giấc mơ, Hiện nay thì điều đó đã nằm trong tầm tay”, ông Osipov nói. Trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel đang đối mặt với các áp lực trong nội bộ nước Đức, và giới cầm quyền Anh đang chao đảo vì vấn đề Brexit, thì Pháp sẽ nổi lên như một nước ổn định nhất, hùng mạnh nhất trên chính trường châu Âu.
Hãng tin RT trích nhận xét của ông Osipov cho biết, dường như ông Macron đang học tập phương pháp của nhà lãnh đạo nổi tiếng Charles de Gaulle, khi ông de Gaulle đã cố tìm cách giữ sự cân bằng giữa khối phương Tây và khối Xã hội Chủ nghĩa trong những năm 1960. Và nay, ông Macron đang muốn Pháp trở thành “cầu nối giữa phương Tây và Nga”.
RT nhận định, người đứng đầu điện Elysee dường như không muốn mình chỉ nắm vai trò hòa giải, mà còn muốn đi đầu trong việc định hình lại các chính sách của Phương Tây, ít nhất là các chính sách của các nước châu Âu, và ông ấy đã tự mình chỉ ra những sai lầm của EU.
“Trật tự thế giới đã lung lay hơn bao giờ hết. Nó bị lung lay vì những lỗi lầm tạo ra bởi phương Tây trong một số vụ khủng hoảng nhất định, nhưng đó cũng là những lựa chọn của nước Mỹ trong mấy năm vừa qua, chứ không phải chỉ là lỗi lầm của chính quyền hiện tại. Những lựa chọn đó đã ảnh hưởng tới các cuộc xung đột ở Trung Đông và nhiều nơi khác, điều này khiến việc suy nghĩ lại về các chính sách ngoại giao và quân sự là cần thiết”, Tổng thống Pháp Macron phát biểu.
Tuấn Trần