Nhận định trên nhiều học giả Trung Quốc đồng tình và họ nhấn mạnh rằng, nền kinh tế Nga-Trung đang bổ sung cho nhau.

“Thương chiến Mỹ-Trung sẽ có tác động bất lợi đến nền kinh tế toàn thế giới. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của cả Trung Quốc và Nga. Nhưng đồng thời, nó mở ra một số cơ hội để phát triển hợp tác kinh tế giữa Nga và Trung Quốc”, Giám đốc Viện Nga, Đông Âu và Trung Á thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, ông Sun Zhuangzhi nhận định.

Theo ông, cuộc chiến thương mại của Washington đang thúc đẩy Moscow và Bắc Kinh tăng cường thương mại song phương, đặc biệt là về lĩnh vực năng lượng và nông nghiệp. Ông cho biết, các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang buộc Nga phải đa dạng hóa các đối tác và chuyển sự chú ý sang Trung Quốc.

Để chứng minh cho quan điểm của mình, ông Sun chỉ ra rằng trước đây Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa nông sản chủ yếu từ Mỹ và Canada. “Bây giờ chúng tôi đang đa dạng hóa các nhà cung cấp, nhập khẩu nông sản từ các nước khác”, ông nói. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh điều này sẽ cung cấp một cơ hội tuyệt vời cho Nga.

{keywords}
Nhờ các chính sách của Mỹ, Nga-Trung đang xích lại gần nhau hơn. Ảnh: Tân Hoa Xã

Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc, nước nhập khẩu đậu nành lớn nhất thế giới, được cho là đã ngừng mua đậu nành của Mỹ trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang leo thang, sau khi các cuộc đàm phán thương mại đã kết thúc mà không có kết quả. Sau đó, Washinton đã áp mức thuế 25% đối với 200 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc, và Bắc Kinh đáp trả bằng cách tăng thuế đối với 60 tỷ đô la lên hàng hóa Mỹ.

Việc Trung Quốc đình chỉ mua đậu nành Mỹ sẽ có tác động tiêu cực đến nông dân Mỹ. Theo số liệu của Forbes, giá đậu nành đã giảm mạnh trong bối cảnh thương chiến Mỹ-Trung đang căng thăng. Giá đậu nành từ khoảng 10,5 USD/bó đậu nành trước khi cuộc thương chiến nổ ra, tới năm 2018 đã giảm xuống còn 8,6USD.

Trong khi đó, ông Zhao Huasheng, một giáo sư thuộc trường Đại học Phục Đán ở thành phố Thượng Hải nhận định, trong tình hình hiện nay, lĩnh vực tiềm năng nhất là sự tăng cường hợp tác giữa Trung Quốc và Nga trong vấn đề năng lượng.

“Khí thiên nhiên là một lĩnh vực đầy hứa hẹn, kể cả đường ống dẫn khí đốt. Chúng tôi không có nhiều đường ống dẫn khí đốt, bây giờ Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu khí đốt hóa lỏng (LNG) từ Nga. LNG chuyển đến vịnh Bột Hải từ Bắc Băng Dương. Trong tương lai, nguồn cung cấp LNG sẽ tăng đáng kể”, ông Zhao nói.

{keywords}
Nga-Trung đang tăng cường hợp tác phát triển lĩnh vực năng lượng. Ảnh: Sputnik

Các chuyên gia Trung Quốc tin rằng, nước này và Nga đang ở trong hoàn cảnh địa chính trị giống nhau. Mỹ và phương Tây đang muốn kiềm chế sự phát triển kinh tế của cả hai nước. Trong trường hợp của Trung Quốc, các vấn đề mất cân bằng thương mại chỉ là một cái cớ, ông Li Yongquan, Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết.

“Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga, và cuộc chiến thương mại cũng có thể được coi là một kiểu trừng phạt. Mỹ luôn xây dựng quan hệ với các quốc gia khác theo nguyên tắc ưu tiên cho lợi ích của họ. Lợi ích của Mỹ là tối quan trọng, đó là lập trường của họ. Nhưng những mối quan hệ như vậy thường không có triển vọng. Có thể nói, sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đưa Bắc Kinh đến gần Moscow hơn”, ông Li nhận định.

“Tôi nghĩ rằng hợp tác cùng nhau, Nga-Trung hoàn toàn có thể bù đắp cho những tác động tiêu cực của các lệnh trừng phạt Mỹ nhằm vào Nga và cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh và Washington. Chúng ta chỉ cần phát triển toàn bộ tiềm năng thương mại và hợp tác song phương (giữa Nga và Trung Quốc). Điều này sẽ có lợi cho cả hai nước, và phần còn lại của thế giới”, ông nhấn mạnh.

Tổng thống Nga Vladimir Putin là nhà lãnh đạo trên thế giới có nhiều cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất. Dự kiến, hai ông sẽ có cuộc gặp trong thời gian từ ngày 5-7/6, khi ông Tập tham gia Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg. Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Trương Hán Huy, Tổng thống Putin và ông Tập dự kiến sẽ ký hai văn kiện hợp tác quan trọng khi ông Tập tới thăm Nga.

Cụ thể, văn kiện đầu tiên sẽ là tuyên bố về một kế hoạch toàn diện cho việc phát triển và hợp tác chung giữa Nga-Trung. Còn văn kiện thứ hai sẽ về các vấn đề liên quan đến sự ổn định chiến lược quốc tế, theo Sputnik.

Tuấn Trần