Không chỉ giới phân tích, một quan chức cấp cao của Trung Quốc lần đầu tiên cũng lên tiếng thừa nhận về nguy cơ xảy ra "Chiến tranh Lạnh mới" giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới khi mối quan hệ song phương xấu đi nghiêm trọng.

{keywords}
 

Tại một buổi họp báo thường niên hôm 24/5, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gay gắt chỉ trích Washington, cáo buộc chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phá hoại quan hệ với Bắc Kinh bằng "một chiến dịch hạ bệ uy tín".

Reuters dẫn lời lãnh đạo Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh: "Trung Quốc không có ý định thay đổi và càng không mong muốn thay thế Mỹ. Đã đến lúc Mỹ từ bỏ tham vọng thay đổi Trung Quốc cũng như ngăn chặn 1,4 tỷ người dân của đại lục trong cuộc trường chinh lịch sử hướng tới quá trình hiện đại hóa".

"Ngoài sự tàn phá của virus corona chủng mới, còn có một virus chính trị đang lây lan khắp nước Mỹ. Virus chính trị này là việc sử dụng mọi cơ hội để công kích và bôi nhọ Trung Quốc. Một số chính trị gia Mỹ hoàn toàn phớt lờ các sự thực căn bản, tạo dựng quá nhiều điều dối trá về Trung Quốc và tung ra quá nhiều thuyết âm mưu", ông Vương nói thêm.

Theo các nhà quan sát, tranh cãi liên quan đến vấn đề biển Đông, các tranh chấp thương mại chưa được giải quyết suốt hơn 2 năm qua... đã làm suy yếu sự hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc. Mối quan hệ "cơm không lành, canh chẳng ngọt" giữa hai cường quốc càng bị kéo căng vì sự bùng phát của dịch bệnh và gần đây nhất là việc Bắc Kinh xem xét áp dụng luật an ninh mới ở Hong Kong.

Tổng thống Trump cùng các quan chức hàng đầu tại Washington liên tục buộc tội Chính phủ Trung Quốc che giấu thông tin, dẫn đến việc mầm bệnh nguy hiểm lây lan ra bên ngoài đại lục, khiến cả thế giới điêu đứng.

Chính quyền ông Trump tuyên bố đang xúc tiến điều tra các nghi vấn và cùng Australia kêu gọi quốc tế vào cuộc điều tra về đại dịch Covid-19 toàn cầu. Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Fox hôm 14/5, lãnh đạo Nhà Trắng thậm chí bày tỏ sự thất vọng đối với cách nhà chức trách Trung Quốc xử lý cuộc khủng hoảng vì dịch bệnh và đe dọa có thể áp trừng trừng phạt cũng như cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Bắc Kinh.

Hôm 24/5, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien cũng tuyên bố trên kênh NBC rằng, Washington sẽ có các biện pháp trừng phạt giới chức Trung Quốc nếu Bắc Kinh thông qua dự luật an ninh Hong Kong.

Đáng nói, các cáo buộc cùng lời đe dọa trừng phạt dồn dập từ Washington thời gian qua càng củng cố những hoài nghi lâu nay ở Bắc Kinh rằng, Mỹ và các đồng minh đang cố gắng kìm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc kinh tế, ngoại giao và quân sự.

Những người theo đường lối cứng rắn kêu gọi Bắc Kinh mạnh bạo và quyết liệt hơn trước các nỗ lực của chính quyền ông Trump nhằm đổ lỗi cho Trung Quốc về sự bùng phát Covid-19 cũng như số ca tử vong vì đại dịch cao kỷ lục ở Mỹ. Họ khuyến cáo phía Mỹ không nên can thiệp vào tình hình ở Hong Kong, "vấn đề nội bộ của Trung Quốc".

Ngược lại, những người ôn hòa cảnh báo, các phản ứng dữ dội của Bắc Kinh có thể phản tác dụng, cô lập Trung Quốc khi nước này cần nhất là thị trường xuất khẩu và các đối tác ngoại giao để vực dậy nền kinh tế cũng như khôi phục hình ảnh trước quốc tế.

Dù mâu thuẫn đến nay hầu như chỉ giới hạn trong việc đấu khẩu, nhưng hiện tồn tại các dấu hiệu cảnh báo quan hệ Mỹ - Trung  có thể xấu đi nghiêm trọng, thậm chí có nguy cơ leo thang thành đối đầu quân sự như trong kịch bản tồi tệ nhất mà một số nhà phân tích từng đề cập đến.

Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 do ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí ký kết hồi tháng 1, vốn từng thắp lên hy vọng về bước ngoặt giúp thế giới thoát khỏi một cuộc chiến thuế quan tốn kém, cũng có nguy cơ sụp đổ bất chấp những cam kết tuân thủ.

Theo Jacob Stokes, chuyên gia phân tích thuộc Viện Hòa bình Mỹ, quan hệ giữa hai cường quốc đã sụt giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 50 năm qua.

Cùng quan điểm, Cao Chí Khải, thông dịch viên thân cận của cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình bình luận, kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1979, Mỹ và Trung Quốc chưa từng rơi vào tình thế "nguy hiểm và đối đầu" như hiện nay.

Các nhà quan sát nhìn chung thống nhất rằng, căng thẳng giữa hai nước khó có khả năng hạ nhiệt hay chấm dứt trong nay mai.

Đối đầu có thể tiếp tục leo thang khi ông Trump tăng tốc các nỗ lực tái tranh cử vào tháng 11, cố gắng đẩy lui những chỉ trích nhằm vào cách ứng phó Covid-19 của Nhà Trắng cũng như tìm mọi cách lấy lòng các cử tri đang mất dần thiện cảm với Trung Quốc.

Trong khi Trung Quốc cũng đang huy động mọi nguồn lực nhằm bảo vệ uy tín quốc tế, giữa lúc nước này phải hứng chịu suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất trong vài thập kỷ qua vì dịch bệnh.

Dư luận vẫn đang nín thở chờ xem các bước đi tiếp theo của Mỹ và Trung Quốc, mối quan hệ được xem là có vai trò quyết định bối cảnh chính trị thế giới trong thế kỷ 21.

Tuấn Anh