Vào cuối tháng 9, Hạ viện Mỹ đã quyết định mở cuộc điều tra luận tội Tổng thống Mỹ, sau khi một người đâm đơn tố cáo ông Trump trong cuộc điện đàm ngày 25/7 đã thúc ép người đồng cấp Ukraina điều tra cựu Phó Tổng thống Joe Biden, nhân vật hàng đầu của đảng Dân chủ và đối thủ tiềm tàng của ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2020.
Ngày 13/11, phiên điều trần luận tội công khai đầu tiên đã được tiến hành.
Trước ống kính của nhiều báo đài lớn, Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Adam Schiff –nghị sĩ đảng Dân chủ, đã có bài phát biểu mở đầu. Ông nói: "Câu hỏi trong điều tra luận tội là có hay không việc Tổng thống Trump đã tìm cách khai thác điểm yếu của đồng minh và lôi kéo Ukraina can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng ta. Câu trả lời của chúng ta cho những vấn đề này sẽ không chỉ ảnh hưởng tới tương lai của chiếc ghế tổng thống, mà còn ảnh hưởng tới tương lai của chính vị trí này, và đâu là việc được gọi là có đạo đức hay phi đạo đức mà người dân Mỹ có thể thấy ở vị tổng tư lệnh của họ".
Tham gia phiên điều trần công khai đầu tiên ngày 13/11, hai nhân chứng là cựu quyền đại sứ Mỹ ở Ukraina William Taylor và Phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ George Kent đã cung cấp nhiều chi tiết mới, trong khi các nghị sĩ thuộc hai phe Dân chủ và Cộng hòa đưa ra những lập luận đối chọi gay gắt. Phát ngôn viên Nhà Trắng tuyên bố Tổng thống Trump không quan tâm sự kiện này, thay vào đó ông dành thời gian tiếp tục công việc của mình.
Nếu 435 thành viên Hạ viện chấp thuận đưa ra các cáo buộc chống lại Tổng thống, còn gọi là các điểm luận tội, vụ việc sẽ được chuyển lên Thượng viện để cơ quan này tổ chức một phiên tòa xác định tội lỗi của người đứng đầu nước Mỹ. Tại phiên tòa đó, các thành viên Hạ viện sẽ đảm nhận vai trò công tố viên, các thượng nghị sĩ làm bồi thẩm đoàn còn Chánh án Tòa tối cao giữ vị trí chủ tọa.
Tổng thống sẽ bị kết tội và phế truất, nếu 2/3 số phiếu tại Thượng viện ủng hộ điều này. Tuy nhiên, Thượng viện hiện do phe Cộng hòa của Tổng thống kiểm soát nên khả năng ông Trump bị phế truất rất khó xảy ra, vì phải cần đến 20 thượng nghị sĩ Cộng hòa đứng về phe Dân chủ thì mới đủ tỷ lệ 2/3 nếu trên.
Thực tế đã có một số minh chứng Tổng thống lạm quyền mà chính nhiều nghị sĩ và thượng nghị sĩ Cộng hòa thừa nhận là khó bào chữa. Tuy vậy, đến nay vẫn chưa rõ phe Dân chủ có đủ bằng chứng để luận tội ông hay không, và nếu đủ thì chúng sẽ thể hiện mức độ phạm tội của ông ở mức nào.
Trong khi đó, dư luận ở Mỹ cũng đang rất tranh cãi về vấn đề này. Những người ủng hộ Donald Trump và cả những người phản đối luận tội đều cho rằng tiến trình đó không đi đến đâu mà lại có nguy cơ càng đẩy nước Mỹ vào chia rẽ nghiêm trọng.
Giới phân tích nhận định, điều tra luận tội diễn ra khi Tổng thống Donald Trump đã bước vào cuộc chạy đua bầu cử năm 2020 và chiến dịch tái tranh cử của ông Trump dường như đang cố tận dụng chính sự kiện này để lôi kéo sự ủng hộ của cử tri bằng cách kêu gọi họ bảo vệ Tổng thống.
Bản thân ông Trump chưa nói gì nhiều về nhiệm kỳ 2, nhưng nhiều người vẫn còn nhớ cuộc đua lần 1 năm 2016 đã mang lại chiến thắng vẻ vang cho ông như thế nào, dù đa số cuộc thăm dò cho thấy ông không có cơ hội bước vào Nhà Trắng.
"Không ai thực sự tin rằng ông Trump sẽ bị Thượng viện hạ bệ", Larry Sabato, Giám đốc Trung tâm Chính trị Đại học Virginia, bình luận. Theo ông, các thành viên tốt hơn hết là nên tập trung vào chiến dịch tranh cử và hy vọng tới thời điểm cuộc bầu cử diễn ra, công chúng đã trở nên quá mệt mỏi với những gì Tổng thống Mỹ thể hiện và quay sang ủng hộ họ.
"Chỉ ông Trump mới có thể đánh bại chính ông ấy mà thôi", Larry Sabato bình luận.
Thanh Hảo