Chuyến bay MH370 của hãng Malaysia Airlines đã mất tích hôm 8/3/2014, trên đường bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh với 239 người trên máy bay. Cho đến nay, sự thật về những gì đã xảy ra với chiếc máy bay vẫn còn là một bí ẩn.

Tuy nhiên, một giả thuyết đáng kinh ngạc đã được đưa ra trong bộ phim tài liệu "Chuyến bay MH370" của kênh Channel 5 ở Anh. Giả thuyết này xoay quanh ý tưởng rằng một kẻ khủng bố có thể đã thực hiện một cuộc tấn công mạng ngay trên máy bay, truy cập vào hệ thống mạng của chiếc máy bay bằng cách sử dụng một chiếc điện thoại di động hoặc một chiếc USB thông qua hệ thống giải trí trên máy bay.

{keywords}
Hệ thống giải trí có thể đã được sử dụng để cướp máy bay

Cố vấn quản lý rủi ro tiến sĩ Sally Leivesley gợi ý rằng sau đó kẻ khủng bố này có thể đã vô hiệu hóa hệ thống mạng của máy bay với một phần mềm độc hại có chức năng tạo ra các sự kiểm soát ảo trong buồng lái, khiến cho các phi công nhầm tưởng rằng họ đang bay đúng hướng, nhưng thực ra lại đưa họ đi chệch khỏi hành trình.

Bà Leivesley cho biết: "Cốt lõi của giả thuyết này nằm ở chỗ máy bay được kiểm soát bởi máy tính, không phải con người. Có những con chip nằm trong tổ hợp thiết bị và hệ thống điện – điện tử trên máy bay, và các con chip này có thể chứa virus".

"Các hoạt động kiểm soát trông có vẻ bình thường, nhưng thực chất có một hệ thống ngầm bên dưới đang thực sự lái chiếc máy bay".

Nếu đúng như vậy, cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah và cơ phó Fariq Abdul Hamid có thể đã không nhận ra có bất kỳ điều gì bất thường, cho đến khi tất cả là quá muộn.

{keywords}
Cố vấn quản lý rủi ro Sally Leivesley

Chuyên gia an ninh hàng không Jim Termini cho biết "khả năng rất cao" là chiếc máy bay đã bị khủng bố, nhưng việc này có thể được thực hiện theo một số cách khác nhau. Bốn khả năng anh đã cân nhắc đến bao gồm: một thành viên phi hành đoàn, một hành khách, một người trốn lậu lên máy bay hoặc một cuộc tấn công điện tử từ một trạm kiểm soát mặt đất.

Anh Termini cho biết tuy "khả năng không cao" là vụ việc có liên quan đến khủng bố điện tử, nhưng nó vẫn hoàn toàn có thể xảy ra.

Anh nói với Channel 5: "Tấn công điện tử là một hình thức tấn công vô cùng phức tạp mà ở thời điểm hiện tại, khả năng là khá thấp, nhưng đó chỉ vì chúng ta chưa chứng kiến một cuộc tấn công như vậy bao giờ".

"Trước khi 9/11 xảy ra, chúng ta cũng không thể tưởng tượng nổi rằng một chiếc máy bay có thể được sử dụng như một tên lửa hành trình để tấn công New York và Washington – nhưng tất nhiên, điều đó đã xảy ra".

{keywords}
Chuyên gia an ninh hàng không Jim Termini phát biểu trong bộ phim tài liệu của Channel 5

Tiến sĩ Leivesley chỉ ra rằng không có giấy tờ nào ghi rõ những ai có quyền vào trong chiếc MH370 trước khi nó cất cánh. Bà gợi ý rằng có thể ai đó đã lẻn vào chiếc máy bay khi nó đậu ở sân bay Kuala Lumpur để khởi động một cuộc tấn công điện tử.

Vị chuyên gia này cho biết: "Từ những báo cáo của chính phủ Malaysia, chúng ta biết là đã có những hoạt động bảo trì diễn ra trong tháng 2, tuy nhiên trong khoảng thời gian ngay trước ngày cất cánh, không có biên bản hồ sơ nào".

"Chúng ta cần biết ai đã có thể vào được chiếc máy bay. Liệu có cơ hội cho ai đó lọt vào cùng một chiếc USB – hay bằng cách nào đó khác – để cài đặt một vụ tấn công điện tử đối với chiếc máy bay để nó không thể nào đến được đích?", tiến sĩ Leivesley cho biết.

Nếu giả thuyết này là đúng, nó sẽ có những hệ lụy nghiêm trọng đến an toàn hàng không. Nếu được xác nhận, việc này có thể dẫn đến các biện pháp tăng cường kiểm soát an ninh và quy trình lưu trữ tài liệu nghiêm ngặt hơn.

Anh Thư